Rùng mình chè bẩn

vytran |

Trộn cháo bột sắn vào chè, rồi đem phơi trên đường như phơi thóc, phơi rơm, mặc cho xe tải cán qua, chó chạy, lợn ủi, trâu dẫm, gà bới…

Chế biến chè bẩn Ảnh: N.T.

Nhà nhà làm chè bẩn

“Tôi vừa ở Văn Chấn về. Không thể tưởng tượng được những người dân ở đây lại liều lĩnh đến thế!” Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam mở đầu câu chuyện về chè bẩn ở Yên Bái và một số tỉnh phía Bắc với sắc giọng đầy lo lắng.

Để minh chứng cho lời ông Tuân, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam, ông Hoàng Long cho chúng tôi xem đoạn băng ghi hình “công nghệ làm chè bẩn” của một bộ phận không nhỏ người dân Văn Chấn (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên)…

“Công nghệ" làm chè bẩn ở Hàm Yên còn sốc hơn: Họ trộn phân lân hoặc nước bùn đất vào búp chè tươi già, qua công đoạn vò, phơi thì được loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo, cánh chè xoăn và xanh. Ở Đồng Hỷ, người dân làm chè bẩn liều hơn: Trộn bột đất quặng vào búp chè tươi trước khi đem vò, phơi, đóng gói, đóng bao sản phẩm đưa đi tiêu thụ.

Vì sao hơn 2 tháng nay, ở một số vùng chè, đất chè thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang v.v… làm chè bẩn đã bùng phát thành “phong trào” rộng khắp? Câu trả lời rất dễ thấy: Vì làm chè bẩn lãi quá!

Anh Long cho biết: Để có 1 kg chè khô sạch, phải có 5 kg chè búp tươi đúng chuẩn (1 tôm 2 lá hoặc 3 lá). Chè bẩn chỉ cần 3 kg chè búp tươi, lại không cần chọn 1 tôm 2 lá, 3 lá mà cứ hái bừa 1 tôm 7 lá, 8 lá (tức là búp chè già câng).

Một hộ gia đình làm chè bẩn chỉ cần bỏ ra 4-5 triệu đồng mua máy móc, dụng cụ làm chè là đã trở thành ông chủ, bà chủ của 1 xưởng chè. Và chỉ sau 1 tuần sản xuất chè bẩn, họ đã thu hồi toàn bộ vốn.

Siêu lợi nhuận như thế nên giờ đây ở các địa phương nêu trên đã thành phong trào “nhà nhà làm chè, người người làm chè” (bẩn). Ở Văn Chấn có anh đang làm nghề lái xe tải, tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng, nay bỏ tay lái, làm chè bẩn, tháng thu nhập gấp 3 lần!

Có một điều rất lạ là chè bẩn làm ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu! Thương lái đổ xô đến tận nhà người làm chè chế biến, chầu chực chờ mua, tranh mua. Chè bẩn đóng bao, đóng gói được kìn kìn chở đi.

Cả ông Chủ tịch và Chánh Văn phòng HHCVN cho biết: Toàn bộ chè bẩn được xuất sang 1 nước láng giềng qua đường tiểu ngạch! Họ mua chè bẩn về với số lượng lớn như thế để làm gì thì… chưa ai biết?

Ông Chủ tịch HHCVN kể 1 chuyện xảy ra cách đây 3-4 năm. Dạo đó, nước láng giềng cho người sang tỉnh biên giới H. hướng dẫn nông dân làm chè khô vàng, và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá mua rất cao! Sau đó, đúng dịp lễ khai mạc Đại hội Olympic 2008, họ đem chè khô vàng… ra đốt và mời các nhà báo trong và ngoài nước chứng kiến. Và tuyên bố rằng: Đây chính là chè khô “Made in Vietnam” gây ra bệnh x, y, z gì đó! Họ còn mời cả ông Chủ tịch UBND tỉnh H. sang chứng kiến cảnh họ đốt chè!

Cận cảnh công nghệ sản xuất chè bẩn. Ảnh: NT.

Đói nguyên liệu

Trở lại chuyện người dân làm chè bẩn hiện giờ đã thấy tận mắt bao tác hại. Vài tháng nay, nguyên liệu (chè búp tươi) cho các nhà máy chè đột ngột trở nên ngày càng khan hiếm. Một nhà máy chè ở huyện Văn Chấn từ 1-7 đến 12-7-2011 chỉ mua được 7 tấn chè búp tươi. (Trước đó, mỗi ngày nhà máy mua được trên dưới 60 tấn, đủ nguyên liệu cho công xuất chế biến của nhà máy).

Một nhà máy khác, cũng ở huyện Văn Chấn, mỗi ngày cần 40 tấn chè búp tươi, gần 2 tháng nay không thu mua được… kg nào! Ông Chủ tịch HHCVN chua chát thốt lên: Cứ đà “đói” nguyên liệu thế này, các nhà máy chế biến chè ở các tỉnh phía Bắc có nguy cơ phá sản! Hàng vạn người lao động thất nghiệp kéo theo hàng chục vạn người khổ theo.

Lại nữa, các hợp đồng xuất khẩu chè theo đó cũng sẽ rơi vào tình trạng bị hủy và bị phạt. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam theo hợp đồng xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2011, ngành chè nước ta phải sản xuất 90.000 tấn chè búp khô! “Đói” nguyên liệu sản xuất như thế không biết có đủ lượng chè xuất khẩu không?

Một tác hại nữa cũng nhãn tiền: Nhà nước thất thu thuế. Đơn cử như ở huyện Văn Chấn, do “nhà nhà làm chè bẩn” (mỗi ngày tiêu thụ khoảng 150 tấn chè búp tươi), chè bẩn thành phẩm bán thẳng cho thương lái, không có hóa đơn, không nộp thuế nên ngành thuế huyện bị “lọt” ít nhất 60 triệu đồng/ tháng.Phong trào “nhà nhà làm chè, người người làm chè” (bẩn) đang lan rộng ở các vùng chè, đất chè các tỉnh phía Bắc. Hiệp hội Chè VN cho biết đã vào cuộc ngăn chặn chè bẩn nhưng cố gắng này là chưa đủ nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương.

Theo Tiền Phong

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại