Rau sạch bán cho ai?

Hoàng Xuân |

Các nhà quản lý vĩ mô, nhà khoa học, doanh nghiệp... không thờ ơ (họ cũng hàng ngày ăn rau bẩn như tất cả mọi người mà).

> Vì sao mỡ động vật bị "dìm hàng?"
> Video: Mục sở thị hóa chất “nhuộm” chim giá 6.000 đồng/gói/năm
> Bao nhiêu người Việt sẽ không lạnh xương sống khi xem video này?
> Sự thật khiến nhiều người "ngã ngửa" về dầu ăn và mỡ động vật

Bạn đã tự tay trồng rau chưa? Tôi thì đã.

Nhà tôi có một mảnh vườn nhỏ. Đạt chuẩn rau hữu cơ: đất không hề có hóa chất từ gần 40 năm nay. Nước sạch. Trồng ít rau thơm ăn hàng ngày, vừa ăn, vừa chơi, má tôi thích lắm.

Nhưng hành thì lá mềm và ngã ngang tứ tung, không cứng cao thẳng vút như hành mua. Rau thơm hay vàng. Muốn xanh phải bón urê. Lá rau nhỏ xíu. Cằn. Lại hay bị sâu ăn.

Đủ loại sâu: có con chỉ nhỉnh hơn cái kim một tẹo, dài chừng một phân, cũng màu xanh như lá, riêng cái đầu vàng có hai sừng đen. Bắt được nó mắt bạn đã lên vài độ.

Có con sâu vẽ bùa, chả bao giờ nhìn thấy nó nhưng lá chanh, lá cam, lá bưởi cứ quăn lại rồi rụng. Bọn này chỉ ăn ngọn và lá non nên nếu không xử kịp thì cây của bạn sẽ mãi mãi là bonsai bất đắc dĩ.

Ban đêm, sên trần kéo ra, con ốc sên không vỏ, nhìn giống như chiếc lá khô đen sì, ban ngày chui sâu trong đất, đến chạng vạng kéo ra hàng đàn, ăn rào rào như máy xúc, tiệt cả cây non.

Lại còn sùng đất. Chúng giống sâu nhưng ú nu ú nần, to bằng ngón tay, trắng mũm mĩm, cũng sống sâu trong đất ẩm. Cây nào thấy đột nhiên cứ rụi đi là phải nghi nó. Nó lặng lẽ gặm sạch cả bộ rễ.

Một ngày đụng vào cây dọc mùng (miền Nam gọi là bạc hà, chúa trùm trong các món canh chua) bỗng ngã lăn ra, ấy thủ phạm chính là họ hàng thằng sùng đất vậy.

Trồng rau khó vậy đó người ơi!

Nên một mớ rau đảm bảo sạch thì năng suất ít, công nhiều, mà bộ mã lại cằn cằn, lá nhỏ, không láng mướt, không bắt mắt.

Ăn thơm ngon thật, chỉ vừa hái thậm chí chỉ cần tưới nước lên nó đã tỏa thơm ngát cả ngón tay, nhưng chợ cần số nhiều, bếp ăn tập thể cần số nhiều, quán sá nhà hàng cần số nhiều.

Số nhiều nhưng giá phải rẻ, vì những ông bà cụ hưu trí, những gia đình vợ chồng làm công nhân khu công nghiệp, lương tháng bốn triệu đồng, làm sao dám thường xuyên mua bó rau 20.000 đ trong siêu thị kia chứ?

Tâm lý các mẹ đi chợ luôn chuộng những mớ rau xanh mướt, lá to dài, bóng lọng ("nhìn nó phải ngon mắt").

Tôi có đọc một bài báo khoa học nói rằng rau trái mọc tự nhiên, hoặc bị thương, có vết, thì dinh dưỡng tăng cao gấp nhiều lần trái nguyên lành vì nó phải tiết ra một thứ chất để chống chọi và làm lành vết thương.

Nhưng luôn luôn thứ trái này, rau này là chọn lựa cuối cùng của những bà nội trợ ít tiền, trễ chợ hoặc ngay sau khi hái nhà vườn đã quẳng sang một bên cho bọn trẻ gặm chơi rồi.

Đi mua trái cây cúng rằm, chưng Tết, biếu tặng..., bạn chọn loại to mập, căng bóng hay loại xâu xấu cằn cằn?

Tôi đoán nhiều câu trả lời sẽ là "vô siêu thị mua trái cây ngoại nhập". Để được an lòng cả về hình thức lẫn chất lượng. Cho dù giá trái cây ngoại cao gấp nhiều lần trái cây nội.

Thật mâu thuẫn nhưng là sự thật.

Lý do thứ hai là chính người trồng rau cũng không thích trồng rau an toàn, rau sạch theo các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam hoặc thế giới).

Nhiều hợp tác xã ban đầu hồ hởi trồng rau trái GAP, nhưng chỉ được một mùa là tan, vì hai lẽ: Một, rau trái an toàn bán ra cũng gần bằng giá với rau trái thường.

Hai, chi phí để làm GAP cao quá (khoảng sáu chục triệu/năm, mỗi năm đánh giá lại một lần), nông dân kham không nổi.

Cộng với chưa có thói quen ghi nhật ký những lần xử lý đất, phun thuốc, cách ly... Thôi, cực quá, tốn kém hơn mà chẳng lời hơn chút nào. Ta quay về trồng rau kích phọt, phun thuốc ào ào cho khỏe. Người ta có số, trời kêu ai nấy dạ.

Cũng đừng vội trách người nông dân bây giờ độc ác, trồng một khoảnh rau sạch cho nhà ăn riêng còn rau bán thì… "kệ mẹ thiên hạ".

Không hoàn toàn như vậy!

Không nhà vườn nào trồng được đủ hết mọi loại rau để phục vụ cho chính mình cả.

Người nông dân này vẫn phải mua hàng hóa của người nông dân khác, ăn thịt heo thịt gà, con cá người khác nuôi. Mua gạo về nấu cơm. Mà gạo thì cũng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Heo gà cá đều có tồn dư thuốc kháng sinh.

Nghĩa là "chạy trời không khỏi nắng". Hoặc, đúng là ác thật, nhưng cơm áo gạo tiền không cho họ chọn cách làm khác.

Hậu quả: thủ phạm cũng chính là nạn nhân.

Cả nước có khoảng 15-20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật thì có đến 70% trong số này có triệu chứng ngộ độc (theo số liệu điều tra của Trung tâm Hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN).

Một chuỗi hành vi-hậu quả lòng vòng, luẩn quẩn, kinh sợ với những con số rùng mình: 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập về và số bệnh nhân mới mắc ung thư 150.000 người, hàng năm.

Vấn đề của rau cũng là vấn đề của toàn thể bức tranh nông nghiệp Việt Nam.

Đó là tính chất manh mún, nhỏ lẻ khó kiểm soát chất lượng, không đáp ứng được những đơn hàng lớn hoặc có giá trị cao, hệ thống phân phối quá nhiều khâu trung gian khiến đội giá lên cao và không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các nhà quản lý vĩ mô, nhà khoa học, doanh nghiệp... không thờ ơ (họ cũng hàng ngày ăn rau bẩn như tất cả mọi người mà).

Các giải pháp đề ra là yêu cầu Nhà nước hỗ trợ chi phí thực hiện VietGAP, Global GAP cho nông dân, giảm dần theo từng năm để giúp nông dân yên tâm làm rau an toàn, trợ giá trực tiếp cho nông dân.

Ngoài ra phải quy hoạch hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản để nông sản đến tay người dùng với giá hợp lý nhất.

Nhiều lắm!

Nhưng đề xuất lâu rồi mà chưa làm.

Vì đó là chuyện của Nhà nước.

Cho nên, trong khi chờ Nhà nước thì trong phạm vi nhà mình, chúng ta nên tạm bằng lòng với giải pháp rẻ tiền thông dụng, năng lượng siêu cấp vô địch cho mọi loại thực phẩm bẩn: nước muối.

Trời kêu ai nấy dạ mà, phải không?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại