Bệnh lây nhanh lại lâu lành
Theo thông tin từ nhiều bệnh viện chuyên về mắt cũng như những bệnh viện có khoa khám - chữa bệnh về mắt trên địa bàn TP.HCM, trong tuần qua số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ tăng cao. Trung bình, mỗi ngày, một bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ. Số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện chiếm từ 50 - 70% số bệnh nhân khám mắt.
Nhiều phụ huynh có con em học bậc mẫu giáo, tiểu học phản ánh, bệnh đau mắt đỏ đợt này lây lan rất nhanh và lâu khỏi bệnh. “Trong lớp, có một cháu bị bệnh đau mắt đỏ, bệnh mới tái phát, mắt chỉ mới hơi đỏ một tí phụ huynh đã phát hiện đưa về nhà. Vậy mà, bệnh cũng đã lây sang mấy em khác”, chị N. một giáo viên mầm non tư thục ở phường Thạnh Lộc, quận 12, lo ngại.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt tại TP.HCM cho biết, thời gian gần đây nhiều người bị bệnh đau mắt đỏ nhưng có biểu hiện hơi khác thường như mắt sưng, có chảy dịch màu hồng. Những bệnh nhân này thường có nước mắt màu hồng nhạt, khác với bình thường nước mắt có màu trắng hoặc trắng ngà. Do đó, nếu không được khám và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Ẩn họa từ rạp chiếu phim
“Thường khi xảy ra dịch bệnh về mắt, ở các thành phố, người ta thường lưu ý đến những nơi như trường học, công sở… Đây là nơi bệnh rất dễ bị lây nhiễm từ người này sang người khác. Song theo tôi, còn có một nơi mà ngành y tế chưa chú ý tới đó là rạp chiếu phim 3D. Đây là nơi người ta dùng chung kính để xem phim nên bệnh rất dễ lây lan, nếu kính xem phim không được vệ sinh đúng cách. Như ở địa bàn TP.HCM, hiện có cả trăm rạp chiếu phim 3D, số người xem mỗi ngày lên đến hàng chục nghìn người. Do đó, nếu lây nhiễm bệnh về mắt qua kính xem phim thì sẽ rất đáng lo ngại”, một bác sĩ ở TP.HCM, cảnh báo.
Kính xem phim 3D có thể trở thành con đường lây nhiễm bệnh về mắt.
Các bác sĩ ngành y tế dự phòng ở TP.HCM cho rằng, nhận định trên là có cơ sở và rất đáng quan tâm. “Đúng là ở TP.HCM hiện có rất nhiều rạp chiếu phim 3D. Vậy sau mỗi lượt chiếu, kính có được vệ sinh hay không, hay sử dụng tiếp. Nếu có vệ sinh thì họ sử dụng chất gì, có đảm bảo việc sát trùng, phòng ngừa bệnh hay không. Đây là những vấn đề mà chúng tôi đã lưu ý và đang triển khai kiểm tra”, một bác sĩ của Trung tâm y tế dự phòng TP, cũng bày tỏ lo ngại.
Một bác sĩ cho biết, qua kiểm một số rạp chiếu phim 3D, các rạp chiếu phim này có vệ sinh kính sau mỗi lượt chiếu nhưng không đảm bảo yêu cầu về sát trùng.
Theo vị bác sĩ này, muốn lau kính đảm bảo vệ sinh phòng bệnh phải dùng bằng cồn hoặc các chất tiệt trùng của ngành y tế. Song có thể do sợ việc vệ sinh kính bằng cách này sẽ làm cho kính bị hư hỏng nên các chủ rạp chiếu phim 3D không sử dụng (?!).
Ngoài ra, còn một lo ngại khác mà bác sĩ cũng lưu tâm đó là nguồn gốc xuất xứ của các kính xem phim 3 D. Bởi lẽ hiện nay, hầu như chưa đơn vị này biết rõ các kính này do ai sản xuất, chất lượng thế nào, có ảnh hưởng đến thị lực của người xem không.