Sáng 30/4, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận, chính thức tôn vinh rặng thị ở phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng là Cây di sản Việt Nam.
Đây là quần thể cây di sản thứ 3 trên địa bàn Đồ Sơn được vinh danh, sau quần thể cây đa búp đỏ ở đảo Dấu và hai cây đa ở khu biệt thự của công ty CP Du lịch Đồ Sơn.
Quần thể cây thị Bài, Bà Vải cùng với các cây thị cổ thụ khác như thị Gồ, thị Khe, thị Cọc, thị Úp, thị Bảy Chồi, cùng với rặng cây đan xen, tạo nên màu xanh huyền diệu của núi, rừng miền biển Đồ Sơn.
Theo các cụ cao niên ở Đồ Sơn, sự trường tồn của rặng thị là một trong những yếu tố thể hiện rõ đặc trưng của một vùng long khí thịnh vượng có huyệt đất quý, cơ sở dựng lên tháp Tường Long linh thiêng cho đến ngày nay. Nhà sư Phạm Ngọc sau khi đánh giặc ngoại xâm trở về ngắm nhìn bóng rặng thị xanh tươi kỳ vĩ, người tâm niệm gắn bó với rừng núi Đồ Sơn để cùng với dân làng Đồ Sơn chu chỉnh tháp Tường Long.
Rặng thị di sản gồm 17 cây nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình thuộc hai tổ dân phố 5 và 6, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Quần thể rặng thị có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có một số cây tuổi đời khoảng 800 năm như cây thị Bài, thị Khe, thị Bà Vải, thị Gồ…
Để đến chiêm ngưỡng rặng thị, người dân, du khách tìm đến Đình Ngọc Xuyên, di tích quốc gia. Từ đây, có một con đường nhỏ dẫn lên suối Rồng và theo địa hình chân núi, con đường uốn lượn dẫn mọi người đến với từng cây thị ở khuôn viên vườn cây của các gia đình. Một trong những điểm đặc biệt của rặng thị này là tất cả đều được đặt tên, gắn với địa danh hoặc tên gọi nôm na mà người dân quen gọi từ hàng chục, hàng trăm năm trước.
Đồng thời, rặng thị nằm rải rác ở đoạn đầu của tuyến đường từ Đình Ngọc Xuyên lên tháp Tường Long, chùa Tháp rợp bóng cây, mát rượi và nên thơ, đem lại cho du khách không gian trong lành, cảm giác thư thái để vừa tận hưởng không khí mát mẻ, vừa tìm hiểu giá trị nhuốm màu thời gian của rặng thị quý này.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên Hoàng Gia Tuấn cho biết: rặng thị trên địa bàn được công nhận là Cây di sản Việt Nam là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của nhân dân địa phương trong việc bảo tồn, chăm sóc, gìn giữ giá trị thiên nhiên và màu xanh của rặng thị, để nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách.