Rác và sự tử tế!

TS Trịnh Thu Tuyết |

Rác chỉ là chất thải ra từ sinh hoạt hoặc sản xuất, nhưng cách ứng xử với rác lại là một tiêu chí đặc biệt quan trọng đánh giá đẳng cấp văn hóa của một cộng đồng.

Càng ngày, chúng ta càng có cảm giác ngột ngạt, xấu hổ, bức xúc trước tình trạng phải sống chung với các thứ rác thải và rác rưởi.

Rác trên bàn dưới ghế ngập trong các nhà hàng, quán ăn.

Rác không chỉ dơ dáy với giấy ăn xương xẩu mà kinh hoàng trong các món ăn ngậm hoá chất, từ rau tưới nhớt đến thịt có tuổi đời ngót nửa thế kỉ, từ gia súc gia cầm nuôi bằng thức ăn tăng trọng đến các đồ uống chỉ thuần hương liệu hoá chất!

Rác đầy rẫy trước cửa nhà, la liệt dưới lòng đường, chất đống ở sân chung của khu tập thể. Rác tràn lan trên bãi biển du lịch. Rác nhớp nhúa sau lễ hội count-down!


Bãi biển Vũng Tàu ngập trong biển rác. Ảnh: Một thế giới

Bãi biển Vũng Tàu ngập trong "biển rác". Ảnh: Một thế giới


Sau màn bắn pháo hoa, mọi người về nhà, bỏ lại sau lưng một núi rác thải. Ảnh chụp tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM - (Ảnh: Khang Thái/Kênh 14)

Sau màn bắn pháo hoa, mọi người về nhà, bỏ lại sau lưng một "núi" rác thải. Ảnh chụp tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM - (Ảnh: Khang Thái/Kênh 14)

Rác bất thần trên tàu xe ném xuống, rác đột ngột trong nhà vụt bay ra... Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có nguy cơ bị rác rơi xuống đầu, bị bủa vây bởi rác.

Rác còn là những thứ ngồn ngộn trong các công-ten-nơ nhập khẩu. Là con tàu thủy cũ giá cả nghìn tỷ bị mua về làm... sắt vụn. Là những toa tàu cũ Trung Quốc suýt chút nữa được hô biến thành thứ “hiện đại hóa đường sắt Việt Nam”!


Chỉ riêng việc mua tàu Hoa Sen, các đối tượng tham nhũng ở Vinashin đã làm thiệt hại cho nhà nước gần 469 tỷ đồng. (Ảnh: Tiền phong)

Chỉ riêng việc mua tàu Hoa Sen, các đối tượng tham nhũng ở Vinashin đã làm thiệt hại cho nhà nước gần 469 tỷ đồng. (Ảnh: Tiền phong)

Rác thải công nghiệp, rác thải từ các trại chăn nuôi, từ các làng nghề... chưa qua xử lý, từ lâu đã trở thành nỗi kinh hoàng, hủy hoại trực tiếp sức khỏe và cuộc sống con người!

Nhưng chưa hết!

Từ tin nhắn vô chủ, từ giấy mực in chi chít trên tường và cột điện, từ những búi dây điện và điện thoại chằng chịt trên vòm cây, trước cửa nhà, sát ban công... cho đến những lời lẽ, cử chỉ, hành vi thô tục trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả đều là rác!

Tết đến xuân về, “rác tinh thần” núp bóng hủ tục để thi thố các trò bạo lực, phi nhân tính với đâm trâu, chém lợn; “rác lối sống” văng ra cùng những pha đấm đá túi bụi, cướp lộc tranh ấn bằng cách đạp lên đầu trèo lên cổ nhau!


Cướp phết cầu may bằng nắm đấm. (Ảnh: Zing.vn)

Cướp phết cầu may bằng nắm đấm. (Ảnh: Zing.vn)


Nhảy lên bàn thờ để đặt lễ ở Đền Trần. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nhảy lên bàn thờ để đặt lễ ở Đền Trần. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Rác là sản phẩm tất yếu trong cuộc sống, nhưng vì là chất thải nên nó phải được phân loại để tiêu huỷ hoặc tái chế, nó không thể tồn tại bên con người, đầu độc, hủy hoại cuộc sống con người.

Tuy nhiên, trong thực tế, cuộc sống vật chất càng đầy đủ, phong phú, rác càng tấn công, lấn át con người.

Vì đâu lại lắm rác thế?

Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết

Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết

Vì thiếu ý thức cộng đồng. Với rất nhiều người, sự sạch sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi ngôi nhà của họ, qua khỏi bậc cửa, đó là không gian chung mà họ thản nhiên xả rác, nghĩ rằng sẽ có người khác lo!

Vì thiếu niềm tin vào bản thân và những phần tốt đẹp trong cộng đồng.

Nhiều người muốn hành xử văn minh, nhưng vì xung quanh không thay đổi mà trở về với ý nghĩ: bớt một phần rác của mình, nơi này cũng chả sạch hơn!

Thậm chí, một người sẽ bị cho là không bình thường nếu bước qua mặt đường đầy rác bẩn để bỏ một tờ giấy ăn vào thùng rác!

Vì lòng tham lam vô độ tới độc ác nhẫn tâm!

Vì những món lợi kếch sù, những kẻ tham ô tham nhũng sẵn sàng biến đất nước mình thành bãi rác thải của thế giới.

Hoặc họ làm ăn dối trá, bỏ qua khâu xử lí chất thải tốn kém; hoặc muốn giảm thiểu tiền bạc, công sức mà sẵn sàng ướp đẫm hoá chất vào bữa ăn của đồng loại...

Vì sự băng hoại nền tảng văn hoá, sự xuống cấp trong mối quan hệ giữa con người với con người, sự mất cân bằng giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần.

Vậy phải ứng xử thế nào với rác tặc - kẻ thù khó chịu, độc ác, dai dẳng này?

Đương nhiên, với những kẻ tham lam xảo trá, xả rác vào đất nước mình để kiếm lợi; những kẻ tham lam tàn nhẫn đầu độc từng miếng ăn, thức uống của cộng đồng thì phải có hình thức răn đe cực kỳ nghiêm khắc của pháp luật.

Còn với những trường hợp vô ý thức, cần có những biện pháp giáo dục văn hoá, văn minh.

Có một biện pháp giáo dục ngược từ trẻ nhỏ dành cho người lớn rất thú vị - tôi có nghe nhiều bậc phụ huynh kể về việc họ bị con, cháu nhắc nhở khi vứt rác qua cửa xe, xả rác tuỳ tiện nơi công cộng, lỡ văng tục chửi thề.

Nhiều người đã biết cảm thấy xấu hổ với con, cháu - những đứa trẻ được tiếp nhận bài học văn minh từ lớp mẫu giáo tới các nền văn hoá của các nước phát triển.

Những lời phê bình rất tự nhiên, nghiêm khắc đó luôn có sức nặng hơn vạn lời của tổ trưởng dân phố hay bí thư chi bộ phường; càng hơn nhiều mọi khẩu hiệu hay những cuộc vận động tốn kém, hình thức!

Từ đó, có thể thấy vị trí đặc biệt quan trọng của các trường học, các thày cô giáo... đối với nhiệm vụ "giáo dục lại" ý thức văn hóa, văn minh cho một cộng đồng đã quen... sống với rác!

Nói cách khác, nếu trong mỗi chúng ta vẫn còn sự tử tế, biết tôn trọng những người xung quanh, tôn trọng lợi ích cộng đồng, nói không với sự tham lam độc ác... thì không có bất kì thứ rác rưởi vật chất hay tinh thần nào cả.

Khi đó, chính những kẻ đánh mất sự tử tế có thể coi là một loại rác cần được “tái chế” để luôn luôn giữ gìn được sự trong sạch cho cả cộng đồng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại