Ra mộ lo Tết cho người âm

camnhung |

Lo xong ngày ông Táo về trời, các gia đình lại sắm đèn nhang, hoa quả… tới nghĩa trang viếng người quá cố.

Nhiều nhà còn mang theo cuốc xẻng, chổi dọn dẹp cây cỏ, rác trên mộ để người quá cố có thể vui Tết.

Gần tết, mọi người đều muốn đến viếng thăm và chuẩn bị cho người thân đã khuất cùng đón Tết

Hà Nội: Nhộn nhịp tới... nghĩa trang

Ngay từ sáng sớm 24 tháng chạp, nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) nhộn nhịp hẳn bởi dòng người đổ về với đủ thứ lỉnh kỉnh như đèn, nhang, hoa đào, cây quất... để tảo mộ.

Họ thành kính thắp nén nhang và cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình sang năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc.

Bác Lê Nhật Doanh sống ở Sài Gòn nhưng hôm qua đã bay ra Hà Nội để tảo mộ chia sẻ: “Ở Sài Gòn công việc rất bận rộn nhưng năm nào cứ qua ngày 23 tháng chạp, tôi lại tranh thủ ra Hà Nội và đến nghĩa trang thắp nén nhang cho cụ thân sinh rồi dọn dẹp, lau chùi quanh mộ cho sạch sẽ”.

Vừa cắm nén nhang cho bố xong, bác Doanh tiếp tục đi thắp nhang cho những ngôi mộ xung quanh như để cho những người đã khuất hàng xóm của bố ấm lòng hơn khi Tết đến xuân về.

Lượng người đổ về nghĩa trang Mai Dịch ngày một nhiều, cả nghĩa trang nghi ngút khói hương và rực rỡ sắc xuân bởi những cành đào đỏ thắm, những chậu quất trĩu quả.

Các gia đình đang quét dọn các phần mộ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội)

“Dịp cuối năm có rất nhiều người đến nghĩa trang để đốt nhang, lau mộ, khấn vái... người mất với ý nguyện họ sẽ phù hộ cho con cháu. Không khí chuẩn bị đón Tết ở cõi âm không khác gì dương thế” - anh Vũ Ngọc Hải bảo vệ ở nghĩa trang Mai Dịch chia sẻ.

Dọc theo đường 70 đi về phía Xuân Phương (Từ Liêm), tại nhiều nghĩa trang làng xã, người dân cũng bắt đầu đi vun lại những nấm mồ, phát cỏ dại, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời.

TPHCM: Cái Tết cuối ở Bình Hưng Hòa

Năm nay, do ngày 24 trời đổ mưa nên ngay từ sáng sớm 25 tháng Chạp (tức 18/1), dòng người khắp các hướng trong thành phố nối nhau đổ về nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) để viếng người thân đã khuất.

“Mình chuẩn bị ăn Tết thì cũng phải quét dọn “ngôi nhà” của người thân đã khuất sạch, đẹp để họ cũng được ăn Tết chứ. Dù gì năm sau khu nghĩa trang này cũng bị giải tỏa, đây là cái Tết cuối ở đây mà”, chị Nguyễn Thị Nhàn (quận 2) tâm sự.

Tại đây, không ai bảo ai, mọi người đều giữ yên tĩnh cùng với sự kính cẩn hết sức đối với những người đã ra đi. Người thì đến viếng ông bà, bố mẹ, anh em họ hàng và cũng có cả người đầu bạc viếng kẻ đầu xanh.

Vừa nhặt rác, nhổ cỏ dại trên phần mộ mẹ là bà Trần Thị Sâm (nguyên quán Cam Lộ, Quảng Trị), anh Nguyễn Văn Quất tâm sự: “Mẹ tôi mất trước bố, bà được yên nghỉ tại đây. Còn bố tôi thì năm vừa rồi đưa về chôn cất ở quê nhà. Năm sau ở đây giải tỏa tôi sẽ đưa cụ về quê với ông luôn”.

Nhiều gia đình không có người nên thuê dịch vụ dọn dẹp khuôn viên phần mộ với giá từ 50.000 - 150.000 đồng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TPHCM)

Sau khi nhặt hết rác, nhổ những cây cỏ dại trên ngôi mộ mẹ, anh Quất cùng người thân quỳ gối trước ngôi mộ, bày đủ hương hoa, các loại đồ ăn để cúng. Thắp nén nhang, cắm lên phần mộ, anh Quất mời mẹ hưởng cái Tết cuối cùng ở nơi đây.

Cách chỗ anh Quất khoảng 2 hàng mộ, chị Nguyễn Thị Thêm (quận Tân Phú) ngồi bày biện bộ quần áo, đôi giày giấy cùng với bánh mỳ, thịt, cho người em trai đã khuất ăn Tết.

Chị Thêm kể: “Nhà chỉ có hai chị em, đứa em trai bị bạo bệnh mất lúc mới 12 tuổi. Dù thương em nhưng quanh năm bận rộn công việc nên cuối năm tôi mới ra với em được”.

Ngày này, khi ra tảo mộ mọi người đều chuẩn bị đầy đủ các thực phẩm, hoa quả, có người còn mua cả nhà bằng giấy, xe máy vàng mã… để đốt cho người thân. Nhiều người vì không có ai dọn dẹp được nên nhờ dịch vụ quét vôi, sơn lại các phần mộ, lấy nước rửa các mộ phần, cuốc cỏ… với các mức giá từ 50.000 - 150.000 đồng.

Theo Bùi Hiền - Hoài Lương

VNE

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại