Quy trình bầu Thủ tướng nhiệm kỳ mới?

Ngọc Khánh |

Ngày 7/4/2016, Thủ tướng Việt Nam nhiệm kỳ mới sẽ tuyên thệ trước Quốc hội. Quy trình bầu Thủ tướng nhiệm kỳ mới được ghi rõ trong Nghị quyết Ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.

ĐBQH có quyền tự ứng cử hoặc giới thiệu ứng viên Thủ tướng

Về ứng viên Thủ tướng nhiệm kỳ mới, trao đổi với báo chí bên lề Đại hội Đảng XII, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết:

Phương án nhân sự chuẩn bị cho 4 chức danh chủ chốt được giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử làm Tổng Bí thư khóa 12, còn có Đại tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an được giới thiệu cho chức danh Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được đề cử cho chức danh Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đề cử cho chức danh Thủ tướng Chính phủ.

Cả 3 đề cử này đều được Hội nghị Trung ương 14 bỏ phiếu nhất trí với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, theo quy định, danh sách đề cử ứng viên Thủ tướng nhiệm kỳ mới hoàn toàn có thể bổ sung thêm.

Ngoài danh sách do Chủ tịch nước khóa mới đề nghị, Đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Thủ tướng Chính phủ.

Theo Điều 33 Nghị quyết Ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, trình tự bầu Thủ tướng Chính phủ khóa mới như sau:

- Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.

- Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Thủ tướng Chính phủ; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

- Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, mời Chủ tịch nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ.

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

- Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

- Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua.

- Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13, công tác nhân sự như sau:

Sáng 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội.

Sáng 31/3, Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ trước Quốc hội.

Chiều 31/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Sáng 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

Sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng.

Sáng 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội.

Ngày 8/4, tân Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Tới 9/4, Thủ tướng trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Sau khi bỏ phiếu kín, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm một số Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại