Nằm ở ven con sông Nhùng của huyện Hải Lăng, thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm có 170 hộ với gần 750 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Ngoài diện tích lúa hai vụ thì diện tích đất màu đã góp phần đáng kể vào việc thu nhập hàng năm của địa phương. Tuy nhiên, do đất canh tác chủ yếu phân bố ven bờ con sông Nhùng nên mỗi mùa lũ lụt về, dòng nước chảy mạnh đã làm bờ sông bị sạt lở, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị nước cuốn trôi.
Việc sạt lở đất ở thôn Xuân Lâm xảy ra thường xuyên, hầu như năm nào thôn cũng mất đất sản xuất. Đặc biệt trong hai trận lũ lụt liên tiếp giữa tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, sạt lở đã cuốn trôi gần 1 ha đất màu ở vùng Đồng Hóc thuộc thôn Xuân Lâm. Ông Hoàng Lẫm, chủ hộ có đất canh tác bị sạt lở cho biết: “Gia đình tôi làm gần 5 sào đất màu ở vùng Đồng Hóc, ở đây đất màu mỡ nên năng suất rất cao. Hàng năm từ diện tích này gia đình tôi trồng trọt các loại cây như cây lạc, ngô, sắn KM94… cho thu nhập khá cao, ở đây mỗi héc ta canh tác hoa màu đạt từ 50- 60 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên trận lụt vừa qua đã gây sạt lở nhiều quá. Nếu tình hình sạt lở vẫn tiếp diễn thì chỉ vài năm nữa chúng tôi sẽ mất hết đất sản xuất”.
Vùng đất màu Đồng Hóc có diện tích hơn 5 ha là nơi chuyên canh hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, ngô, rau đậu các loại, sắn KM94 nằm ven con sông Nhùng đoạn đi qua thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm. Đây cũng là vùng trồng màu đóng góp thu nhập khá lớn cho người dân thôn Xuân Lâm.
Những người dân có đất canh tác ở khu vực này lo lắng nói nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả thì chỉ vài trận lũ lớn nữa là vùng đất ven sông này sẽ bị cuốn trôi hoàn toàn. Ngoài vùng đất màu bị sạt lở gần 1 héc ta, hiện tại 15 hộ dân ở xóm Đồng Hóc, thôn Xuân Lâm sống ven con sông Nhùng cũng đang có nguy cơ bị sạt lở cuốn trôi.
Bờ sông Nhùng thuộc thôn Xuân Lâm bị sạt lở nặng
Trước thực trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, người dân nơi đây đối phó bằng cách trồng loại cây tre hóp trồng thành hàng để chống xói lở. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, không thể ngăn chặn sạt lở hiệu quả.
Ông Hoàng Liêm, Phó Chủ nhiệm HTX Xuân Lâm, xã Hải Lâm cho biết: “Nếu xét về kinh tế thì thiệt hại khá lớn vì mất quá nhiều đất sản xuất, còn về đời sống lâu dài thì ở thôn chúng tôi đang có 15 hộ sống ven con sông Nhùng, nguy cơ sạt lở là rất cao. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền liên quan quan tâm, xem xét để những hộ dân này được di dời lên vùng đất cao hơn để tránh xảy ra rủi ro và an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Sạt lở đang cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân thôn Xuân Lâm
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Trà, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm cho biết: “Vừa qua chúng tôi cũng đã về kiểm tra các điểm sạt lở trên địa bàn và được biết, ngoài thôn Xuân Lâm bị sạt lở nặng thì cũng còn có hàng chục hộ dân và nhiều diện tích đất sản xuất của dân tại các điểm sạt lở khác ở các thôn Thượng Nguyên, Tân Chính, Mai Đàn.
Thực tế là sạt lở đã cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của các hộ dân tại địa phương đồng thời uy hiếp đến nhà ở của dân. Trước mắt chúng tôi đang thống kê, xem xét, khảo sát những hộ bị sạt lở nặng để có phương án di dời lên điểm tái định cư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện tại chưa thể thực hiện việc di dời ngay các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, do điểm tái định cư mới chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng”. Theo ông Trà, hiện tại địa bàn xã Hải Lâm đang có một khu tái định cư với quy mô đảm bảo cho 300 hộ dân sinh sống, hiện đã có 200 hộ dân sinh sống và sản xuất ổn định.
Được biết, hiện tại trên địa bàn huyện Hải Lăng có nhiều con sông đang bị sạt lở nặng. Ngoài sông Nhùng thuộc xã Hải Lâm thì sông Ô Lâu thuộc khu vực xã Hải Chánh cũng đang bị sạt lở với khối lượng lớn, trong đó nghiêm trọng nhất là ở thôn Hội Kỳ. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng, trong hai trận lũ vào cuối năm 2011, trên toàn huyện có 224.110 m bờ sông và đê bao các loại bị xói mòn, sạt lở với tổng khối lượng đất đá bị cuốn trôi gần 58.000 m3.
Theo Thiên Thư
ANTD