Quán trà đặc biệt của 9X khiếm thính

daquynh |

Khi tới quán trà đá đặc biệt này, mọi người thường "oder" đồ uống qua tin nhắn.

20h, quán 'trà chanh chém bão' của nhóm bạn khiếm thính bắt đầu có khách. Thấy người vào, nam thanh niên cầm tờ thực đơn ra mời, khách muốn gọi đồ liền rút điện thoại ra soạn tin nhắn rồi đưa cho cô chủ quán xem.

Trong khi nhóm bạn trẻ mới vào đang "chém bão" sôi nổi, hai "nhân viên" và cả "chủ quán" tất bật pha đồ uống cho khách, trong im lặng, bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt - thủ ngữ.

Thấy bạn pha sai quy trình, thiếu nữ duy nhất trong nhóm tên Hồng Hải vội nhíu mày lắc đầu rồi đưa tay lên ra hiệu với cậu bạn tên Hoàn rằng "không phải pha như vậy". Bạn trai cười rồi chăm chú quan sát Hải pha chế.

Quán nước đặc biệt này gồm bốn "cổ đông" chính là Hoàn, Hải, Trung và Tâm. Những hôm Trung đi vắng, Hoàn và Tâm chia nhau mỗi người phụ trách một việc. Hoàn hướng dẫn khách để xe máy còn Tâm đưa thực đơn để khách chọn rồi mang đồ uống ra. Riêng Hải được giao nhiệm vụ pha đồ uống và thu tiền. Lúc đông khách, cả ba cùng xúm nhau vào pha nước.

quan-tra-dac-biet-cua-9x-khiem-thinh

Hải và Hoàn đang tất bật pha đồ uống cho khách. Ảnh:Bình Minh.

Có những vị khách lần đầu ghé quán tỏ ra bối rối khi không biết phải gọi đồ ra sao. Không ít bạn cố ra hiệu bằng cách chỉ vào hộp bột sắn hoặc chanh muối. Những lúc ấy, Hoàn hoặc Tâm lại lấy điện thoại để viết yêu cầu bằng cách soạn tin rồi đưa "order" cho Hải.

Sau nhiều lần "trà chanh chém gió" trên bờ hồ, thấy mình cũng có thể làm được giống họ, bốn bạn nảy ra ý định kinh doanh. Muốn tự kiếm tiền nhưng không có vốn, họ bàn với Phương (chị gái Hoàn) và cũng là bạn thân của nhóm. Phương trở thành "nhà tài trợ" kiêm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho khách.

Để tiết kiệm chi phí, nhóm rủ nhau lên chợ Đồng Xuân mua đồ. Họ chỉ dám mua ghế, không mua bàn vì sợ lúc bị công an phường dẹp còn kịp bê đồ chạy. Tiền sắm ghế và đồ dùng đã mất 1 triệu, nửa tiền còn lại, nhóm phân thành món để mua được nhiều thứ. Phương còn nhờ bạn tới hướng dẫn các em cách pha đồ uống.

Mở hàng đầu tháng 4, quán ban đầu "tọa lạc" gần khu tập thể ở Kim Liên. Địa điểm khuất nên khách tới uống trà chanh chỉ loanh quanh là những người bạn của Phương và các bạn khiếm thính ở khắp Hà Nội, hiếm khi có khách lạ.

Từ khi có quán nước này, những bạn trẻ khiếm thính như tìm được nơi để tụ họp. Họ đến để ủng hộ quán và để chuyện trò bằng thứ ngôn ngữ của riêng mình. Với những bị khách đặc biệt ấy, quán chỉ tính giá bằng một nửa giá niêm yết.

Tuy nhiên, sau 2 tháng khai trương, quán ngày càng ế ẩm và ít khách, có hôm cả buổi chỉ bán được vài chục nghìn. Hôm nào có khách lạ, cả nhóm mừng huýnh và khoe với Phương. Nhiều hôm, Hoàn về kể với chị gái rằng các bạn nản lắm vì không bán được hàng. Trước khi yên vị trên vỉa hè ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn như bây giờ, quán trà chanh còn chuyển qua một địa điểm khác.

Vừa pha nước cho khách, Hải góp chuyện bằng nụ cười thân thiện. Cô cho hay, khó khăn lớn nhất của nhóm là giao tiếp với khách. Lúc đầu khách và nhân viên nói chuyện với nhau bằng bút, giấy, sau đó là điện thoại. Cuối mỗi buổi, tiền bán hàng sẽ được cất để đến cuối tháng phát cho từng nhân viên.

Hải cho biết thêm, những ngày đầu ra bán ở vỉa hè, một số người đến vì tò mò, không ít khách vào quán rồi mới biết quán chà tranh của người khiếm thính. Cả nhóm quy ước, có khó khăn sẽ nhắn tin hỏi chị Phương, trong trường hợp có chuyện gấp thì nháy máy.

"Hôm nhìn thấy công an đi dẹp từ xa, cả nhóm sợ quá liền ôm ghế và hộp chè chạy. Cũng có hôm chúng em gặp đôi vợ chồng đánh nhau gần quán, sợ quá bốn đứa cũng 'bỏ của chạy lấy người", Hải ra ký hiệu rồi nhờ Phương dịch lại.

quan-tra-dac-biet-cua-9x-khiem-thinh

Quán chà chanh 'chém bão' của các bạn trẻ khiếm thính. Phương (áo vàng) vừa là 'nhà tài trợ' vừa là phiên dịch cho các em. Ảnh:Bình Minh.

Theo Phương, mỗi thành viên trong nhóm có hoàn cảnh khác nhau. Hải quê Thạch Thất (Hà Nội) làm may cho một công ty ở Tây Hồ, và đang tranh thủ học thêm vi tính. Tâm nhà ở Hà Nội nhưng lại có hoàn cảnh khó khăn nhất và cô đang học cắt tóc. Còn Trung quê tận Nha Trang nhưng gia đình chuyển ra Hà Nội đã lâu vì muốn em học trường dành cho trẻ khiếm thính. Và bốn người quen nhau qua câu lạc bộ khiếm thính.

Mỗi tháng, lương thợ may của Hải được 2 triệu đồng. Không đủ chi tiêu nên hàng tháng, gia đình Hải vẫn hỗ trợ thêm một triệu đồng. Để không phụ thuộc bố mẹ, Hải muốn đi làm thêm. Hoàn cũng tự mình đến một cửa hàng chuyên làm đồ lên đồng trên phố Huế để xin học việc. Hiện, chàng trai quê Bắc Giang được ông bà chủ truyền nghề và mỗi tháng nhận lương 2,5 triệu đồng.

Trong nhóm, Hoàn và Hải là một đôi. "Hải từng nhắn tin nhờ mình hỏi Hoàn có yêu không để em còn đi tìm hiểu người khác. Bị hỏi bất ngờ, Hoàn chỉ biết cúi đầu ngượng ngùng", Phương tâm sự và cho hay, em trai mình muốn có công việc ổn định để sau này lo được cho vợ, con.

Nhắc đến bốn bạn trẻ 9X, Phương cho hay, các em đều mong muốn được công ty nào đó nhận vào làm công nhân. Mới đây, một công ty bên khu công nghiệp Thăng Long nhận lao động là người khuyết tật. Các em cùng nhóm bạn hào hứng hy vọng sẽ cùng được vào làm tại đây, tuy nhiên hiện vẫn chưa có hồi âm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại