Trưởng thành từ môi trường quân đội và hiện là công chức, độc giả Lê Bình cho biết, anh hoàn toàn đồng ý với quy định này bởi đi bộ đội là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân. Nếu ai cũng viện cớ đi học thì không ai canh giữ biên cương, biển đảo của Tổ quốc.
"Các bạn trẻ nên nhớ Tổ quốc chỉ có một và Tổ quốc lúc nào cũng cần cống hiến của các bạn. Quân đội cũng là một trong những trường đại học danh tiếng mà các bạn nên nhập học", anh Bình nói.
Nhận định môi trường quân đội rất tốt cho việc rèn luyện ý chí thanh niên, độc giả Lê Sơn dẫn chứng, những khóa học trong quân ngũ cho trẻ em đang được phụ huynh ủng hộ. Điều này chứng tỏ đây là môi trường nên để các em rèn luyện ý chí và tinh thần dân tộc, thấu hiểu phần nào những vất vả mà cha ông ta đã làm, từ đó có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội.
"Chiến sĩ có tư duy kém khó có thể sử dụng những trang thiết bị hiện đại trong bối cảnh hiện đại hóa quốc phòng. Quân đội rất cần những chiến sĩ có trình độ cao và các bạn trẻ nên nhớ, phục vụ cho Tổ quốc là phục vụ cho chính mình", anh Sơn nói.
Còn theo độc giả tên Dũng, nhiều người cứ cho mình là tất cả, ích kỷ, cá nhân... chỉ muốn phát triển bản thân, phụ huynh thì muốn con cái mình được học hành, sung sướng mà quên đi việc phải thực hiện nghĩa vụ của một công dân. Vì vậy, nghĩa vụ quân sự phải là bắt buộc và làm mạnh tay, không trừ một ai. Có như vậy mới giáo dục được thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tính kỷ luật, tính chiến đấu.
"Là công dân Việt Nam nằm trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với Tổ quốc. Như ca sĩ Bi Rain nổi tiếng, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp hay Hoàng tử Anh vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự. Luật Nghĩa vụ quân sự ở nước mình còn dễ, chứ ở một số nước nếu trốn nghĩa vụ sẽ bị đi tù", độc giả này cho hay.
Đồng tình với quy định của thông tư 13, nhiều độc giả góp ý Việt Nam cần học Hàn Quốc, tất cả công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Không những ủng hộ thông tư 13, anh Lê Minh còn mong muốn cần bắt buộc tất cả nam thanh niên từ 18 tuổi trở lên phải nhập ngũ để rèn luyện quân sự, sẵn sàng bảo vệ đất nước.
Anh tâm sự, khi đi làm ở nước ngoài, nhìn hồ sơ của các bạn Hàn Quốc mà thấy "thèm". Mở đầu hồ sơ của họ, bao giờ cũng là "tham gia quân đội" và thực hiện một công việc đặc biệt nào đó trong thời gian ở quân ngũ.
Anh Minh phân tích, trước đây cha ông chúng ta đã lấy chiến tranh nhân dân làm sức mạnh để đánh thắng mọi kẻ thù thì hiện nay toàn dân cũng phải góp sức cho quân đội. Do đó, nghĩa vụ quân sự cần chia làm 2 loại: nghĩa vụ quân sự chính quy đối với thanh niên nhập ngũ thường niên dài 24 tháng và nghĩa vụ quân sự dự bị đối với tất cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp dạy nghề.
Theo đó, sinh viên sẽ được phân về các đơn vị phù hợp với chuyên ngành mình học để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiên đại. Thời gian tham gia là 12 tháng, nếu đạt yêu cầu thì mới được tiếp tục học đại học. Kể cả học sinh đi du học, nếu không tham gia nghĩa vụ quân sự dự bị thì không cấp hộ chiếu khi du học.
Độc giả Đình Huy cũng cho rằng, mọi công dân đều phải được quân đội huấn luyện để đảm bảo số lượng binh sĩ trong mọi thời điểm. Khi chiến sĩ có trình độ văn hoá càng cao thì chất lượng quân đội càng tinh nhuệ, kỷ luật quân đội sẽ được chấp hành tốt, thao tác khí tài quân sự hay tác chiến thực tiễn đều đạt hiệu quả cao hơn.
Theo anh Huy, đất nước muốn được hoà bình ổn định, ngoài yếu tố vĩ mô ở các phương diện kinh tế, xã hội thì yêu cầu phải có một lực lượng quân đội hùng mạnh, tinh nhuệ, vì thế nâng cấp chất lượng binh sĩ là thiết yếu.
Tuy nhiên, yếu tố công bằng trong việc xét tuyển phải được đặt lên hàng đầu, các địa phương không được chấp nhận việc chạy tiền, lo lót cho con, cháu trốn nghĩa vụ quân sự. Quân đội phải là một tập thể trên dưới một lòng, hy sinh và phụng sự cho Tổ quốc.
"Người không hiểu biết mới lo kiến thức mai một vì cách học ở đại học khác hẳn với học phổ thông, hơn nữa, quân đội luôn tạo điều kiện để chiến sĩ học tập tốt nhất. Sinh viên các trường quân đội như Học viện Kỹ thuật Quân sự trước khi vào học chính thức chương trình đại học cũng được huấn luyện 12 tháng về quân sự", anh Huy nói và cho hay, năm nay đã 29 tuổi nhưng anh vẫn muốn đi bộ đội.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại, sau khi thông tư 13 có hiệu lực, số lượng thanh niên tới tuổi thực hiện nghĩa vụ nhiều mà số gọi nhập ngũ có hạn, hiện tượng tiêu cực sẽ xảy ra như chạy chọt để trốn nghĩa vụ quân sự. "Phải công khai, giám sát thì mới minh bạch được", một độc giả đề nghị.
Bác Đặng Sâm, từng tham gia nghĩa vụ quân sự khi mới đi du học về cách đây 30 năm đề xuất, nên để các em học xong rồi mới đi nghĩa vụ, như vậy các trường đã giúp quân đội trong việc đào tạo chuyên môn cho các em. Khi đó quân đội chỉ tốn ít thời gian bồi dưỡng, huấn luyện về quân sự thì đã có một quân đội chuyên nghiệp, trình độ cao.
"Cần quy định mọi thanh niên đều phải có giấy xác nhận phục viên mới được nhận đơn xin việc vào bất kể công ty nào để làm việc", bác Sâm đề nghị.
Còn bạn đọc Lê Bình góp ý, nên quy định độ tuổi thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự (ví dụ từ 18 đến 30) phải tòng quân 2 năm để họ tự lựa chọn thời gian, như vậy thanh niên sẽ chủ động sắp xếp công việc của mình.
Theo thông tư liên tịch số 13 sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình vừa được Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT ban hành, công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, kể cả trường hợp lệnh gọi nhập ngũ quy định thời gian có mặt sau thời gian nhập học.
Riêng công dân sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn nhưng phải có xác nhận của hiệu trưởng và cơ quan quân sự địa phương.