Biệt thự ông Truyền: Quan chức giàu chính đáng thì có gì đáng chê

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - Liên quan đến những thông tin về ông Trần Văn Truyền, ông Lê Như Tiến cho rằng: “Nếu quan chức Nhà nước giàu chính đáng thì chẳng có vấn đề gì đáng chê trách".

>>>Bài 1: Ông Trần Văn Truyền lên tiếng vụ có nhiều biệt thự "khủng"

>>>Bài 2: Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre nói về biệt thự của ông Trần Văn Truyền

>>>Bài 3: TBT Kim Quốc Hoa: "Đủ cơ sở đưa tin về biệt thự của ông Truyền"

>>>Bài 4: Cận cảnh biệt thự gây choáng ngợp của ông Truyền tại Bến Tre

>>>Bài 5: Dinh thự "khủng" của ông Trần Văn Truyền qua lời kể của hàng xóm

Trong những ngày vừa qua, các thông tin liên quan đến các căn nhà của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ luôn được nhiều người chú ý. Trong số đó, không ít ý kiến đặt câu hỏi về nguồn gốc của số tài sản trên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong xã hội Việt Nam đang tồn tại tâm lý thấy quan chức giàu có thì lên án và chưa có ý thức khuyến khích các quan chức đem của cải tích cóp được đầu tư vào phát triển kinh tế.

Trò chuyện với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội cho hay: Trong vấn đề này, một điểm rất quan trọng hiện nay là kiểm soát, quản lý được thu nhập của các cán bộ, công chức. Lâu nay, chúng ta không có biện pháp quản lý thu nhập của công chức và quan chức Nhà nước.

Còn về các căn nhà như báo chí phản ánh nếu khách quan thì phải xem xét các căn hộ đó là nguồn tiền ở đâu. Nếu đó là của thừa kế, của tích lũy từ thu nhập chính đáng, của do được cho, biếu, tặng được minh bạch thì sẽ chẳng có gì chê trách được. Bởi quan chức, trước hết làm những công dân mà công dân thì có quyền làm giàu.

Nếu công chức, quan chức Nhà nước làm giàu chính đáng bằng nguồn minh bạch thì chẳng có vấn đề gì đáng chê trách. Rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới còn động viên các quan chức của họ giàu lên một cách đáng bằng nguồn thu của mình hoặc bằng các nguồn chính đáng khác.

Hình ảnh về căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền

Vấn đề quan trọng là phải chứng minh được nguồn gốc của tài sản đó. Nếu không chứng minh được đó là tài sản hợp pháp, mà chỉ từ lương (lương của một vị Bộ trưởng thì cũng chỉ hơn chục triệu) thì việc có nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi “tiền ở đâu để có thể có nhiều nhà” cũng là điều khó tránh, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Còn nếu tài sản đó là chính đáng thì cũng không nên cứ thấy lãnh đạo giàu mà cho rằng đó là tài sản có được do tham nhũng mà phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng.

Trong trường hợp dư luận và báo chí phản ánh về ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, theo ông Tiến, nếu ông Truyền giải thích được nguồn gốc tài sản mình hiện có để bà con và cử tri cảm thấy thuyết phục thì nhân dân sẽ thông cảm. Nếu không giải thích được và giải thích không thuyết phục thì rõ ràng sẽ không thể lấy lại được lòng tin của bà con.

Một lần nữa vị ĐBQH khẳng định: Chúng ta phải tìm hiểu kỹ vấn đề, điều tra nghiên cứu kỹ càng, nếu thấy nguồn gốc chính đáng thì không sao. Nếu ngược lại, người sở hữu tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản một cách minh bạch thì rõ ràng, một cán bộ công chức không thể nào đủ tiền để có thể có được nhiều tài sản đến thế.

Đánh giá về vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền, ông Lê Như Tiến cho rằng đó là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người làm công tác quản lý cán bộ đặc biệt là công tác quản lý thu nhập của cán bộ hiện nay. Chúng ta phải nhanh chóng thực hiện chủ trương hạn chế tiêu tiền mặt mà chủ yếu qua các tài khoản thẻ của Ngân hàng thì mới có thể góp phần vào kiểm soát được thu nhập của các quan chức.

Ông Lê Như Tiến cũng đánh giá rất cao quan điểm cho rằng nên khuyến khích quan chức mang tài sản tích cóp được đầu tư vào phát triển kinh tế thay vì giấu giếm như chôn vàng xuống đất làm của để dành. Việc các quan chức có tài sản thì nên đầu tư cho sản xuất, cho Nhà nước vay thay vì cất giấu đi do sợ bị phán xét là tham nhũng để tránh sự lãng phí lớn cho đất nước.

Theo vị ĐBQH này, các công chức, quan chức phần lớn cũng là những Đảng viên. Việc Đảng viên gương mẫu trong việc làm giàu một cách chính đáng cũng hết sức cần được khuyến khích. Nếu xã hội có cái nhìn khắt khe quá với những công chức, quan chức thì sẽ tạo ra tâm lý e ngại đem tiền ra để đầu tư vào sản xuất để phát triển sản xuất và hạ tầng cũng như là cho Nhà nước vay (thông qua hình thức gửi ngân hàng).

 
Tin nhanh và chính xác nhất về
Biệt thự của ông Trần Văn Truyền
(cập nhật liên tục)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại