Quần áo, giày Việt thiếu an toàn do phụ liệu

camnhung |

Nhiều sản phẩm xuất sang Mỹ không đạt chuẩn an toàn bị thu hồi nhưng doanh nghiệp đi sau không rút kinh nghiệm.

Ủy ban An toàn sản phẩm Hoa Kỳ (Consumer Product Safety Commission - CPSC) vừa tổ chức một đợt triển khai quy định về an toàn sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó có cảnh báo việc không nắm bắt quy định có thể dẫn đến thiệt hại lớn khi phải tiêu hủy những lô hàng vi phạm.

Phụ liệu quần áo, giày dép kém an toàn nhất

Ông Jeffrey Hilsgen, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của CPSC, cho biết ông rất ngạc nhiên khi quần áo, giày dép trẻ em lại là sản phẩm vi phạm quy định về an toàn nhiều nhất, trong khi rất nhiều người cứ đoán là đồ chơi mới dễ gây nguy hiểm.

Ngạc nhiên hơn nữa, quần áo vi phạm nhiều về lỗi cơ bản, xuất phát từ khâu thiết kế mẫu mã. Ví dụ, quy định rất rõ ràng là áo khoác không được có dây ở mũ trùm đầu, thắt lưng hay gấu áo, lẽ ra doanh nghiệp không được thiết kế mẫu áo như thế, vậy mà vẫn vi phạm.

Trong số sản phẩm quần áo xuất xứ Việt Nam vi phạm về an toàn và phải thu hồi (để sửa chữa, thay thế hoặc tiêu hủy) ở thị trường Mỹ có những sản phẩm vi phạm không do quần áo mà do những phụ liệu đính kèm như nơ, bướm, chuỗi hạt, móc khóa… Những vật này thường bằng nhựa, được sơn đủ màu và lớp sơn lại có hàm lượng chì quá cao nên vi phạm. Lẽ ra từ khâu thiết kế, doanh nghiệp phải trù liệu được nguồn cung cấp phụ liệu đảm bảo an toàn thì mới đưa phụ liệu vào mẫu thiết kế.

Ngoài quần áo thì giường cũi cũng bị thu hồi do lỗi ngay từ khâu thiết kế. Ví dụ, một loại giường cũi cho trẻ em được thiết kế phần đáy cũi có thể nâng lên, hạ xuống một cách linh động để điều chỉnh độ sâu của cái cũi. Thế nhưng phần đáy này đôi khi “linh động” quá và bị rơi khỏi cũi làm cho trẻ bị té. Tệ hơn, đáy cũi bị rơi nghiêng sẽ làm bé bị chẹt giữa đáy cũi và thành cũi và bị nghẹt thở. Một loại giường cũi khác lại được thiết kế quá cạn so với kích thước quy định, vì vậy trẻ có thể ngồi dậy, chồm ra thành cũi và té ra khỏi cũi.

Nhà sản xuất cần nắm vững quy định và có quy trình kiểm soát chặt chẽ về an toàn để sản phẩm xuất vào Mỹ không bị thu hồi.Trong ảnh:sản xuất áo xuất khẩu. Ảnh:V.Dũng

Thiếu kiểm soát

Ông Richard O’Brien, Giám đốc CPSC, cho biết để sản phẩm xuất vào Mỹ đáp ứng quy định về an toàn thì nhà sản xuất cần nắm vững quy định và có quy trình kiểm soát chặt chẽ. Ông dẫn chứng trường hợp một nhà sản xuất đồ chơi trẻ em danh tiếng đã phải thu hồi sản phẩm vì lớp sơn trên đồ chơi có hàm lượng chì vượt mức cho phép. Nhà sản xuất này có quy trình kiểm soát đối với sơn. Thế nhưng nhà cung cấp sơn cấp một lại lấy sơn từ nhiều nhà cung cấp cấp hai và đã lơi lỏng cho một nhà cung cấp cấp hai “lọt lưới”.

Ông Richard O’Brien cho rằng nhà sản xuất phải kiểm soát nguyên phụ liệu mua vào có an toàn hay không, loại gỗ được sử dụng có đủ chịu lực hay không, các loại keo dán có đủ chắc chắn hay không, liệu sản phẩm có vượt qua các thử nghiệm của phòng kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hay không…

Ý tưởng hay, chất liệu dỏm

Trong số sản phẩm xuất xứ Việt Nam bị thu hồi có những sản phẩm không đủ an toàn về chất liệu sử dụng. Sản phẩm mới nhất vừa bị thu hồi vào đầu tháng 8 là “ghế đẩu đa năng”, trên 200.000 sản phẩm. Chiếc ghế được thiết kế vừa làm ghế, vừa làm hộc chứa đồ, vừa là cầu thang hai bậc. Tuy thiết kế đa năng nhưng loại gỗ sử dụng và các mối ráp không đủ chắc chắn. Đã có 26 người, trong đó có 14 trẻ em, đứng lên bậc thang thì sản phẩm này gãy, sập xuống. Đã có người bị gãy tay, nứt xương chậu, đa số bị trầy xước và bầm tím. Sản phẩm phải bị thu hồi.

Ngoài ra, có loại giường hai tầng bằng gỗ cũng có vấn đề khi những thanh gỗ chắn ở tầng trên bị nứt nẻ, long ra khỏi giường và có thể gây sập giường. Nhà phân phối phải thu hồi gần nửa triệu sản phẩm này sau khi có nhiều người tiêu dùng bị tai nạn. Thậm chí có loại giường cũi trẻ em có thành cũi là những thanh gỗ mỏng, hẹp, không đủ cứng. Loại giường cũi này bị phản hồi có đến 42 trường hợp bị gãy thanh chắn, tạo thành lỗ trống và em bé bị lăn ra ngoài hoặc bị kẹt.

Doanh nghiệp Mỹ cũng không nắm rõ quy định

Doanh nghiệp nên theo dõi thông tin về sản phẩm mất an toàn, sản phẩm bị thu hồi, các báo cáo tai nạn của người tiêu dùng… từ hai trang web của CPSC là www.cpsc.gov và www.saferproducts.gov. Các sản phẩm vi phạm quy định sẽ bị thu hồi. Những sản phẩm tuy không vi phạm quy định nào nhưng xét thấy có nguy cơ gây mất an toàn hoặc có nhiều báo cáo về tai nạn khi sử dụng cũng sẽ bị thu hồi.Trong số sản phẩm Việt Nam bị mất an toàn, phải thu hồi có nhiều sản phẩm nến (đèn cầy). Gần 7,5 triệu sản phẩm nến đựng trong các lọ nhỏ. Lọ này bằng nhựa và loại nhựa này bị nóng chảy, thậm chí bắt lửa và cháy, có nguy cơ gây hỏa hoạn. Có loại nến khác được pha thêm các hạt kim loại màu vàng, màu bạc cho có vẻ lấp lánh. Thế nhưng những hạt này bắt lửa và có thể gây hỏa hoạn.

Điều đáng nói là trước đó đã có sản phẩm bị thu hồi với vi phạm tương tự nhưng doanh nghiệp Việt Nam không rút được kinh nghiệm, không tránh được sai lầm.

Ông Richard O’Brien cho rằng doanh nghiệp Mỹ có thể cũng không nắm rõ quy định về an toàn nên đã đặt hàng với các thiết kế không an toàn. “Chúng tôi mong muốn các nhà sản xuất Việt Nam nắm bắt quy định để cảnh báo cho người đặt hàng ở Mỹ, giảm thiệt hại cho người đặt hàng và nâng cao giá trị của doanh nghiệp mình” - ông Richard O’Brien nói.

Theo Pháp luật TP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại