Theo kịch bản mới, ông Putin sẽ đảm nhận chức vụ tổng thống lần thứ ba trong cuộc đời chính trị của mình. Ngược lại, Tổng thống đương nhiệm Medvedev có thể sẽ được quay trở lại nắm giữ chức vụ Thủ tướng trong nội các mới. Sự hoán đổi ngôi vị này quả là hiếm có trong quan hệ quốc tế đương đại.
Ông Putin đã lùi một bước để tiến hai bước?
Cuối tuần qua một sự kiện tại nước Nga đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong Đại hội của Đảng Nước Nga thống nhất, trước 11.000 người ủng hộ, Thủ tướng đương nhiệm Putin đã tuyên bố sẽ ra ứng cử tổng thống vào tháng 3-2012.
Tuyên bố này của Putin không làm nhiều người ngạc nhiên vì ngay từ
khi ông chấp nhận lùi một bước về giữ chức vụ Thủ tướng, giới phân tích
đã dự đoán trước được rằng ông sẽ quay lại nắm quyền.
Bước lùi này của ông Putin mang tính chất chiến thuật trong khi Hiến pháp Nga không cho phép ứng cử Tổng thống trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Nhiều người nghĩ rằng cho dù ông làm Thủ tướng nhưng ảnh hưởng của ông tới Tổng thống Nga Medvedev là rất lớn.
Việc quay trở lại này có hai điểm quan trọng: nhiệm kỳ tổng thống lần này sẽ kéo dài 6 năm thay vì 4 năm như trước đây (theo quy định của Hiến pháp Nga được sửa đổi năm 2008); nếu suôn sẻ ông có thể giữ tiếp thêm nhiệm kỳ thứ hai. Như vậy, về mặt lý thuyết ông Putin có thể tại vị đến năm 2024.
Như vậy, quả không sai khi nói rằng ông Putin đã chấp nhận lùi một bước để tiến hai bước.
Đa phần người dân Nga nhìn nhận sự đổi ngôi này như là một sự tất yếu
Trên thực tế, kịch bản này có lẽ đã được hai người thỏa thuận với
nhau từ lâu. Ngay cả trong trường hợp ông Medvedev muốn "lật kèo" thì
điều đó cũng gần như không thể vì nhiều lý do. Thứ nhất, ông không còn
sự lựa chọn nào khác do không thể ngăn cản được ông Putin. Thứ hai, ông
không thể xây dựng cho mình một mạng lưới những người có tiếng nói quyết
định tại nước Nga nói chung và trong Đảng Nước Nga thống nhất để ủng hộ
mình.
Thứ ba, ở phương diện hợp lòng dân thì có lẽ Tổng thống Medvedev thua xa ông Putin. Lý do đơn giản đó là hình ảnh của ông Putin được lòng dân trên cả nước Nga trong khi hình ảnh của ông Medvedev chỉ thực sự nổi trội ở khu vực Moscow (tại đây, những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Medvedev thường đứng ở trước ông Putin).
Những phản ứng ban đầu trước sự đổi ngôi
Đa phần người dân Nga nhìn nhận sự đổi ngôi này như là một sự tất yếu. Cần phải nói rằng trong hai nhiệm kỳ trước của mình, ông Putin đã có những đóng góp không nhỏ giúp nước Nga thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước đầu tìm lại vị thế chính trị đã mất của mình trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đã có những phản ứng không thuận từ một vài chính trị gia
của Nga cũng như phe đối lập.
Trên bình diện quốc tế, chưa có nhiều phản ứng chính thức trước sự
đổi ngôi này nhưng có lẽ phương Tây không tỏ ra thích thú với sự đổi
ngôi này vì ông Putin được cho là người có cách cư xử cứng rắn với
phương Tây.
TH theo VNN