Phức tạp nhất là giá đất

hoanghuyen |

Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phức tạp nhất trong Luật Đất đai là giá đất.

Cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay,Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, một loạt các vấn đề về giá đất, thu hồi đã dẫn đến số lượng khiếu kiện, khiếu nại quá tăng, chứ không phải do cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay.

“Điểm nút cần tháo gỡ chính là vấn đề giá đất như thế nào cho hợp lý”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nói.

Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác đại biểu cho rằng: “Hiện nay việc thu hồi đất để phát triển kinh tế chúng ta chưa có một cơ chế để quy định về giá đất của các khu đất được thu hồi theo giá thị trường này như thế nào là giá thị trường”.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp, người thiệt thòi là nông dân, dẫn đến họ có nhiều bất bình trong chuyện giữa giá thu hồi đất với giá đất do Nhà nước bồi thường và giá đất của nhà đầu tư sau khi thu hồi đất lại bán với giá rất cao, mà chi phí bỏ ra của nhà đầu tư không lớn. “Chi phí của người dân mới là lớn, đất của nông dân sử dụng rất lâu năm, kể cả hàng trăm năm, bồi đắp, xây dựng, khai hoang, phục hóa ra đất để trồng lúa, để sử dụng đất thì được bồi thường với giá rất thấp”, bà Nương nói.

Vẫn mơ hồ “giá thị trường”

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), về nguyên tắc xác định giá đất, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định: “Giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. “Vì việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như hiện nay là rất khó do thị trường luôn biến động, mặt khác ở nước ta còn có những vùng, những loại đất chưa có thị trường”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Ông cũng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành quy định của dự thảo Luật về Nhà nước định giá đất với việc có khung giá của Chính phủ cho từng loại đất phù hợp với từng vùng. Trên cơ sở khung giá của Chính phủ, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá của địa phương. Khung giá đất, bảng giá đất ổn định, chỉ điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có thay đổi lớn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nguyên tắc này là chưa đủ, chưa rõ: “Nguyên tắc hình thành giá để định là gì? Chưa rõ, chỉ nói một cách mơ hồ là thị trường”.

Không dùng bảng giá đất cho mọi mục đích

Về mục đích xác định giá đất, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, giá đất vừa phục vụ mục đích tĩnh (tính thuế) song lại dùng cho mục đích động (bồi thường) nên không phù hợp.

Đề nghị giá đất do Nhà nước quy định sử dụng cho mục đích tính thuế và các mục đích mang tính ổn định như xác định tiền giao đất, tiền thuê đất vv… còn đối với xác định giá đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nên xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật giá với sự tham gia của các tổ chức định giá đất tại thời điểm thu hồi.

Song, có ý kiến đề nghị, giá đất của Nhà nước ban hành chỉ quy định sử dụng vào mục đích tính các loại thuế, các mục đích còn lại dựa trên giá thu thuế để điều tiết.

Cũng có ý kiến đề nghị giá đất của Nhà nước được áp dụng cho tất cả các trường hợp.

“Về mặt tài chính trước đây nói là một giá này quy định cho mọi việc, lần này theo tôi cũng phải đổi mới, giá này không thể dùng cho mọi việc được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói. “Người ta khó chịu nhất, người ta khiếu kiện, khiếu nại chính là anh nói một đường anh trả tôi một đường hoặc anh vừa nói là theo giá nhà nước là anh bắt trẹt tôi giá thấp quá, rồi anh lại cho tôi một hệ số, tôi không chịu, không thỏa thuận thì làm thế nào?”

“Những việc như thế trong thực tế cuộc sống đặt ra rồi, phải tính để đưa vào cho nó rõ”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chốt phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, “Dự án luật phải giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất, đó là làm rõ nguyên tắc Nhà nước xác định giá đất phù hợp với thị trường, thế nào là phù hợp, thế nào là sát giá thị trường, thị trường nào”.

Đề nghị đưa Luật Đất đai (sửa đổi) ra lấy ý kiến nhân dân

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương, 190 điều, so với Luật hiện hành thì có 21 điều giữ nguyên, 101 điều sửa đổi, bổ sung, 68 điều bổ sung mới.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết, có ý kiến đề nghị vẫn trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến vào dự án Luật này, sau đó đưa ra lấy ý kiến nhân dân (cùng với dự thảo Hiến pháp) và trình Quốc hội thông qua cùng với Hiến pháp vào cuối năm 2013. Điều này bảo đảm tính thống nhất, phù hợp của Luật đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp (sửa đổi), đồng thời có thêm thời gian nghiên cứu các vấn đề liên quan một cách thấu đáo, tranh thủ tối đa được các ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà khoa học, nhà quản lý và đông đảo người dân.

“Tôi thấy đề nghị của Ủy ban Kinh tế chỗ này là khá hợp lý”, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói. “Vì Luật Đất đai là vấn đề rất phức tạp, rất nhạy cảm, có thể là trong những bộ luật đồ sộ nhất không chỉ liên quan đến vấn đề xã hội, đến kinh tế, đến an ninh, đến quốc phòng, đến đối nội, đối ngoại…”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại