Xã Đoan Hạ những năm gần đây nhu cầu đất ở tăng lên đột biến không chỉ do dân số xã tăng, mà còn đang “được giá lây” vì nằm ngay cạnh khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thuỷ nổi tiếng ở tỉnh Phú Thọ, giáp Hà Nội.
Chỉ vài năm qua, Đoan Hạ được quy hoạch 18 vị trí cho đất ở, chưa kể bổ sung thêm hơn 88.000m2. Xét thấy nhu cầu đất ở vẫn chưa thấm gì dù dân số xã chỉ hơn 4.000 người, xã mạnh dạn đưa cả đất nông nghiệp 5% vào một số công trình, dự án khi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng vọt. Nhưng kỳ lạ, từ đó đến nay mới có 39/171 hộ làm nhà ở, số còn lại để... đất trống.
Hàng loạt hộ đứng tên để được xét duyệt đất là bố mẹ nhưng khi hồ sơ trình lên huyện lại là tên con, thậm chí có nhiều trường hợp không có tên trong danh sách duyệt ban đầu ở xã nhưng hồ sơ trình lên huyện lại thấy đứng tên! (ông Năm ở khu 3 và ông Tuấn ở khu 7 đứng tên thay ông Hải khu 4; ông Trung khu 5 đứng tên thay rồi chuyển nhượng ngay cho ông Mạc khu 3, ông Xuân khu 1 đứng tên thay rồi chuyển nhượng cho ông Tài khu 1...).
Kỳ quặc hơn, có người... bỗng dưng được thông báo nhận sổ đỏ mà họ không có đơn xin mua, cấp đất, có người lợi dụng kiếm được cả 2 sổ đỏ. Đây chính là căn nguyên nảy sinh nhiều thắc mắc, đơn thư khiếu nại.
Thanh tra huyện Thanh Thuỷ vào cuộc, làm rõ nguồn thu chủ yếu của xã từ năm 2007 đến đầu năm 2012 là từ giao, cấp đất, lên tới hơn 3,88 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền này không được nộp vào kho bạc để nhà nước điều tiết chi, mà lãnh đạo xã Đoan Hạ tự... chi sạch ráo! Trong đó có những cách thu, chi lạ lùng như lãnh đạo xã vẽ ra khu đất nông nghiệp sẽ được cấp thành đất ở (khu Trại Lợn) trong khi ngô lúa vẫn đang lên non xanh (và chưa hề được UBND huyện cho chủ trương, quyết định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng).
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Lê Thị Tám (nguyên cán bộ địa chính xã) với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Cơ quan điều tra Công an huyện Thanh Thủy gần đây đã ra bản kết luận điều tra, cho rằng sai phạm của Tám gây “mất uy tín lãnh đạo xã” nên cần được xử lý nghiêm. Bản kết luận này không đề cập tới sai phạm của Chủ tịch xã Trần Xuân Thành.
Những người thuộc diện được xã cấp đất đã bị dụ dưới chiêu bài “tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương 15 triệu đồng/người”, chỉ trong vài ngày đưa ra “chủ trương”, xã đã thu hơn 400 triệu đồng từ khoản này và xã tự ý chi hết, không báo cáo huyện.
Cách đây không lâu, xã xây dựng một chợ mới, cũng không báo cáo huyện. Xã tự ý đấu thầu 39 kiôt với tổng giá trị hơn 800 triệu đồng. Tiền này cũng không được nộp kho bạc, và được xã tiêu hết.
Một loạt hành vi vi phạm do thanh tra kết luận như vi phạm các Quy định về sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, vi phạm Luật ngân sách, có dấu hiệu cố ý làm trái. Việc làm trái này còn diễn ra trong thời gian dài, có tính toàn diện nên cơ quan thanh tra đề nghị cơ quan điều tra hình sự vào cuộc.
Song, đến nay hai lãnh đạo chủ chốt của xã Đoan Hạ là ông Trần Xuân Thành (từ Phó chủ tịch UBND xã lên Chủ tịch, và tiếp tục là Chủ tịch), và ông Nguyễn Xuân Hoàng (từ Chủ tịch xã lên Bí thư Đảng uỷ xã) chưa hề nhận bất kỳ hình thức xử lý kỷ luật nào, khiến dư luận người dân ngày càng bức xúc.
Trao đổi với Tiền Phong , ông Nguyễn Quang Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy, thừa nhận việc xử lý cán bộ sai phạm ở Đoan Hạ còn chậm. Ông Anh cũng xác nhận những sai phạm đó là nghiêm trọng, cần xử lý để răn đe, phòng ngừa chung.