Bộ phim hoạt hình "Robot trái cây", chiếu trên kênh Bibi của Truyền hình cáp Việt Nam đang trở thành một "cơn sốt" đối với các cháu thiếu nhi. Nhiều phụ huynh vốn tin tưởng ở "nhà đài" nên ít chú ý đến bộ phim này, nhưng khi thử cùng con dạo chơi vào thế giới kì bí của robot, có người đã buộc phải "cấm cửa".
Ảnh bìa đĩa phim hoạt hình Robot trái cây
Nói "không" với kênh Bibi
Chị Mai Hương, nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) bức xúc phản ánh: "Ban đầu, thấy các con xem "Robot trái cây" tôi cũng không để ý lắm. Nhưng sau thấy chúng nói rất nhiều về bộ phim và thường lải nhải đọc theo những câu thoại trong phim nên tôi đã thử xem. Tôi thực sự thấy hoảng hốt khi xem và không thể chấp nhận được nội dung của bộ phim này. Trong phim thì toàn cảnh đánh nhau và yêu đương, các lời thoại thì nhạt nhẽo và nhảm nhí. Điển hình là các robot trái cây trong phim nhắc lại rất nhiều lần câu: "Nước trong không có cá, người thật thà chẳng thành công". Hay một đoạn khác, tôi thấy cảnh các robot trái cây thi nhau ăn và đồng loạt phải... đi ị. Một nhân vật giải thích là các chất thải từ toilet của các robot trái cây sẽ trở thành nước giải khát cho loài người sử dụng... Sau khi xem 1 tập thì tôi đã tuyệt đối cấm các con không được xem bộ phim này nữa".
Anh Nguyễn Văn Lam, trú tại khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) cho biết, anh cũng đã khóa kênh Bibi sau khi xem nội dung của bộ phim này. Anh Lam kể: "Tôi thấy thằng con suốt ngày chăm chú xem và hay đọc "trại" bài thơ "Cảm xúc đêm trăng" của Lý Bạch, thành: Một đêm ánh trăng sáng/Làm đổ bát canh xương/Ngẩng đầu lấy khăn trắng/Cúi đầu lau cái giường. Đến lúc cháu bực mình với bố cháu lại bảo: "Con tè vào đầu bố"... Hóa ra, toàn bộ những câu từ này cháu đều học trong phim "Robot trái cây".
Anh Lam cho rằng, phim với lời thoại nhạt nhẽo, kích động, yêu đương... không phù hợp với đối tượng là trẻ nhỏ. "Tôi nghĩ, truyền hình nên có sự lựa chọn kỹ lưỡng trước khi cho phát sóng các bộ phim liên quan đến trẻ em. Chúng như tờ giấy trắng, giờ vẽ cái gì vào đó cũng là mấu chốt cho sự phát triển sau này", anh Lam nói.
Đồ chơi hình các nhân vật trong Robot trái cây
Chiếu phim để bán hàng?
Bộ phim hoạt hình "Robot trái cây" xuất hiện không chỉ khiến nhiều trẻ nhỏ "phát sốt" mà nhiều phụ huynh cũng trở nên lao đao vì phải bỏ một lượng tiền không nhỏ để mua các sản phẩm "ăn theo" phim. Đi kèm với bộ phim này trên thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm "ăn theo" bộ phim, chủ yếu là các loại đồ chơi trẻ em.
Trên nhiều trang web rao vặt và các cửa hàng đồ chơi, các mặt hàng liên quan đến "Robot trái cây" đều chiếm ưu thế về thị phần. Giá cả của các loại đồ chơi này cũng khá phong phú, từ vài chục ngàn đồng cho tới hàng triệu đồng. Anh Nguyễn Minh, ở ngõ 120 đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, đã phải bỏ tới 1,5 triệu đồng để mua đủ bộ 7 con robot trái cây cho con trai mình.
Điều đáng nói là bộ phim này xuất hiện gần như cùng một lúc với một chiến dịch quảng cáo các loại đồ chơi liên quan đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng "nhà đài" phát sóng bộ phim vì bắt tay với đơn vị bán hàng?" Trả lời những thắc mắc này trên báo chí, ông Trần Hùng, Phó trưởng Ban VCTV quả quyết: "Tôi xin khẳng định là việc phát sóng phim "Robot trái cây" trên kênh Bibi không liên quan gì tới việc rao bán đồ chơi của công ty đó. Chúng tôi chỉ đơn thuần phát sóng bộ phim này để phục vụ khán giả nhỏ tuổi thôi. Việc kinh doanh các sản phẩm ăn theo phim truyền hình cũng là một hiện tượng rất bình thường ở các nước trên thế giới...".
Nói về vấn đề chiếu phim nhằm mục đích "bán hàng", ông Trần Hùng cho biết: "Đúng là từ trước tới nay, khi chúng tôi duyệt phim chỉ tập trung vào duyệt nội dung phim xem có gì phản giáo dục không, có bạo lực hay ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em không... chứ chưa chú ý tới vấn đề này".
Theo Giadinh