Từ nguồn tin của bạn đọc, chúng tôi gặp ông Vinh (người cung cấp vú dê cho các quán ăn ở Q.Tân Phú, TP.HCM) tại một quán cà phê trên đường Tân Sơn Nhì. Khi ông Vinh cho chúng tôi xem 2kg vú “dê”, mùi hôi nồng nặc bốc ra, nước trong bao lợn cợn bã trắng, thớ thịt đã ngả màu trắng đục, lấm tấm đốm đen.
Quan sát kỹ, chúng tôi phát hiện đó chỉ là vú heo. Thấy lộ chuyện, ông này thú nhận: “Vú dê khan hàng lắm, hầu hết vú dê được rao bán chỉ là vú heo, vú trâu... Sau khi tẩm phụ gia tạo mùi, đố ai phân biệt đâu thật, đâu giả. Mấy chất phụ gia này chỉ cần ra chợ Kim Biên mua là có”.
Chân gà đã được tẩm hóa chất làm sạch trước khi giao cho khách hàng tại một cơ sở trên đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM
Phụ gia “hô biến”
Ông Vinh cho biết vú dê cũng tương tự vú heo, vú trâu, vú bò... nhưng có mùi vị đặc trưng của dê nên nhiều nhà hàng bơm thêm chất tạo mùi lên vú heo trước khi nướng. Để bảo quản vú “dê” trong kho được lâu ngày mà không bị thâm đen, bốc mùi, ông Vinh cho biết phải dùng bột tẩy trắng (sodium hyposulfite) ngâm qua nước một lần. Chúng tôi ngỏ ý muốn vào cơ sở xem hàng, ông Vinh liền từ chối: “Muốn bao nhiêu thì tui đem đến tận nơi”.
Một đầu mối khác là ông Đinh, chuyên bỏ sỉ các loại thịt đông lạnh như chân gà, cánh gà, đầu gà, lòng gà, đùi gà..., quảng cáo hàng của ông nhập khẩu từ Bắc Mỹ và Nga. Lẽ ra có màu trắng tự nhiên, thì bọc chân gà của ông Đinh còn đỏ nguyên màu hóa chất.
Ông giải thích: “Các loại thịt này phải cấp đông liên tục để vận chuyển đến hàng tháng trời. Đến khi có mối kêu hàng, tụi tui phải dùng hóa chất để rã đông cấp tốc. Sau đó đổ vào thùng để tẩy trắng phần xương bên trong, tủy xương của thịt gà đông lạnh bao giờ cũng bị đen, thâm kim, kể cả các lỗ chân lông trên da cũng thâm chân chim, sẽ được tẩy trắng luôn một thể”.
Chỉ vào những chân gà có màu hơi tim tím, ông Đinh nói thịt đã rã đông thì không để lâu được, bắt buộc phải có thứ thuốc màu tím này, nếu không thịt sẽ bốc mùi, không giòn và dai.
Tại ba cơ sở làm thịt chà bông dọc quốc lộ 1A, thuộc P.Tân Thới Hiệp, Q.12, đều có chung một điểm là nhân viên của các cơ sở này mình trần, tay không chế biến thịt chà bông.
Tại cơ sở của ông Thịnh, nơi có đến 10 chiếc lò dùng để làm thịt heo chà bông, ông này nói: “Muốn thịt trắng thì có trắng, muốn vàng có vàng”, rồi đưa tay múc một muỗng nước màu tưới lên chảo thịt đang sấy.
“Phải chiều theo sở thích của khách mới bán được hàng, còn muốn ăn thì làm mẻ khác để dành ăn” - ông Thịnh thú nhận. Những túi bột màu trên đều không có nhãn mác và chỉ được phân biệt theo màu sắc: vàng, đỏ, trắng.
Chế biến thịt chà bông mất vệ sinh tại một cơ sở ở P. Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM.
Tẩy đường bằng... hóa chất
Tại Q.12, một số cơ sở sản xuất đường chuyên sử dụng chất phụ gia, phẩm màu và hai hóa chất sodium sulfite (Na2SO3) và sodium hyposulfite (Na2S2O3) vô cùng độc hại.
Bà Nga, một người thợ làm đường tại cơ sở T.Đ, cho biết: “Trước đây, cơ sở chỉ làm được đường phèn và đường hạt. Từ khi dùng bột tẩy, chất tạo màu thì có thể làm ra hơn chục loại đường khác nhau, từ đường nấu chè, nấu sâm, đường làm nước giải khát...”.
Bà quảng cáo: “Như loại đường làm nước giải khát, chỗ tui bán bảy loại, có mùi và màu khác nhau. Để tăng độ ngọt có thể pha thêm “tinh ngọt” chế trực tiếp vô. Mấy loại hóa chất này mạnh lắm. Cứ pha chế chúng (phẩm màu, bột tẩy - PV) với lượng hợp lý là yên tâm”. Theo bà này, tất cả các loại đường trong quá trình chế biến đều phải dùng chất tẩy để tẩy cặn bã nhanh hơn kiểu làm đường truyền thống, đường lại còn mịn hơn.
Tương tự, bà Hạnh, nhân viên ở cơ sở cung cấp đường các loại H.L, cho biết: “Đường nấu muốn có hương vị riêng, bắt buộc phải pha thêm chất tạo mùi, để nấu nước sâm thì phải chế biến đường pha phụ gia có mùi sâm. Các loại đường mùi khách rất thích vì vừa làm ngọt, lại đỡ tiền phải mua thêm chất tạo mùi”.
Vừa nói bà vừa rót một ly nhỏ chất lỏng có màu đỏ thẫm từ một can lớn, chỉ cách dùng: “Tụi tui dùng hai loại phẩm màu khác nhau. Một thùng 30 lít giá 800.000 đồng và phẩm màu vàng thì rẻ hơn, 500.000 đồng/30 lít. Phải chọn đúng loại màu này nó mới kết tinh được với tinh mía, nhầm lẫn là hư đường ngay”.
Bà Hạnh nói trước đây khi chưa định được liều lượng hóa chất cho vào đường, thường cho các con vật như heo, chó nuôi tại lò ăn thử, nếu thấy chúng không sao thì cơ sở yên tâm bán cho khách hàng. Nhiều lúc đường nấu ra bị hỏng phải bán đổ bán tháo cho những người nuôi heo, hoặc làm phân bón để gỡ gạc ít vốn.
Đem sản phẩm đường của cơ sở này đến Viện Công nghệ hóa học TP.HCM phân tích, chúng tôi đã nhận được kết quả giật mình: lượng Pb (chì) là 5,6 mg/kg, Cd (cadmi) là 0,33 mg/kg. Đây là những kim loại nặng rất độc cho cơ thể, nếu tích tụ nhiều, lâu ngày có thể gây ra bệnh ung thư.
Theo Danviet.vn