Phóng viên nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam của AP qua đời

camnhung |

Ông Esper đã qua đời khi đang ngủ vào tối ngày thứ năm vừa qua.

George Esper, phóng viên kiên cường của hãng thông tấn AP, người đã từ chối di tản về nước trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở Việt Nam để ở lại đưa tin về ngày giải phóng miền Nam, đã qua đời hôm thứ năm vừa qua, thọ 79 tuổi.

Ông Esper năm 2000

Theo gia đình ông, Esper đã qua đời khi đang ngủ vào tối ngày thứ năm vừa qua. Ông đã mắc rất nhiều bệnh, nặng nhất là bệnh tim.

“George nổi tiếng nhất với những bài viết, sự gan dạ, kiên cường, đặc biệt là ở Việt Nam. Nhưng những người may mắn biết ông sẽ được đón nhận sự hào phóng, nhiệt huyết lớn lao từ ông”, Kathleen Carroll, phó chủ tịch AP cho biết.

Ngoài là phóng viên viết bài, ông Esper còn hướng dẫn các phóng viên trẻ ở AP và những nhà báo tương lai ở trường đại học ông tham gia giảng dạy.

“Hàng trăm nhà báo đã học được ở ông trong thực tế và trên lớp học tại Đại học tây Virginia và lời giảng dạy cùng tinh thần của ông đã truyền cảm hứng cho họ mỗi ngày”, ông Carroll cho hay.

Esper chụp ảnh cùng một cậu bé ở Quảng Ngãi, năm 1966.

Esper nổi tiếng với những bài viết về những sự kiện quan trọng và 10 năm kiên trì bám trụ tại Việt Nam. Trong hai năm cuối tại Việt Na ông đã đảm trách vị trí trưởng đại diện của AP ở Sài Gòn. Ông thường viết bài tổng hợp chiến tranh mỗi ngày cho AP khi đó.

Tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Đại học Tây Virginia, Esper trở thành một phóng viên thể thao với mơ ước làm ông bầu của một đội bóng bầu dục Mỹ. Ông làm việc cho vài tờ báo trước khi được AP tuyển dụng vào năm 1965.

Cũng năm đó, khi quân đội Mỹ tại Việt Nam chuyển từ vai trò cố vấn sang tham chiến, Esper tham gia cùng đội ngũ phóng viên AP ngày một đông đảo ở Sài Gòn. Sau khi trở lại New York nhiều tháng vào năm 1966, thay vì ở lại, ông đã quyết định quay trở lại Việt Nam và bám trụ tại đây cho tới khi Sài Gòn được giải phóng.

Tháng 12/1972, ông đã có bài phỏng vấn độc quyền với một phi công B-52 của Không lực Hoa Kỳ, người bị đưa ra tòa án binh vì từ chối sứ mệnh bay trên bầu trời miền bắc Việt Nam. Lần theo viên phi công này sang tận Thái Lan, ông đã được viên phi công tâm sự toàn bộ câu chuyện. Viên phi công đã nói với Esper rằng đã chính thức bị “bịt mõm”.

Esper tại hồ Hoàn Kiếm trong lần trở lại Việt Nam năm 2005.

Esper đã viết câu chuyện đáng nhớ nhất của mình vào ngày 30/41975, ngày chiến tranh kết thúc và miền nam được giải phóng. Ông cùng 2 phóng viên AP khác từ chối tham gia di tản khi quân giải phóng của ta tiến vào sài Gòn. Hai chiến sỹ giải phóng quân ngày đó đã tới văn phòng AP, đi cùng là một phóng viên ảnh tự do cộng tác lâu năm với AP, người vào đúng ngày giải phóng tiết lộ chính là một gián điệp cho quân giải phóng. Các chiến sỹ giải phóng quân đã đảm bảo với các phóng viên AP là họ được an toàn.

Esper cho biết các chiến sỹ đã móc trong ví hình ảnh gia đình, kể cho ông nghe về cuộc sống, chiến đấu trong các khu căn cứ và tâm sự muốn sum họp với gia đình. Những chi tiết sống động và đầy tình người này đã được Esper đưa vào bài tường thuật đăng trên trang nhất của tờ New York Times số ra ngày hôm sau và đây chính là một trong những bài báo làm nên tên tuổi của ông.

Năm 1993, hai năm sau Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ, ông đã được chọn mở văn phòng AP tại Hà Nội và là trưởng đại diện trong hơn một năm.

Ông nghỉ hưu vào năm 2000, trở thành giáo sư về báo chí tại Đại học Tây, và được sinh viên ở đây vô cùng yêu quý.

Theo Phan Anh

Dantri.com.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại