Cuốn sách đã nêu của ông Hoa được cho là lấy nhiều nội dung từ tài liệu hội thảo khoa học đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” do ông Hoa làm chủ nhiệm đề tài (tháng 11-2012) và cuốn kỷ yếu Văn hóa biển đảo Khánh Hòa do UBND tỉnh Khánh Hòa ấn hành tháng 2-2012, GS.TS Trần Ngọc Thêm chủ biên.
Nhiều đoạn sách chép từ 2 kỷ yếu
Cụ thể, trong sách của ông Hoa, phần thứ ba “Những giá trị lịch sử, văn hóa trên quần đảo Trường Sa ở Khánh Hòa” được lấy phần lớn nội dung từ bài viết “Phát triển văn hóa với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa” của TS, đại tá Lê Văn Tân (Học viện Hải quân) in trong tài liệu hội thảo khoa học đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa”.
Cũng trong phần ba này, ông Hoa lấy nhiều đoạn trong bài viết “Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa trong lịch sử” của TS Trần Nam Tiến (Trung tâm nghiên cứu biển và đảo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), in trong kỷ yếu Văn hóa biển đảo Khánh Hòa.
Ông Hoa chỉ biên tập, thêm bớt một số từ, dấu câu trong phần nội dung lấy từ hai bài viết trên.
Ngoài ra, một đoạn trong phần “Dấu ấn văn hóa biển đảo thời tiền sử, sơ sử ở Khánh Hòa” trong cuốn sách của ông Hoa được lấy hầu như nguyên vẹn trong bài “Văn hóa biển đảo thời tiền sử, sơ sử ở Khánh Hòa” của nhóm tác giả Trần Quý Thịnh, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Tâm; một đoạn trong phần “Dấu ấn văn hóa biển đảo trong đời sống cư dân Nam Đảo ở Khánh Hòa” trong sách của ông Hoa lấy nguyên văn từ bài “Văn hóa biển trong cư dân Nam Đảo ở Khánh Hòa” của nhóm tác giả Trần Quý Thịnh, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Ngọc Quý...
Thừa nhận “có thiếu sót”
TS, đại tá Lê Văn Tân cho biết trước khi xuất bản cuốn Đặc trưng văn hóa biển đảo Khánh Hòa, ông Hoa có liên lạc xin trích nội dung các bài viết của ông đưa vào sách.
“Tôi đồng ý cho anh Hoa sử dụng bài viết nghiên cứu của mình, nhưng đề nghị phải ghi rõ nguồn trích dẫn hoặc nếu đăng nguyên bài thì phải ghi tên tôi dưới tiêu đề bài viết.
Tuy nhiên, xem qua cuốn sách anh Hoa, tôi thấy ở phần ba lấy nhiều từ nội dung bài viết của tôi nhưng chú giải không rõ ràng, không đúng với quy định trong trích dẫn tài liệu khoa học, dễ khiến người ta nhầm tưởng đây là bài anh Hoa nghiên cứu và viết chứ không phải là trích từ bài của tôi” - ông Tân nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hoa thừa nhận: “Trong 380 trang sách, đúng là có một số đoạn tôi trích dẫn từ bài viết của các tác giả cùng tham gia đề tài do tôi làm chủ nhiệm mà thiếu chú giải hoặc dẫn nguồn trích không rõ ràng.
Một số đoạn tôi có biên tập, biên soạn lại chứ không phải bê nguyên xi. Tôi cũng nhận thấy nên ghi thêm hai chữ “chủ biên” dưới tên tác giả ở bìa sách mới là chính xác.
Tôi rút kinh nghiệm sâu sắc về những sơ suất, thiếu sót này và sẽ chỉnh sửa khi tái bản cuốn sách vào cuối năm nay”.