Phó Chủ tịch QH lý giải việc chưa công bố nhân sự chủ chốt

Hoàng Đan |

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiệm vụ làm công tác nhân sự là của Đảng nhưng việc bầu thuộc về Quốc hội vì thế chưa thể công bố bây giờ mà phải chờ Quốc hội.

Ứng cử viên kê khai nhưng không có xác nhận

Nêu ý kiến tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, việc hầu hết các Ủy viên Bộ Chính trị và cả nước có đến cả trăm Ủy viên TƯ Đảng tham gia ứng cử là điều đáng mừng.

"Theo dõi các buổi chất vấn của đại biểu, tôi thấy có những mặt được nhưng vẫn còn mặt chưa được là khoảng cách giữa chất vấn và trả lời chất vấn.

Tôi hy vọng chất lượng của đại biểu thay mặt cho cử tri phải thể hiện bản lĩnh, năng lực, cái tầm, cái tâm, tình yêu với Tổ quốc", tướng Lương nói.

Còn ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Mặt trận thắc mắc: "Đoàn Chủ tịch sẽ hiệp thương thế nào khi số lượng giới thiệu còn thiếu so với số lượng được phân bổ?".

Bản kê khai lý lịch của ứng viên cũng khiến ông Que chưa hài lòng.

Ông cho rằng, hồ sơ ứng viên đang kê khai chức vụ, học vị nhiều hơn là ưu, khuyết điểm. Điều này chưa phản ánh được chất lượng đại biểu, chưa thể hiện được họ có đại diện cho tâm tư nguyện vọng của người dân hay không.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Mặt trận cũng băn khoăn về nội dung kê khai tài sản.

"Ông nào cũng kê khai nhưng không có xác nhận. Theo tôi, lúc này phải công khai minh bạch thì người dân mới tin tưởng", ông Que nói.

Bà Nguyễn Thị Nương, trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy Ban thường vụ QH) cho hay, trong quá trình chuẩn bị, QH đã giới thiệu được 114 người, nhưng đến ngày cuối cùng (13/3) thì ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) xin rút.

Dù trước đó ông đồng ý được giới thiệu và đạt số phiếu tín nhiệm cao. Do thời gian gấp gáp nên Đảng đoàn Quốc hội xin phép bổ sung sau.

Có những vị trí lãnh đạo phải trúng ĐBQH mới được giữ

Phát biểu tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các thành viên đã đề nghị công khai các vị trí nhân sự chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành trước Mặt trận, để việc hiệp thương diễn ra tốt hơn.

Trả lời về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, các ý kiến trong Hội nghị đều thể hiện trách nhiệm, tâm huyết cho cuộc bầu cử sắp tới.

Bà Ngân cũng thông tin, vừa qua, Hội nghị Trung ương lần thứ 2 của Đảng có làm công tác nhân sự.

"Chuẩn bị nhân sự theo đúng tinh thần là Đảng phải lo về công tác cán bộ và phải chuẩn bị cử cán bộ của mình vào Quốc hội, giữ vị trí, trọng trách của các cơ quan Nhà nước.

Phân công các Ủy viên Trung ương, ai làm ở địa phương, ai làm ở cơ quan Trung ương, ai sẽ tham gia Quốc hội, ai không tham gia Quốc hội...

Tuy nhiên, chưa thể công bố được, bởi vì chúng ta chưa tiến hành bầu cử. Đảng không thể quyết định các vị trí mà dân phải tín nhiệm bầu vào Quốc hội", bà Ngân nói.

Phó Chủ tịch QH Kim Ngân cũng nhấn mạnh, danh sách ĐBQH chuyên trách thì càng phải ngặt nghèo hơn.

Có những vị trí Bộ trưởng không trúng Quốc hội vẫn có thể làm Bộ trưởng, nhưng đã làm chuyên trách Quốc hội ở Trung ương, địa phương thì phải trúng cử Quốc hội.

Bà cũng lấy ví dụ như ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIII ra ứng cử ĐBQH khóa XIV, nếu trúng cử mới có thể tiếp tục bầu tái nhiệm chức vụ đó.

"Do đó, có những chức vụ không thể thay ngay trong nhiệm kỳ này, bởi vì chưa phải là Đại biểu Quốc hội. Ví dụ như ai muốn thay anh Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thì phải là ĐBQH mới thay được", bà Ngân nhấn mạnh.

Theo bà Ngân, lần này sẽ thay thế một số chức danh và Đảng đã chuẩn bị cho việc này. Nhưng dù Đảng chuẩn bị thì phải xem Quốc hội có bầu không.

Bà nói: "Khi trình ra danh sách thì đại biểu QH họp đoàn lại để thảo luận rồi phải giải trình, báo cáo lại trước khi tiến hành bầu. Đó là lý do vì sao chưa thể thông báo được đến Mặt trận và nhân dân".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại