Quan chức quốc phòng hàng đầu Philippines đã có cuộc gặp với nhiều chỉ huy quân sự địa phương hôm 30/5 để thảo luận về việc nâng cấp các cơ sở quân sự giữa lúc có những báo cáo về sự xâm nhập của Trung Quốc vào các khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Tổng tham mưu trưởng Eduardo Oban Jr. đã hội ý với các lãnh đạo Bộ tư lệnh vũ trang miền Tây (Wescom) tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước này ở Reed Bank (Bãi cỏ rong) và nhóm đảo Kalayaan (thuộc quần đảo Trường Sa).
“Chúng ta đang cố gắng nâng cấp các tài nguyên để có thể bảo vệ khu vực hàng hải. Điều này không dễ dàng vì chúng ta thiếu kinh phí và vì thế chúng ta phải dành ưu tiên”, ông Gazmin nói sau cuộc họp kín với Tư lệnh Wescom, tướng Juancho Sabban.
Quan điểm dùng sức mạnh trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại. Ảnh minh họa:defencetalk
“Tất cả lực lượng chúng tôi được chỉ thị là thận trọng, tiếp tục các sứ mệnh tuần tra trên không và trên biển”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Eduardo Batac nói trong một cuộc phỏng vấn sau đó.
Chuyến thăm của hai quan chức quân sự cấp cao nói trên diễn ra sau khi Không quân Philippines (PAF) báo cáo về việc đã phát hiện ra hai máy bay chiến đấu vào ngày 11/5 ở khu vực Reed Bank thuộc Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền. PAF cho hay không thể xác định được các máy bay xâm nhập.
Tháng 3 vừa qua, Philippines đưa ra thông tin về việc hai tàu hải quân Trung Quốc “quấy nhiễu” một tàu thăm dò dầu khí ở Reed Bank.
Ông Gazmin nhấn mạnh, chính phủ Philippines hiện đang theo đuổi chính sách đối thoại, coi đây là cách để đối phó với những động thái gây hấn từ phía Trung Quốc. “Chúng tôi thiên về đối thoại với mục tiêu tránh đối đầu. Bên cạnh đó, mọi hành động của chúng tôi (phản đối ngoại giao) đã được quốc tế ghi nhận và công nhận. Tôi chắc rằng, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu rõ các vấn đề này”, ông nói.
Theo ông Gazmin, Philippines đang thúc đẩy sự tham gia lớn hơn của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông. “Chúng tôi muốn nói một tiếng nói chung của ASEAN”, ông Gazmin khẳng định.
Những phản ứng của Philippines với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông:
- Đầu tháng 3, Philippines đã triển khai hai máy bay chiến đấu (trong đó có một máy bay ném bom) để bảo vệ tàu thăm dò dầu khí của mình, sau khi tàu này đánh tín hiệu báo cáo việc bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu ở một khu vực tranh chấp tại Biển Đông. Tàu Trung Quốc sau đó rời đi mà không có đụng độ gì. Chính phủ Philippines sau đó đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về vụ việc này.
- Tại cuộc họp báo chung ngày 8/3 ở Jakarta, hai Tổng thống Indonesia và Philippines cho rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán.
Về vụ tàu thăm dò dầu khí bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu, Tổng thống Philippines Benigno Aquino loại trừ bất kỳ "hành động đơn phương" nào của Philippines trong vụ việc này.
Ông khẳng định: “Không có chỗ cho hành động đơn phương ở khu vực đặc biệt này. Vì nếu chúng ta hành động đơn phương, sẽ không giải quyết được vấn đề. Hy vọng rằng, với quan điểm coi đây là vấn đề quan tâm chung, một cơ hội chung, chúng ta sẽ có thể tiến lên phía trước trong việc sử dụng nguồn tài nguyên ở khu vực đặc biệt này nhằm tạo lợi ích cho tất cả các nước tuyên bố chủ quyền".
- Ngày 5/4, chính phủ Philippines cuối cùng cũng đã làm việc mà lẽ ra đã nên làm từ hai năm trước - đó là những gì mà Indonesia, Malaysia và Việt Nam từng làm - gửi lên LHQ thư phản đối về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông bao gồm cả quần đảo Trường Sa - khu vực giàu tài nguyên dầu khí đang tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc và ba quốc gia khác.
- Sau khi gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên LHQ, quan chức Philippines cho hay, nước này đã sẵn sàng tăng cường gấp bội các khả năng tuần tra tại Biển Đông. Theo đó, vào tháng tới, Philippines sẽ triển khai tàu tuần duyên hạng nặng lớp Hamilton (WHEC) ở gần nhóm đảo mà họ gọi là Kalayaan. Tàu tuần tra lớp Hamilton là tàu lớn nhất mà hải quân Philippines mua từ Mỹ kể từ những năm 1980.
- Ngày 20/5, báo chí Philippines đồng loạt đưa tin về việc các máy bay Trung Quốc đã lượn sát hai máy bay của không quân Philippines (PAF) trong lộ trình tuần tra thường lệ vào thứ năm tuần trước tại vùng lân cận nhóm đảo Kalayaan - một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Tuy nhiên, tướng Eduardo Oban Jr. phụ trách Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) nhấn mạnh, quân đội nước này vẫn đang thẩm định báo cáo về vụ việc.
- Ngày 23/5, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Manila và Bắc Kinh đã nhất trí tiến hành đối thoại về vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Trả lời báo chí sau cuộc gặp trên, người phụ trách truyền thông Philippines Ricky Carandang nói: “Hai bên nhất trí không để những vụ việc xảy ra trong vài tháng qua gây khó khăn cho quan hệ song phương”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt đã cam kết tránh “các hành động đơn phương có thể gây báo động và tập trung vào một giải pháp hòa bình” cho tranh chấp ở Biển Đông.
- Ngày 24/5, tờ Philstar của Philippines đưa tin, Trung Quốc đã thiết lập các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông. Báo này dẫn các tài liệu và hình ảnh mà News5 có được cho thấy, các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự đã được thiết lập ở sáu bãi đá ngầm trong Nhóm đảo Kalayaan. Chính quyền của Tổng thống Aquino đã và đang thúc đẩy các giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Philippines đang tuyên bố chủ quyền với Nhóm đảo Kalayaan (một phần của quần đảo Trường Sa).
Cùng ngày, Tổng thống Aquino đã tiếp xúc với báo chí sau cuộc gặp một ngày trước đó với ông Lương Quang Liệt. “Tôi nói, ‘nếu xảy ra những vụ việc thì liệu nó có thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực? Khi chạy đua vũ trang xảy ra, nguy cơ xung đột có gia tăng? Và ai là người hưởng lợi?”, ông Aquino cho biết.
“Tôi nói với họ, ‘Hiện tại, chúng tôi có thể không có khả năng nhưng tình thế sẽ bắt buộc chúng tôi phải tăng cường các khả năng của mình”. Tổng thống Aquino nhấn mạnh, ông đã đề cập với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc việc chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ cho quân đội Philippines.
- Ngày 30/5, tờ Philstar của Philippines đăng tải tuyên bố của thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago cho rằng, Trung Quốc luôn cố chèn ép Philippines và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á nhằm kiểm soát tài nguyên dầu khí khổng lồ ở Biển Đông.
Theo Vietnamnet.vn