Phí, lệ phí ở Thủ đô sẽ cao hơn mức chung cả nước

hoanghuyen |

Sáng 17.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào Dự án Luật Thủ đô.

Phí, lệ phí ở Thủ đô sẽ cao hơn mức chung cả nước

Tại khoản 2 Điều 22 dự thảo Luật quy định: HĐND TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng.

Thường trực Ủy ban pháp luật, cơ quan thẩm tra Dự án Luật Thủ đô cho rằng, Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6.2012) đã lựa chọn và cho phép các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Thủ đô Hà Nội áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định trong một số lĩnh vực như giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội mà không có ba lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng.

Trên thực tế, các vấn đề phát sinh trong ba lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội mà là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mà nguyên nhân của nó chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện pháp luật.

“Quốc hội có thể bổ sung một số quy định khác với quy định của Luật hiện hành song bổ sung thêm 3 lĩnh vực văn hóa, xây dựng, đất đai được áp dụng mức tiền phạt cao hơn ngay khi Luật xử lý vi phạm hành chính chưa có hiệu lực thi hành là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ”, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Hơn nữa, trong quá trình xem xét, thông qua dự án Luật xử lý vi phạm hành chính cũng đã có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung này nhưng đã không được Quốc hội chấp thuận. Do đó, nếu lần này đưa nội dung này vào Luật Thủ đô thì cần có sự phân tích lập luận thật thuyết phục.

phi-le-phi-o-thu-do-se-cao-hon-muc-chung-ca-nuoc
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Hà Nội có một lực lượng thu nhập rất thấp trong đó là cán bộ hưu trí và cán bộ công chức, nhân dân lao động. Vì vậy, ông đề nghị “giải quyết hài hòa việc này” để không tác động mạnh đến về xã hội.

“Tôi cũng đồng tình với việc thu phí và lệ phí cao hơn so với mức của Chính phủ, Bộ Tài chính quy định”, Chủ nhiệm UB Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiến nói, “nhưng dứt khoát phải có khống chế, không thể để mở được, nếu để mở ra ông thu thoải mái thì chết cho nên phải có khống chế và có mức trần không quá 2 lần”.

Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị “giải trình cụ thể thêm Quốc hội mới quyết định được”.

Chưa chú trọng giá trị tinh thần

Bà Mai cũng cho rằng, các chính sách đưa ra trong Dự án Luật thiên về phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất nhiều hơn so với các giá trị tinh thần. “Điều 16 liên quan văn hóa cũng nói chủ yếu văn hóa vật thể và quy định ra các khu đặc thù để bảo tồn”, bà Mai dẫn chứng. “Còn văn hóa phi vật thể như thế nào?”, bà đặt vấn đề. “Tôi rất muốn các anh nghiên cứu thêm một giá trị văn hóa và giá trị nhân văn, giá trị tinh thần hơn trong dự thảo Luật Thủ đô lần này so với các giá trị vật chất, các giá trị hạ tầng mà quy định trong luật này”.

Các giá trị về mặt xã hội mang lại trong Luật thủ đô chưa có, bà Mai nhận xét. Điều này là bước thụt lùi so với Pháp lệnh Thủ đô. “Không có một chính sách gì chăm sóc sức khỏe cho người thủ đô, người thủ đô không khỏe làm sao xứng đáng là người thủ đô, trung tâm hành chính chính trị mà pháp lệnh đã có rồi anh không kế thừa”.

Liên quan đến Điều 14 của Dự án Luật cho phép UBND TP Hà Nội quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thực hiện theo chương trình chất lượng cao, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi lo ngại: “Dư luận chung cho thấy chương trình bây giờ rất nặng nề, quá tải đối với học sinh, Hà Nội lại đặt ra vấn đề thực hiện một chương trình chất lượng bổ sung cao hơn chương trình hiện có của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như vậy, có nặng nề cho các em Hà Nội hay không?”.

Ông Thi cho rằng, vấn đề này giải quyết theo 2 hướng: thứ nhất là chương trình này không thực hiện rộng rãi mà chỉ thực hiện trong các cơ sở thực hiện chương trình chất lượng cao, như vậy là chỉ đối với một bộ phận học sinh thôi. Thứ hai phải nhận thức đây là chúng ta cung ứng một dịch vụ giáo dục với các điều kiện tổ chức và phương pháp giảng dạy tốt hơn, với thầy giáo, cô giáo có khả năng hơn và chúng ta cũng có những dịch vụ chăm sóc học sinh tốt hơn.

“Nhưng muốn giải quyết được 2 hướng đó thì tôi rất hoan nghênh chúng ta đã quy định nguyên tắc là phải tự nguyện”, ông Thi nói. Theo đó, các chương trình chất lượng cao này với điều kiện học tập tốt hơn, với chi phí đào tạo cao hơn và cũng không phải chọn những em học sinh có chế độ chính sách hay có khả năng học tập tốt hơn, có năng lực tốt hơn, bởi vậy, chi phí cao hơn theo đúng tinh thần của Luật giáo dục. Tức là các trường công lập được cung ứng các dịch vụ giáo dục chất lượng cao và được thu học phí cao để bù đắp cho cái đó, quan trọng là giải quyết được sự công bằng trong xã hội.

Theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi: “Nếu chúng ta tạo ra sự chênh lệch trong các trường, đặc biệt là các trường phổ thông công lập trong đó có sự bao cấp của nhà nước thì sẽ nảy sinh ra chuyện chạy trường. Không phụ huynh nào lại không muốn chọn cho con em mình một trường có chất lượng, điều kiện tốt hơn mà học phí vẫn như vậy”.

Dự án Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 3.2011). Tuy nhiên, do một số quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô còn có ý kiến khác nhau nên dự án Luật không được Quốc hội khóa XII thông qua. Quốc hội đã giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật Thủ đô để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp. Dự kiến, Dự án Luật sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2012) theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội.

Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô?

Thường trực Uỷ ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra Dự án Luật Thủ đô, cho rằng, biểu tượng của Thủ đô không những là biểu tượng của riêng TP Hà Nội mà còn là biểu tượng Thủ đô của cả nước. Do đó, đây là vấn đề mang tính quốc gia nên cần phải được quy định ngay trong Luật.

Điều 6 của dự thảo Luật quy định hai phương án về Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Phương án 1: Biểu tượng của thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các; Phương án 2: Thủ đô có biểu tượng. Biểu tượng của Thủ đô do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Đa số ý kiến trong UBTVQH đều thống nhất: hình ảnh Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô và giao cho HĐND TP Hà Nội quy định về biểu tượng Thủ đô.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại