Trời còn mờ hơi sương, gần 30 người cả phụ nữ và đàn ông đã ngồi chờ sẵn ở ga Kim Liên (Đà Nẵng) với lỉnh kỉnh dao, cơm nắm bỏ tạm bợ trong túi…
Giụi mắt nhìn về phía đoàn tàu đang hú còi lại gần, ông Trần Văn Khánh nói như thanh minh: "Từ đây lên chỗ đốn củi dài gần 30km, cuốc bộ mất cả vài tiếng đồng hồ. Không có xe máy, anh em tụi tôi muốn đi kiếm củi thì chỉ còn cách nhảy tàu thôi".
Các tiều phu bám trên nóc tàu để bắt đầu một ngày mưu sinh.
Ở tuổi 60, ông Khánh có thâm niên 45 năm trong nghề nhảy tàu đi chặt củi trên rừng Hải Vân. Ông kể nối nghề từ cha mình nên không biết rõ nghề này có từ bao giờ.
"Ngày trước nhiều người làm nghề này lắm, nhưng khổ quá nên nhiều người bỏ. Với tôi, cái nghề tuy cực khổ nhưng đã nuôi sống gia đình bao nhiêu năm qua, giờ tuổi cao nhưng chẳng biết làm gì, đành bám tàu kiếm được đồng nào hay đồng đó", ông Khánh kể.
Tàu đến, mọi người nháo nhác tìm cho mình chỗ ngồi trên gác nối giữa hai toa, có người leo lên nóc tàu chợp mắt thêm chút nữa, số ít bu bám ngay sau đuôi tàu.
Ông Nguyễn Văn Em (53 tuổi), lắc đầu nói như chặn đứng ý định của người đối diện đang muốn đi theo: "Nhảy tàu mất mạng như chơi, tốt hơn là không nên theo. Có khi chặt được củi rồi nhưng không có tàu hàng dừng lại ở ga trên đỉnh đèo thì đành ngủ lại giữa rừng, hôm sau mới về được".
Không thuyết phục được, ông đành hướng dẫn chỗ ngồi cho người mới nhập cuộc và cảnh báo những chỗ dọc đường tàu có dây điện vắt ngang hay cửa hầm xuyên qua đèo.
"Nhất quyết không được đứng trên nóc tàu, không là bỏ mạng đấy nhé", ông Em dặn dò. Ánh nắng của ngày mới hắt ngang qua đoàn tàu đang lăn bánh giữa rừng, những câu chuyện cũng chập chờn trong tiếng tàu xé tai.
"Cúi đầu xuống", giọng một phụ nữ hét to nhắc nhở khi đoàn tàu đi vào cửa hầm thứ nhất. Bóng tối bao trùm. Không khí khét lẹt đến khó thở bởi mùi khói ám đen trên vòm hầm, nhiều khúc nước nhỏ giọt tong tong xuống đầu.
"Phải qua 3 hầm như thế này mới đến chỗ đốn củi. Đi miết rồi quen chứ ngày đầu qua đây tôi cũng sợ lắm, cảm giác như ngày tận thế", ông Em nói.
Một tiều phu chuẩn bị tiếp đất khi đoàn tàu vẫn còn lăn bánh.
Tàu chạy chậm chừng 10km/giờ trước khi đến ga phụ Hải Vân Bắc, không chờ cho đoàn tàu dừng hẳn, hàng chục người đã vịn vào thành tàu tiếp đất nhẹ nhàng và dần mất hút trong con đường mòn rậm rạp dẫn vào rừng, dốc dựng đứng.
Mỗi người tự tìm cho mình một hướng, phát quang cây bụi tìm củi. Có khi phải cuốc bộ cả 5km họ mới tìm được chỗ nhiều củi vì chưa có tiều phu nào đặt chân đến.
Luật bất thành văn là họ chỉ chặt cây khô và cây tạp, vừa dễ vận chuyển lại không mang tội "phá rừng".
"Đã chấp nhận theo nghề thì phải lì, không sợ vắt hay rắn rết, gai đâm và dĩ nhiên là phải có sức khỏe", nữ tiều phu tên Hiền tâm sự rồi thoăn thoắt nhoài mình vào giữa bụi gai nhặt nhạnh những cành củi khô xếp thành bó.
Chị bảo nghề này muốn tham cũng không được, mỗi người chỉ kiếm chừng hai bó rồi về, vì có lấy nhiều cũng không có sức mang.
Không phải ai cũng may mắn như chị, có người mồ hôi nhễ nhại sau nửa ngày tìm củi những cũng chỉ được vài cọng củi khô, đành phải chặt cây tạp mang về. Mỗi bó củi bán được giá 20.000-30.000 đồng.
Ngày mưa, cánh tiều phu đành thất nghiệp. Họ bảo giờ nhà nhà dùng bếp ga, củi chỉ để bán cho những quán ăn nên người mua cũng ít dần.
Bày gói cơm vắt sẵn trong chiếc khăn nhỏ, xẻ ra ăn với muối vừng, chị Hiền gạt những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán cười bảo: "Bữa trưa đó, nhà nào khá giả mới có cá khô mang theo, còn canh là nước uống mang theo. Ăn thế này thôi chứ ăn ngon thì tiền đâu mà đong gạo cho con".
Như những con ong chăm chỉ, sau bữa cơm trưa giữa rừng, ai lại vào việc nấy. Người đi chặt củi thêm, người gom củi bó lại, giúp nhau bỏ những bó củi nặng trịnh lên vai vác ra khỏi rừng rồi tập kết ở ga chờ tàu hàng về qua.
Tàu đến, cánh tiều phu lại nhoài mình chuyển củi lên đoạn nối giữa các toa để quá giang về nhà. Lại một lần nữa nằm rạp trên nóc tàu, chịu đựng những âm thanh inh tai, những đoạn hầm tối nghịt để kết thúc một ngày lao động cực nhọc.
Cái nghèo bám riết lấy thân, nhiều người tính chuyện chuyển nghề nhưng không xin được việc làm phù hợp đành quay về nghề cũ.
Tiều phu Tân (40 tuổi) ngồi trên nóc tàu kể, trước đây anh cũng từng đi làm công nhân nhưng thời gian gò bó, không quen nên bỏ. Bây giờ thấy sức khỏe yếu, anh xin đi làm lại nhưng người ta chê già, không nhận.
Thành quả sau một ngày lau động là những bó củi to quá người.
Chỉ vào những vết thương chi chít do gai đâm, té ngã giữa rừng, ông Đinh Văn Mãi (77 tuổi) kể, dù từng bị tai nạn bom mìn cụt một chân, nhưng vì thất nghiệp nên đành lên rừng chặt củi kiếm cơm bằng một chân.
Chiếc chân giả tật tưởng không ít lần khiến ông té ngã giữa rừng nhưng cứ nghĩ đến 9 đứa con còn nhỏ ở nhà nên ông quyết bám nghề.
Có khi không đi kiếm củi được, ông đành ứng tiền của người buôn củi đong gạo ăn qua ngày. "Làm được khoảng 10 năm tôi không chịu nổi nên bỏ. Các con tôi đòi nối nghề nhưng tôi nhất quyết không cho.
Dù học hành không được nhiều nhưng tôi bảo các con đi làm nghề xe ôm hay vá săm di động trên đèo Hải Vân cho đỡ cực", ông nói.
Từ ngày xa rừng, ông Mãi tình nguyện ra lo hương khói cho miếu Hỏa Xa (nơi thờ những công nhân tử vong khi làm đường sắt qua đèo Hải Vân).
Mỗi buổi chiều ngồi nhìn những tiều phu ngồi vất vưởng trên nóc những toa tàu, ông lại lắc đầu: "Nghề cực là vậy nhưng giờ họ nghỉ thì không có cơm".
Hai vợ chồng ông Trần Đức Hai (56 tuổi) và bà Huỳnh Thị Hoa (53 tuổi) ở tổ 13, kể rằng dù nhà cách ga Kim Liên 200m nhưng vì không đủ can đảm nhảy tàu nên ông đành sắm chiếc thuyền nhỏ, ngày ngay đi đánh cá và tranh thủ leo lên các vách đá ven biển lấy củi về.
Từng là bộ đội xuất ngũ, nhưng cái nghề cha truyền con nối đã sớm vận vào thân, hai ông bà cưới nhau từ năm 1982 và bám rừng, bám biển đến giờ.
"Cũng mong nhà nước hỗ trợ để người dân chúng tôi chuyển đổi nghề, chứ làm miết cái nghề này cực quá mà lại chả dư giả gì.
Cả gia đình có cơ nghiệp là cái thuyền thúng, trời bão gió là lại ở nhà", ông Hai nói và cho biết không muốn cho con cái theo nghề nên ông bà thắt lưng buộc bụng cho con đi học, mong có cái chữ để đổi đời.
Hai người con lớn của ông giờ đã lập gia đình, còn cậu con út đang học cao đẳng công nghệ thông tin.
Ông Mãi ngồi trầm ngâm nhớ lại những tháng ngày đánh đổi sinh mạng với nghề tiều phu.
Trao đổi với PV, ông Trần Phước Huấn, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết cách đây khoảng 8 năm trước có người dân địa phương nhảy tàu đi chặt củi bị tai nạn và tử vong. Chính quyền đã nhiều lần vận động họ bỏ nghề nhưng kết quả còn hạn chế.
"Người dân chủ yếu đi kiếm củi khô và có ý thức trong việc bảo vệ rừng nên không có chuyện đốt lửa gây cháy rừng.
Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động họ chuyển đổi nghề nhưng cũng rất mong các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thêm như nhận bà con vào làm việc để đảm bảo thu nhập và an toàn tính mạng", ông Huấn nói.