Lãng phí
Nhiều tháng nay, trên đường Lê Văn Lương, làn đường tiếp giáp với dải phân cách giữa đã và đang được các công nhân tiến hành bóc phần đường nhựa còn mới và thay thế vào đó bằng đường bê tông khiến nhiều người đi đường không khỏi băn khăn.
Ghi nhân của PV VietNamNet sáng 27/6 cho thấy, dọc tuyến đường Lê Văn Lương vẫn còn hai đoạn đường, mỗi đoàn dài gần 100 m được quây tôn xung quanh để tiếp tục thay đường nhựa bằng bê tông.
Ngoài hai đoạn đường đang thi công dở được quây tôn, phần còn lại dọc tuyến đường Lê Văn Lương đã được “bê tông hoá” mặt đường. Ô tô, xe máy đã đi vào làn đường bê tông tạo nên những tiếng kêu sần sật.
Theo Sở GTVT Hà Nội, Dự án phát triển GTĐT Hà Nội có hợp phần: Nâng cao năng lực vận chuyển hành khách bằng xe buýt, trong đó tập trung xây dựng một số tuyến xe buýt vận chuyển hành khách tốc độ cao, khối lượng lớn (BRT). Với tuyến buýt Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa là tuyến BRT số 1.
Do thiết kế đường nhựa mỏng và dễ lún khi có phương tiện khối lượng lớn thường xuyên chạy qua nên để phục vụ được buýt BRT, mặt đường phải được làm bằng chất liệu cứng. Do vậy một phần mặt đường nhựa hai chiều trên đường Lê Văn Lương đã được bóc ra để thảm bê tông.
Đại diện Ban QLDA Đầu tư và phát triển giao thông đô thị (GTĐT) Hà Nội cho biết: Xe buýt BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa chỉ được chạy trên một làn đường riêng. Khi bánh xe buýt chạy cùng một điểm trên mặt đường rất dễ dẫn đến trạng thái mỏi cho mặt đường. Những tuyến đường này thường được làm bằng mặt đường cứng (bê tông) vì đường nhựa không chịu được.
Được biết, hiện nay đã có khoảng 3km làn đường nhựa cả hai chiều trên tuyến đường Lê Văn Lương được bóc để thảm bê tông. Các tuyến trên phố Láng Hạ, Giảng Võ bắt đầu được triển khai.
Tạm dừng và bố trí đi chung với phương tiện khác
Ông Nguyễn Khoa Hồi - Phó giám đốc BQLDA Đầu tư phát triển GTĐT, Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo phương án ban đầu, tuyến buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đi đến nút giao Lê Văn Lương - vành đai 3 sẽ đi vào đường Khuất Duy Tiến rồi ra đường Nguyễn Trãi để vào Hà Đông.
Tuy nhiên, về sau do tuyến đường Nguyễn Trãi lại có Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nên UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận cho buýt BRT được đi tiếp vào đường Lê Văn Lương kéo dài để xuống bến xe Yên Nghĩa.
Với đoạn từ đường Lê Văn Lương kéo dài đến bến xe Yên Nghĩa, do là tuyến đường mới hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng10/2010 nên mặt đường còn khá tốt.
Để không phải bóc mặt đường nhựa, sau khi lập phương án và đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB- nhà cung cấp vốn), Sở GTVT quyết định để buýt BRT đi chung đường tại dải phân cách giữa với các phương tiện khác.
Tuy nhiên, ông Hồi cũng cho biết thêm, tại các điểm dừng đỗ, nhà chờ (phạm vi 100 m) để giúp buýt BRT dừng, đỗ an toàn thì đường cũng sẽ được bóc nhựa để đổ đường bê tông.
“Nếu sau này sử dụng nền đường tại dải phân cách giữa hỏng, lún thì lúc đó mới tính đến phương án đổ bê tông cứng”, ông Hồi cho biết thêm.
Như vậy với diện tích mặt đường bị bóc rộng 3,5m dài 3 km, với đơn giá hiện nay thì Hà Nội đã lãng phí khoảng 12 tỷ đồng.