Phát triển thủy điện vẫn là việc nên làm

quoclong |

(Soha.vn) - Triển khai các dự án thủy điện là việc nên làm bởi nó khai thác được các tiềm năng tự nhiên sẵn có để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phát triển thủy điện cần phải đi đôi với vấn đề dân sinh và bảo vệ môi trường.

“Lý thuyết phải dựa trên thực tế”

Phát triển thủy điện vẫn là việc nên làm 1
Khu vực rừng và đồi núi sắp bị san để ngăn thành đập thủy điện (Trong ảnh: Dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân – Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Sơn).

Về những vấn đề bất cập lớn nhất hiện nay của việc triển khai xây dựng các dự án thủy điện tại nước ta, Tiến sĩ Ngô Quang Toàn – Trưởng đoàn Địa chất Hà Nội (thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam), người đã có nhiều năm làm công tác nghiên cứu, khảo sát về vấn đề địa chất trong xây dựng thủy điện cho rằng: 

Bất cập lớn nhất trong xây dựng thủy điện ở ta hiện nay là dù có chuyên gia lẫn nhà thầu thi công, nhưng chuyên gia cũng chỉ giỏi lý thuyết, trong khi nhiều nhà thi công thì lại giỏi trong khâu… làm láo. Nghĩa là trong quá trình thi công làm không đúng với thiết kế ban đầu nên mới dẫn đến những sự cố đáng tiếc”.

Để chứng minh, TS Ngô Quang Toàn lấy ví dụ cụ thể: “Tôi còn nhớ cách đây 3 – 4 năm, tôi được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng nhà thầu mời khảo sát nền địa chất cho dự án xây dựng một nhà máy thủy điện sắp xây dựng trên sông Năng (vườn quốc gia Ba Bể, thuộc tỉnh Bắc Kạn).

Sau khi khảo sát tôi nhận thấy dự án này không thể thực hiện được vì thiếu tính khả thi.
Chưa nói đến việc dự án thủy điện này có tác động đến vườn quốc gia Ba Bể hay không mà cái chính là nền địa chất để xây dựng nhà máy thủy điện thuộc loại địa hình các-tơ của đá vôi.

Các-tơ được hình thành do tác động của nước ngầm và nước mưa, dòng nước thấm vào các kẽ, các khe, khoét mòn đá tạo thành các hang động rộng và dài trong khối núi…

Về nguyên tắc, những địa hình dạng các-tơ này không thể xây dựng được đập chứa nước thủy điện vì nước sẽ theo các hang động các-tơ mà thoát hết, đập chắn trở thành vô ích. Trên thế giới không nước nào đi xây dựng thủy điện trên địa hình này cả.

Khi tôi khẳng định dự án không khả thi, nhà thầu thi công dự án có nói với tôi: “Anh ơi, em đã mất hàng tỷ đồng đầu tư vào công tác chuẩn bị và cả… bôi trơn để thực hiện dự án rồi đấy”.

Tôi hỏi lại: “Thế anh muốn mất một tỷ hay hàng chục, hàng trăm tỷ? Nếu anh vẫn triển khai xây dựng thủy điện trên địa hình này, anh sẽ mất hàng trăm tỷ vì nhà máy thủy điện không thể hoạt động…”.

Cũng theo TS Ngô Quang Toàn, hầu hết những ý kiến về dự án xây dựng thủy điện hiện nay cũng vẫn chưa thống nhất và đủ sức thuyết phục. Thường thì từ khâu khảo sát đến thi công, “mở móng”,… những chuyên gia không có mặt trực tiếp và đầy đủ, còn nhà thầu thi công thì nhiều khi tự ý bớt xén nguyên vật liệu, khiến công trình không đảm bảo đúng với thiết kế ban đầu. 

Khi sự cố xảy ra thì các chuyên gia cũng chỉ nói dựa trên… lý thuyết, còn nhà thi công thì cũng cố cãi theo… cái lý của mình.

Phát triển thủy điện vẫn là việc nên làm 2
Theo TS Ngô Quang Toàn, vấn đề của Sông Tranh là do nhà thi công không làm cửa thoát nước, lại không thông báo cho người dân về động đất kích thích chứ không phải nền đất yếu

Ngay như sự cố thủy điện sông Tranh 2 xảy ra ở Quảng Nam, có người cho rằng đập thủy điện này xây dựng trên nền địa chất yếu. Tôi khẳng định ý kiến trên là sai lầm.

Tôi là người đã trực tiếp khảo sát nền địa chất ở khu vực này rất kỹ, từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Đây là nền địa chất ổn định, nằm trên đá hoa cương, không thể gọi là yếu. Bởi vậy ý kiến cho rằng nền địa chất yếu chỉ là võ đoán, nói vu vơ.

Sự cố thủy điện sông Tranh 2 khiến người dân hoang mang một phần còn do nhà thi công không làm cửa thoát nước, lại không thông báo cho người dân về động đất kích thích, nên khi thấy nước tràn qua thân đập và xảy ra động đất thì dân sẽ hoang mang.

Còn nếu không cho tích nước thì cũng không được, người không tích thì trời cũng sẽ tích, đến mùa mưa lũ, nước sẽ dồn ứ về đập, đó là điều không thể tránh khỏi”, TS Ngô Quang Toàn cho biết.

Vẫn nên làm thủy điện

Phát triển thủy điện vẫn là việc nên làm 3
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng việc triển khai các dự án thủy điện ở Việt Nam hiện nay là nên làm bởi qua đây sẽ góp phần khai thác hợp lý các tiềm năng sẵn có của tự nhiên để đưa vào phát triển kinh tế.

Chú ý đến vấn đề dân sinh và bảo vệ môi trường

TS Ngô Quang Toàn (Tổng hội Địa chất Việt Nam): Phát triển thủy điện phải đi kèm với vấn đề dân sinh và bảo vệ môi trường. Nghĩa là phải làm sao để cuộc sống của người dân vùng đệm nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng ít nhất và đem lại lợi ích thiết thực nhất từ việc xây dựng các nhà máy thủy điện. Tôi thấy nhiều nơi, người dân vùng gần nhà máy thủy điện vẫn không có điện để dùng, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ môi trường cũng phải được đưa lên hàng đầu. Nếu dự án thủy điện nào mà mức ảnh hưởng, tác động đến môi trường lớn thì dứt khoát không nên làm bởi lợi ích từ xây dựng thủy điện quá nhỏ bé so với thiệt hại từ việc hủy hoại môi trường do nó gây ra.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh phân tích: “Hiện nay rất nhiều người cho rằng việc phát triển các dự án thủy điện là không cần thiết, thậm chí còn coi như là “thảm họa” bởi sự tàn phá môi trường và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh quá lớn mà lợi ích nó đem lại thực sự không được bao nhiêu. Tuy nhiên, theo tôi thì các quan điểm trên dù có lý nhưng chưa toàn diện và chưa nhìn thấy hết mọi vấn đề.

Từ cách đây hàng mấy chục năm, cho đến bây giờ vẫn vậy, thủy điện chính là động lực để phát triển kinh tế đất nước. Năm 1964, công trình thủy điện đầu tiên là thủy điện Thác Bà được xây dựng trên sông Chảy, lúc đó được xem như một sự kiện mang tính “cách mạng”.

Từ đó đến nay, rất nhiều nhà máy thủy điện khác được xây dựng với quy mô và công suất lớn hơn. Những lợi ích về mặt kinh tế cũng như xã hội mà thủy điện đem lại không hề nhỏ, nếu không muốn nói là động lực quan trọng để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng, sở dĩ có nhiều ý kiến tỏ ra e ngại về vấn đề xây dựng thủy điện hiện nay chính là do những bất cập trong quá trình triển khai một số dự án thủy điện gây ra. Trong quá trình triển khai đã thực hiện không đúng quy trình, khảo sát không kỹ, thi công không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt nên dẫn đến những sự cố, khiến dư luận hoang mang.

Tuy nhiên, theo tôi vẫn phải có cái nhìn tổng thể mang tính khoa học về thủy điện, không thể từ một vài trường hợp riêng biệt rồi khái quát chung cho tất cả, rằng tất cả dự án thủy điện đều thế…

Ngoài ra, hiện nay trong dư luận cũng xuất hiện rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, thiếu thống nhất, điều đó càng khiến vấn đề thêm rối. Vấn đề ở đây không phải là nên hay không nên phát triển thêm các dự án thủy điện mà là nên làm như thế nào để cân bằng hài hòa với bài toán dân sinh và bảo vệ môi trường”, TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại