Ngày 1.1, tin từ Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho hay, sau hàng loạt các vụ cháy xe máy xảy ra trong thời gian gần đây, đơn vị này đã tổ chức khảo sát, mua mẫu xăng để kiểm tra.
Theo đó, các đơn
vị này mua mẫu xăng tại các địa điểm bán xăng, dầu; lấy mẫu xăng của
phương tiện giao thông bị cháy (trường hợp còn xăng); lấy mẫu xăng ở địa
điểm bán mà trước đó chủ phương tiện bị cháy đã mua xăng.
Kết quả cho thấy, tại khu vực phía nam, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã khảo sát, mua mẫu xăng A92 của 9 cửa hàng bán xăng dầu thuộc huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, Q.Bình Tân, Q.12 và gửi Trung tâm Kỹ thuật 3 để thử nghiệm theo QCVN 1: 2009/BKHCN. Qua kiểm tra, xét nghiệm đã cho thấy trong số những mẫu xăng này có tới 4 mẫu không đạt về trị số octan; 1 mẫu có hàm lượng methanol...
Còn tại khu vực phía bắc, sau khi nhận tin xe máy biển số 30-F2 7879 bị cháy trên đường Thái Hà, Hà Nội (ngày 28.12.2011), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã đến hiện trường lấy mẫu xăng còn trong bình xăng xe máy và lấy mẫu tại cửa hàng xăng trước đó chủ xe đã mua (cửa hàng xăng dầu số 1, Lương Yên, Hà Nội của Cty xăng dầu khu vực I). Kết quả thử nghiệm xăng cho thấy các mẫu xăng so với QCVN 1:2009/BKHCN không có phát hiện chỉ tiêu chất lượng khác biệt.
Tuy nhiên, qua xem xét tại hiện trường
cho thấy, nhiều dây dẫn điện gần bình xăng chập cháy (ống dẫn xăng chưa
cháy) nên chủ phương tiện kịp thời dập tắt đám cháy, toàn bộ phần nhựa
đuôi xe, yên, dây điện bị cháy hoàn toàn.
Như vậy, dù chưa thể đưa ra
kết luận tổng thể về nguyên nhân của tất cả các vụ cháy xe gần đây, song
các chuyên gia của đơn vị này cho hay việc đấu nhiều các loại phụ kiện
liên quan đến thiết bị điện như đèn, còi... cũng là một phần nguyên nhân
gây chập điện và gây cháy xe.
Do đó các chuyên gia khuyến cáo cần tuân theo thiết kế ban đầu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng chủ phương tiện nhất là ôtô thì càng nên cẩn trọng vì những thiết bị điện lắp cho ôtô thường có công suất lớn hơn và mức độ nguy cơ cũng cao hơn.
Theo Thế Hải
Lao động