Xuất hiện “hố tử thần” trong đêm
Ông Dương Đức Hiền (thôn 2, xã Quý Lộc) nhớ lại giây phút kinh ngạc: Vào khoảng 4h sáng 28.10 khi ông đang ngủ thì nghe một âm thanh lớn, thấy có chuyện bất thường, ông lấy đèn pin đi ra xem đã xảy ra chuyện gì. Bất ngờ, hiện hữu trước mắt ông là một hố sâu rộng bằng một cái giếng hút xuống phía lòng đất. Ngay khi, ông hô hoán người thân và hàng xóm ra ngoài thì thấy miệng hố cứ thế lớn dần, đất vườn cứ thế bị lở xuống, cây cối bị mất hút dưới hố sâu. Lo sợ hố sâu kia sẽ “nuốt hết” đất vườn, nhà ở, ông cùng người thân hốt hoàng xúc đất nơi khác đổ vào hố, nhưng đổ bao nhiêu cũng không vừa, lượng đất đổ cứ như “muối bỏ bể”.
Chị Trịnh Thị Tình (gần nhà ông Hiền) cũng không khỏi bàng hoàng cho biết, khi đó, do sợ quá, mẹ con chị kéo nhau chạy ra khỏi nhà. Đến sáng thì bà con lối xóm đến giúp chị chuyển đồ đi nơi khác, tránh tình trạng hố lan rộng sẽ gây sập nhà.
Sau khi sự việc diễn ra, đại diện Sở TNMT Thanh Hóa, Sở KHCN, chính quyền địa phương đã đến kiểm tra và có thông báo ban đầu về tình hình hố sâu xuất hiện tại thôn 2 xã Quý Lộc. Theo đó, “hố tử thần” có đường kính rộng khoảng 10,4m, sâu 25m; mặt nước trong hố sụt có kích thước 4x6m. Đối với 4 hộ gia đình có vị trí gần hố sâu, tạm thời chính quyền địa phương đã sơ tán họ đến nơi ở khác và tích cực tuyên truyền, động viên các gia đình cũng như người dân ổn định tâm lý, tránh gây hoang mang. Lực lượng công an xã cũng tích cực thay nhau túc trực ngày đêm, hướng dẫn người dân lưu thông qua khu vực hố sâu, không cho ai lại gần khu vực nguy hiểm.
Ông Dương Đức Hiền cho biết, hố sụt lún trước vườn của gia đình ông vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. “Hố tử thần” đã làm nứt nhiều đoạn tường nhà của gia đình ông Trịnh Đình Nghị, cổng làm bằng bêtông của gia đình bà Trịnh Thị Quyền cũng đang nứt, có dấu hiệu dịch chuyển móng, nguy cơ đổ sập. Theo phân tích, vùng địa hình núi đá vôi qua thời gian phong hóa lâu dài thường tạo các hang động ngầm bên dưới, nhiều khả năng hiện tượng trên xảy ra là do địa chất bị tác động bởi thiên nhiên, con người như xây dựng công trình, đào ao, khoan giếng…, khiến lỗ hổng thông với hang ngầm gây ra sụt lún cục bộ.
Hiện tượng Caster?
Theo thông tin từ Sở TNMT Thanh Hoá, sau khi nghiên cứu hiện trường và qua báo cáo, Bộ TNMT đã xác định sự cố sụt lún và lan rộng tại xã Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa) là hiện tượng sụt lún Caster. Về phương án xử lý, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương khẳng định: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã chỉ đạo Liên đoàn Địa chất Bắc trung Bộ (tại Thanh Hóa) tiến hành đo đạc, khảo sát để xác định quy mô của hiện tượng Caster trên. Trong khoảng 1 tuần, Bộ TNMT sẽ có nhận định cụ thể về chuyên môn giúp Thanh Hóa để có phương án xử lý.
Ngày 3.11, hai đoàn công tác thuộc Viện Mỏ - Địa chất và Tổng cục Mỏ - Địa chất và Khoáng sản (Bộ TNMT) đã khảo sát và phát hiện một hang động Caster gần khu vực hố sụt lún. Hang Caster này nằm cách sông Mã khoảng 300m. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành đo đạc, xác định chi tiết về tác động của hang Caster này.
“Hố tử thần này có kích cỡ rất lớn. Một khối lượng đất nhiều như thế sụt xuống đổ dồn vào đâu? Chứng tỏ hang động ngầm ở dưới rỗng và kích thước nó cũng phải rất lớn. Như vậy, quy mô phát triển của nó sẽ rộng. Tôi e rằng sẽ không chỉ một hố đấy mà còn có thể phát triển nhiều hố xung quanh. Vì những cái đã xuất lộ có thể tránh nhưng những cái tiềm ẩn nằm trong hệ thống phát triển ngầm bên dưới có thể sụt tiếp, đây mới là cái thực sự đáng quan tâm cho an toàn của người dân”, TS Vũ Văn Bằng - GĐ Cty CP nghiên cứu môi trường Tia Đất bảo vệ sức khỏe - nói.