Bà Đoàn Thị Ngọ, Phó giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, miệng hầm bí mật này mới được phát hiện khi nhân viên dọn dẹp tòa nhà để trưng bày hình ảnh triển lãm. Hiện không có tài liệu hay nhân chứng sống nào có thể biết về đường hầm bí mật ở cung Nam Phương Hoàng Hậu.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, cung Nam Phương Hoàng Hậu ở Đà Lạt được sử dụng làm tòa nhà hữu nghị Việt - Xô. Hiện Bảo tàng Lâm Đồng quản lý dinh thự này.
Tòa dinh thự này ngày xưa là cung của hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại. Ảnh:Quốc Dũng
Bà Ngọ cho biết thêm, cung Nam Phương hoàng hậu tọa lạc trên ngọn đồi cao 1.550 mét so với mặt nước biển. Đây là vị trí đẹp, thoáng đãng, đứng ở cung Nam Phương có thể phóng tầm mắt nhìn tổng thể thành phố ngàn hoa.
Cung Nam Phương là một công trình kiến trúc khá bề thế về quy mô và mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp ở Đà Lạt. Tòa nhà này do thân phụ của bà Nam Phương (tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan) là ông đại điền chủ xứ Gò Công Nguyễn Hữu Hào xây tặng cho con gái của mình vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20.
Lối vào miệng hầm bí mật, hiện chưa được khai phá, nghiên cứu. Ảnh:Quốc Dũng
Nhiều giả thiết cho rằng đường hầm trú ẩn này có thể liên thông với những dinh thự của vua Bảo Đại trước đây như Dinh 1 - nơi làm việc của vua Bảo Đại và sau đó là nơi nghỉ ngơi của tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm; và Dinh 2, còn gọi là Dinh toàn quyền Đông Dương. Ngoài ra còn có thể dẫn tới một số địa điểm quan trọng thời bấy giờ. Bảo tàng Lâm Đồng đang có những chuẩn bị nghiên cứu và khai thông đường hầm với mong muốn đưa vào phục vụ khách tham quan.
Theo VNE