Phát biểu của Thủ tướng là suy nghĩ của hàng triệu người Việt Nam

Minh Quân |

(Soha.vn) - Quan chức Quốc hội cho rằng việc đáp trả thích đáng của tàu kiểm ngư Việt Nam trước hành động ngang ngược của Trung Quốc là biện pháp cụ thể sau tuyên bố của Thủ tướng.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Trí Thức Trẻ, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, phát biểu của Thủ tướng tại diễn đàn quan trọng – hội nghị cấp cao ASEAN sáng 11/5 vừa qua là rất kịp thời.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

“Trong nội dung bài phát biểu, Thủ tướng đã thông tin bản chất sự việc đang diễn ra ở biển Đông đồng thời đánh giá Trung Quốc đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước về Luật biển năm 1982. Thậm chí, họ còn vi phạm tuyên bố chung về ứng xử ở biển Đông mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.

Thủ tướng nhấn mạnh dù Việt Nam rất mong muốn giải quyết vấn đề bằng hòa bình, song lãnh thổ là thiêng liêng và chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Tôi cho rằng đó là những phát biểu rất kịp thời, đúng sự thật, rõ ràng, kiên quyết và có trách nhiệm. Đó cũng là suy nghĩ của hàng triệu người Việt Nam vào giờ phút này.

Đó là thông điệp quan trọng để gửi tới các nước trên thế giới, để họ hiểu rõ hơn về bản chất sự việc và có thái độ tích cực, ủng hộ lẽ phải trong xử lý vấn đề này”, ông Hùng nói.

- Vậy theo ông động thái tiếp theo của ta là gì?

Chắc chắn chúng ta phải theo dõi sát tình hình. Các lực lượng chức năng phải có sự phân công, phối hợp để đảm bảo tốt nhất yêu cầu bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Một việc quan trọng không kém nữa là ta phải chủ động thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân ở trong nước về tình hình sự việc, nhất là những diễn biến có tính cập nhật để người dân hiểu rõ hơn các vấn đề, từ đó có sự thống nhất trong tình cảm, trong suy nghĩ, hành động để cùng nhau bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Ta cũng phải chủ động thông tin, tuyên truyền ở các nước trên thế giới về diễn biến tiếp theo của sự việc để tránh tình huống dư luận thế giới hiểu không đúng, không đầy đủ về các vấn đề nhất là khi giới chức Trung Quốc có những tuyên bố vu khống, đổ lỗi cho chúng ta.

Việt Nam cũng nên có những sự chủ động trong đấu tranh pháp lý. Nếu cần thiết, ta cũng phải nghĩ tới phương án kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hành vi xâm phạm của họ.

- Nếu chúng ta thắng kiện, ai sẽ gây sức ép để Trung Quốc ngừng gây hấn, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, thưa ông?

Bắc Kinh lu loa đổ lỗi Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc

Tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục uy hiếp tàu Việt Nam tại khu vực giàn khoan

Nếu ta thắng kiện, tôi nghĩ các nước trên thế giới từ lớn đến nhỏ đều có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện luật pháp quốc tế.

- Theo ông, Trung Quốc đang tự làm xấu đi hình ảnh của họ?

Đúng vậy. Hành vi xâm phạm của Trung Quốc vừa qua với các lực lượng tỏ ra rất hung hăng đã làm xấu đi hình ảnh của chính họ. Dư luận quốc tế có đủ thông tin và đủ sáng suốt trong việc đánh giá đúng, sai, hình ảnh của Trung Quốc.

- Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các vụ tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, thể hiện ASEAN ngày càng siết chặt lập trường. Ông có bình luận gì về tuyên bố báo động tranh chấp ở biển Đông của ASEAN?

Tôi cho rằng đó cũng là sự quan tâm hết sức kịp thời của các nước ASEAN, đồng thời nó thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa các quốc gia thuộc ASEAN. Tôi mong rằng các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục quan tâm tới vấn đề này với tinh thần đoàn kết, thống nhất, tôn trọng luật pháp quốc tế.

- Theo ông các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản hay Liên minh Châu Âu sẽ phản ứng, hành động ra sao nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động không thể chấp nhận được ở vùng biển của Việt Nam?

Tôi nghĩ các quốc gia đó với trách nhiệm của họ đều sẽ bày tỏ quan điểm riêng về vấn đề này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từng ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại và cho rằng hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở khu vực và nhấn mạnh các bên cần giải quyết bằng hòa bình, không nên dùng vũ lực.

Và tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm đó. Một khi chúng ta giải quyết bằng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, chắc chắn sẽ có vai trò, sự tham gia của các nước trên.

- Nếu ra tòa án quốc tế, nội dung chúng ta kiện Trung Quốc là gì và họ sẽ sử dụng “lá bài” nào để đối phó thưa ông?

Về nội dung khởi kiện, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu kỹ trước khi ra tòa. Theo tôi, chúng ta kiện trên cơ sở pháp lý, các quy định của công ước quốc tế về luật biển để khẳng định chủ quyền của ta với Hoàng Sa, Trường Sa.

Chắc chắn Trung Quốc sẽ phản đối, nhưng quyền khởi kiện là quyền của mỗi quốc gia. Họ có thể phản đối, nhưng không thể ngăn cấm ta làm việc đó.

Chúng ta cũng nên tham khảo, nghiên cứu những gì Philippines từng làm để có sự chuẩn bị, bước đi đứng đắn, phù hợp khi ra tòa án quốc tế.

- Ông nghĩ sao về việc người dân xuống đường phản đối Trung Quốc trong những ngày qua?

Tôi trân trọng điều đó bởi người dân có quyền biểu thị thái độ trước sự việc này. Việc người dân biểu hiện thái độ của mình trong những ngày qua, tôi cho rằng đó là biểu hiện của lòng yêu nước. Việc đó có thể gây những tác động khiến Trung Quốc có những phản ứng, nhưng người dân của mình có quyền của mình chứ.

- Xin cảm ơn ông!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại