Phản văn hóa trong công trình văn hoá chục ngàn tỷ

Theo Kiến thức |

"Không phải cứ xây nhà hát thật là to, thật là hoành tráng thì người ta sẽ tìm đến với văn hóa, giữ gìn được văn hóa", TS Hoàng Chương chia sẻ.

Đến nhà hát để ăn nhậu, cà phê, thuốc lá

Đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 1012 - 2020" vừa được phê duyệt với kinh phí 10.800 tỷ đồng. Trong khi câu chuyện về 11.000 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới, chuyện nhà hát nghìn tỷ biến thành nơi tổ chức sự kiện, đám cưới... thì đề án này khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ông nghĩ sao?

Tôi không tham gia vào những kế hoạch của Nhà nước và cũng không phải việc của mình. Tôi là một nhà khoa học. Tôi không thích nói vào chuyện của người ta. Tôi chỉ biết thực trạng sử dụng các công trình văn hóa như thế nào, sử dụng như thế nào cho đúng. Tôi không quan tâm đến đề án cũng như không quan tâm đến hàng chục ngàn tỷ đồng đó.

Vậy theo ông, các công trình văn hóa hiện nay đã được sử dụng hiệu quả chưa?

Tôi nói về nhà hát. Có những nhà hát rất đường hoàng nhưng không dùng hết công suất. Ví dụ như xây dựng Nhà hát Đại Nam thành một nhà hát hoành tráng, có quy mô hiện đại thì lại không phải lúc nào cũng sáng đèn về hát chèo mà sử dụng sang các mục đích khác là chính. Nhà hát Kim Mã là một trong những nhà hát khang trang của Hà Nội nhưng cũng không sáng đèn thường xuyên mà biến thành nơi bán cà phê, ăn uống, bán hoa, cây cảnh...

Theo đúng nghĩa thì nhà hát phải thế nào thưa ông?

Biến nhà hát thành chỗ ăn uống, kinh doanh dịch vụ thương mại là không đúng. Bảo nghèo nên đành phải làm vậy thì không nên. Bởi nghệ thuật phải là nghệ thuật. Không gian đó phải là không gian nghệ thuật. Không thể có chuyện đến nhà hát để ăn nhậu, để cà phê, thuốc lá...

Mâu thuẫn lạ lùng 

Ông thấy có điều gì phải suy nghĩ về đề án 10.800 tỷ đồng này không?

Chúng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đề cao văn hóa dân tộc. Lấy văn hóa dân tộc để đối trọng lại với văn hóa ngoại lai, văn hóa thương mại du nhập theo hình thức phi văn hóa. Ấy thế mà lại xây dựng những nhà hát tầm cỡ hoành tráng để bảo tồn văn hóa dân tộc thì tôi thấy là sự mâu thuẫn lạ lùng.

Thế nhưng không xây nhà hát thì nghệ sỹ lại kêu không có chỗ để diễn?

Thế giới công nhận ca trù, quan họ, hát xoan... là di sản văn hóa nhân loại. Thế nhưng, cái mà thế giới công nhận thì lại không có chỗ để diễn. Những người làm nghệ thuật đó gặp phải khó khăn ghê gớm là không biết sinh hoạt ở đâu cả.

Các nhóm ca trù cũng từng nhóm, từng câu lạc bộ đi diễn ở chùa, ở đình thậm chí là ở nhà riêng. Nghĩa là diễn văn hóa ở trong không gian không phải là văn hóa của môn nghệ thuật đó. Và vì họ không có địa điểm diễn nên cứ ở đâu mời tới thì họ diễn.

Nghĩa là chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn cứ thừa, đầu tư xây dựng không đúng chỗ?

Nghệ thuật dân gian gắn liền với sinh hoạt của nhân dân. Nó không phải là các vở Opera hay nhạc giao hưởng để phải vào các nhà hát lung linh đồ sộ thưởng thức. Thế thì phải tạo không gian cho những môn nghệ thuật đã được thế giới công nhận là di sản để họ phát huy. Làm sao phải có chính sách ưu đãi khuyến khích họ. Chứ không phải bỏ tiền ra xây những nhà hát hoành tráng, hiện đại là có thể bảo tồn được. Nhà hát chèo mà xây dựng như nhà hát Opera là không được rồi.

GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Chẳng ai đến nhà hát

Tôi tự hỏi, tại sao nhà hát đẹp thế, khang trang thế lại không có khán giả?

Bởi nghệ thuật truyền thống không được thế hệ trẻ quan tâm tới. Chỉ một số tầng lớp cao niên đi xem nghệ thuật truyền thống. Nhưng đi xem trong thời điểm này lại càng khó khăn. Vì bước ra đường là sợ đụng xe, không ai dám ra đường nữa. Sự lộn xộn như vậy khiến người có tuổi ngại.

Thế thì đáng buồn quá!

Sân khấu mà không có khán giả thì sân khấu chết. Nên có rạp chỉ có 5 - 7 ông Tây ngồi xem thôi. Bởi thế có thể khẳng định hiện nay không thiếu nhà hát, mà thừa. Chỉ thiếu không gian, thiếu địa chỉ để sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thực sự mà thôi.

Như vậy có thể nói, sau khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng, vì không sử dụng hết công năng của nó nên người ta chuyển sang kinh doanh cũng là điều dễ hiểu?

Bỏ không thì cũng lãng phí. Vì không biểu diễn được thì phải kinh doanh, hội nghị, làm đám cưới, tiệc tùng... Nhưng qua đó để xem lại cách đầu tư, cách làm, cách thực hiện bảo tồn văn hóa của ta hiện nay.

Phản văn hóa ngay trong công trình văn hóa

Ông đánh giá thế nào về công tác bảo tồn các công trình văn hóa hiện nay?

Công trình văn hóa gồm đình chùa, miếu mạo, nhà hát, rạp phim... rất phong phú. Nhưng đôi khi ta có nhầm lẫn trong cách bảo tồn. Ví dụ, cổng làng là biểu trưng cho văn hóa làng xã. Bước qua cái cổng làng là bước vào một thế giới sinh hoạt cộng đồng chứa đựng văn hóa riêng biệt.

Ấy thế mà nhiều nơi thấy cổng làng cũ thì đập đi xây mới. Xây một cái cổng làng cao to lừng lững uy nghi thì nó lại là phản văn hóa. Tưởng là làm cho nó đẹp, khang trang hiện đại hơn nhưng lại là mất văn hóa.

Rõ ràng không phải đầu tư nhiều tiền là mua được, giữ được văn hóa?

Đúng thế. Có một số nơi họ đập hết cổng cũ tường cũ của chùa. Phá tan đi cái mộc mạc linh thiêng của không gian chùa, biến nó thành một lâu đài lộng lẫy thì nó không còn là chùa nữa rồi. Rõ ràng, không phải cứ có tiền là giữ được văn hóa.

Vậy theo ông, để giữ được văn hóa cần phải làm gì?

Phải bảo tồn được vốn cổ thì mới là giữ văn hóa. Cái khó nhất là bảo tồn vì một số nghệ nhân có nghề nhưng họ già yếu rồi. Ví dụ như hát xẩm là một hình thức nghệ thuật độc đáo nhất của Việt Nam. Người còn lại duy nhất là bà Hà Thị Cầu.

Nhưng bà ấy cũng sắp chết rồi. Bà ấy chết đi rồi thì còn mấy ai truyền nghề hát xẩm nữa. Hàng trăm điệu hát, kiểu hát, ai sẽ là người lưu giữ lại. Tuồng chèo hay cải lương cũng vậy. Phải bỏ công bỏ sức bảo tồn là quan trọng nhất chứ không phải quăng tiền ra là làm được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại