Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, tàu Trung Quốc đã xuất hiện tại khu vực cách bờ biển phía Tây Bắc Nhật Bản 300km – nơi nhà máy hạt nhân Fukushima bị rò rỉ phóng xạ trên không, mặt đất, và trên biển.
Nhật Bản cho rằng Trung Quốc nên xin phép khi tàu trên đi vào vùng Đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Nhật Bản tại vùng biển Kinkazan, thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi.
“Chúng tôi không thể cho phép hoạt động nghiên cứu khoa học khi chưa có sự đồng ý của chúng tôi”, hãng thông tấn Jiji Press dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yukio Edano.
“Chúng tôi đã đưa ra cảnh báo và đã liên lạc qua các kênh ngoại giao”, phát ngôn viên Yukio Edano cho biết thêm.
Theo quan chức này, tàu trên được xác nhận là tàu hải dương học của Trung Quốc có tên Nanfeng. “Tàu đã phát tín hiệu trở lại rằng họ ở bên ngoài khu vực Đặc quyền kinh tế 200 hải lý và đang lấy mẫu nước để kiểm tra”, và tàu đã rời đi sau đó.
Báo chí Trung Quốc đưa tin, tàu này thực hiện sứ mệnh tại Thái Bình Dương với nhiệm vụ kiểm tra nguồn nước bị nhiễm xạ.
Trận động đất và sóng thần hôm 11/3 tại Nhật Bản đã làm hủy hoại nhà máy hạt nhân Fukushima, gây ra hiện tượng nhiễm xạ, buộc Nhật Bản phải đóng cửa các lò phản ứng.
Bắc Kinh và Tokyo có tranh chấp về vùng biển trong nhiều năm qua. Nhật Bản thường bày tỏ lo ngại về chi tiêu quốc phòng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Ngày 21/6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã phát hiện 11 tàu chiến của Trung Quốc trong vùng lãnh hải quốc tế ngoài khơi đảo Okinawa ở phía nam Nhật Bản.
Tuy các tàu này không xâm phạm lãnh hải Nhật Bản nhưng việc nhiều tàu chiến tập trung sát vùng biển chủ quyền khiến nước này không khỏi gây lo lắng bởi 2 nước đang tranh chấp một số đảo. Tàu tuần tra bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển trong vòng 4 giờ sau đó.
Căng thẳng tại Biển Đông leo thang trong những tuần gần đây khi Việt Nam và Philippines phản đối quan điểm và các động thái ngày càng gây hấn của Trung Quốc tại khu vực chiến lược này.
Khi những căng thẳng trên biển Đông với Việt Nam và Philippines còn chưa lắng xuống, Trung Quốc lại có những động thái trên biển, gây lo ngại với Nhật Bản. Tất cả những biểu hiện ấy khiến thế giới không khỏi hoài nghi về tương lai đầy sóng gió ở Tây Thái Bình Dương mà nguyên nhân là Trung Quốc.
Theo Vitinf/AFP