Phải làm rõ khoản lãi của Petrolimex

vytran |

Vì sao liên tục kêu lỗ nhưng nay Petrolimex lại công bố con số lãi “khủng” trước thời điểm chuyển sang cổ phần?

Petrolimex xác nhận năm 2008 kinh doanh lỗ nhưng “sự trợ giúp” của Nhà nước khiến phát sinh lãi. Điều này có bình thường?

Mập mờ...

Cách đây mấy tháng, khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, giá trong nước vẫn giữ nguyên, trong một buổi họp báo, lãnh đạo Petrolimex đã kêu “sức chịu đựng của Petrolimex có hạn” và khả năng doanh nghiệp (DN) này không có đủ nguồn lực ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. Kết quả, giá xăng dầu sau đó đã được điều chỉnh tăng...

Đó không chỉ là lần duy nhất Petrolimex kêu và sau đó lãi vì cả năm 2009 và 2010, dù giá chưa được điều hành theo thị trường thực thụ nhưng Petrolimex và nhiều DN kinh doanh xăng dầu đầu mối khác cũng lãi không nhỏ.

Petrolimex lãi lớn là do tái xuất xăng dầu?

Trao đổi với PV về thông tin Petrolimex lãi lớn trong khi thông tin họ đưa ra cho các cơ quan nhà nước thường là lỗ, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - tổ trưởng tổ giám sát giá xăng dầu liên bộ Tài chính - Công thương, khẳng định sở dĩ Petrolimex lãi được con số lớn như thế không phải nhờ kinh doanh xăng dầu trong nước mà là tái xuất xăng dầu...

Tuy nhiên, theo tài liệu được Petrolimex công bố, sản lượng xăng dầu tái xuất và chuyển khẩu rất nhỏ so với nhập về tiêu thụ tại nội địa.

Chẳng hạn, năm 2008 xuất bán nội địa 6,83 triệu m3 xăng dầu thì chỉ có 1,5 triệu m3 cho tái xuất và chuyển khẩu. Năm 2009 nội địa tiêu thụ 7,43 triệu m3 thì tái xuất và chuyển khẩu chỉ 1,89 triệu m3. Năm 2010, tiêu thụ 7,62 triệu m3 thì tái xuất là 1,3 triệu m3.

Một quan chức Bộ Tài chính khác tiết lộ, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Petrolimex và nhiều DN kinh doanh xăng dầu đầu mối có thể có lãi lớn như thế là khả năng cân đối để bù lại mức lỗ đã phải chịu thời gian trước.

Việc lỗ khi phải giữ giá là có thật, tuy nhiên họ không công bố cụ thể thời điểm nhập, số lượng nhập lúc giá cao là bao nhiêu. Khi giá cao, doanh nghiệp dự trữ ở mức thấp, khi giá giảm, họ dự trữ nhiều hơn. Nên lỗ có thể không lớn như mức mọi người vẫn tưởng.

Một chuyên gia đặt vấn đề phải chăng Petrolimex được hưởng một cơ chế riêng đặc biệt bởi năm 2008 tất cả đầu mối đều lỗ vì giá thế giới tăng cao.

“Từ kinh doanh thực tế lỗ cả chục nghìn tỉ đồng, rồi được hỗ trợ từ Nhà nước thế nào đó biến thành lãi trên 900 tỉ đồng là chuyện không thể hiểu được. Như vậy còn các đầu mối khác cũng lỗ thì sẽ thế nào? Phải minh bạch chuyện này ra” - chuyên gia này đặt vấn đề.

Sẽ tiếp tục lãi lớn

Trao đổi với PV hôm 14/7 tại TP.HCM, ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng giám đốc Petrolimex - xác nhận 6 tháng đầu năm lỗ khoảng 1.500 tỉ đồng, và khoản lỗ trong năm tháng đầu năm được Nhà nước xử lý.

Tuy nhiên, hầu hết các đầu mối xăng dầu phía Nam đều khẳng định chưa nhận được thông tin nào từ Bộ Tài chính giải thích việc xử lý khoản lỗ này. Có DN còn băn khoăn không biết là việc “xử lý” này cho tất cả hay chỉ riêng Petrolimex.

“Tại sao có văn bản gửi cho Petrolimex xử lý lỗ mà các DN khác không biết?” - một DN đầu mối băn khoăn.

Ông Nguyễn Lộc An - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương - cũng công nhận trong nghị quyết 11/NQ-CP có nêu trong năm 2012 sẽ dần đưa giá xăng, điện theo thị trường. Và lợi nhuận của DN, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng đã có đầu mối theo dõi giám sát.

Ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng Bộ Công thương - trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Petrolimex tại Hà Nội tuần trước cũng khẳng định, việc điều hành thời gian tới sẽ đảm bảo hài hòa quyền lợi Nhà nước, DN, người tiêu dùng theo hướng phải đảm bảo cho DN có tích lũy theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt vấn đề: cơ chế kinh doanh xăng dầu có bình thường không, khi mà năm tháng đầu năm DN lỗ thì được cơ quan chức năng hứa “xử lý”, còn lúc lãi trong tháng 6 thì Nhà nước không cho giảm giá bán lẻ?

Hiện nay mua xăng dầu người tiêu dùng vẫn phải chi thêm tiền để lập quỹ bình ổn nhằm phòng khi giá tăng đột biến. Nhà nước thì chưa tăng thêm thuế. Sẽ vô cùng bất hợp lý khi DN lãi dựa trên những sự hỗ trợ này.

Theo TS Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, vấn đề là sự minh bạch và có giải thích hợp lý. “Điều mà người dân cần giờ đây là có một cơ quan độc lập xác minh những lần tăng giá xăng của DN có chính xác hay không” - ông Ánh nhấn mạnh.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ: Sẽ kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu

Ngày 18/7, trao đổi với PV, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vương Đình Huệ cho biết ngày 22/7, KTNN bắt đầu tiến hành kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu, cuộc kiểm toán này có liên quan đến nhiều vấn đề khác gồm cả việc kiểm toán các DN là đầu mối nhập khẩu xăng dầu sử dụng quỹ bình ổn giá này chứ không riêng gì Petrolimex.

Theo đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán toàn bộ các khoản liên quan đến doanh thu, chi phí, lợi nhuận của các DN, trong đó có Petrolimex, nên không cần phải kiểm toán báo cáo tài chính của Petrolimex cũng nắm được vấn đề lỗ lãi. KTNN sẽ làm rõ việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu của các DN như thế nào, giá cả thực tế như thế nào, chi phí ra sao, đã sử dụng nguồn tiền từ quỹ bình ổn giá bao nhiêu... Khi kiểm toán xong, KTNN sẽ có đánh giá việc sử dụng quỹ cũng như tình hình tài chính các DN.

Theo Tuổi Trẻ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại