Hiện nay, tại một số địa phương đang xảy ra một vài vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích dẫn đến công trình bị biến dạng, sai lệch và mất mát nhiều giá trị vốn có. Tuy nhiên, việc tùy tiện tháo dỡ nhiều hạng mục công trình cổ, những di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia rồi dựng mới mà chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng khiến những người trân trọng nghệ thuật, trân trọng lịch sử không khỏi xót xa, bàng hoàng.
Song khi được hỏi trách nhiệm thuộc về ai hay lại rơi vào tình trạng “hòa cả làng” và dù có truy cứu ra trách nhiệm thì tất cả cũng rơi vào hoàn cảnh "sự đã rồi", không có cách nào cứu vát, tất cả đã trở thành dĩ vãng.
Chùa Trăm Gian: Ngàn năm tuổi bị đánh sập trong chốc lát
Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), xây dựng từ thời Lý đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia ngót nửa thế kỷ.
Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng là di tích quốc gia từ hơn 40 năm qua. Chùa Trăm Gian, tính theo 4 cái cột là một gian, thì nó có tới 104 gian! Số tượng Phật ở đây lên tới 153 pho được làm bằng gỗ quý hiếm và đất nung.
Đặc biệt có tượng Tuyết Sơn bằng gỗ mun với nét điêu khắc của thế kỷ XVIII, pho tượng đô đốc Đặng Tiến Đông được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về trình độ nghệ thuật điêu khắc.
Vậy mà thời gian qua, ngôi chùa này liên tục bị trùng tu tôn tạo theo kiểu phá hoàn toàn để xây mới. Thế nhưng khi sự việc bị phát hiện thì tình trạng đã “lỡ” rồi, đành lặng lẽ... rút kinh nghiệm, bỏ qua?
Gác khánh thâm nghiêm, cổ kính trước khi bị phá bỏ để xây mới lại vẫn còn vững chãi, thế nhưng không biết vì sao "nhà chùa" vẫn phá bỏ
Điển hình như trước đây nhà chùa đã trùng tu sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng ximăng, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng; xây mới các dãy hành lang đánh bóng cột kèo bằng vécni.Chưa hết, giờ đây nhà chùa lại tiếp tục phá bỏ toàn bộ nhà tổ và gác khánh ngàn tuổi để thay vào đó là những vật liệu xây dựng mới hoàn toàn.
Giờ đây công trình ngàn năm tuổi đã bị đập bỏ để xây dựng lại
Khi sự việc đang diễn ra, ông Vũ Văn Doãn, Chủ tịch xã Tiên Phương lúc làm việc với báo giới lại cho rằng không biết bất cứ thông tin gì về việc chùa Trăm Gian đang được “trùng tu”?... “Muốn biết thì các đồng chí… hỏi nhà chùa”.
Cổng trong di tích vị vua cuối cùng của Việt Nam bị phá để xe tải đi qua
Nhiều người dân phường 9 (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) đã bức xúc phản ánh công trình cổng Bảo Đại (vị trí nối giữa đường Hùng Vương với đường Trần Thái Tông) vừa bị chính quyền địa phương tháo dỡ, phá bỏ.
Cổng Bảo Đại dẫn vào khu săn bắn và “ao vua Bảo Đại” đã bị đập bỏ
Cổng Bảo Đại là tên người dân Đà Lạt quen gọi để chỉ cổng dẫn vào khu vực trước đây vua Bảo Đại thường đi săn bắn, nghỉ ngơi. Đây là một công trình có lối kiến trúc cổ, mái vòm.
Theo một số người dân địa phương, cổng Bảo Đại đã có từ lâu và được người dân trong vùng xem như là một di tích lịch sử, văn hóa về triều đại của vị vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên do cổng này khá thấp nên trước đây có một số xe tải đi qua đã khiến cổng bị nứt, nghiêng phần mái vòm và có nguy cơ đổ sập nên người dân đã báo chính quyền trùng tu, sửa chữa lại.
Nỗi xót xa mang tên chùa Tùng Vân
Chùa Tùng Vân nằm trên địa bàn thị trấn Thổ Tang, là ngôi chùa cổ, lớn nhất huyện Vĩnh Tường, xây dựng cách đây 327 năm vào thời Vua Lê Huy Tông, được ghi vào danh mục di tích văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964.
Nét rêu phong của Chùa Tùng Vân của "thời xa vắng"
Chùa nổi tiếng với một số pho tượng bằng đất nung, trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có niên đại cách đây gần 300 năm. Những du khách từng đến chùa Tùng Vân trước năm 2008 đều không thể quên dáng vẻ cổ kính, rêu phong của chùa.
Ngôi chùa cổ bị đập đi và thay thế bằng ngôi chùa vững chắc khăng trang có điều hòa nhiệt độ.
Thế nhưng giờ đây về với Thổ Tang, người ta hoàn toàn bất ngờ khi ngôi chùa cổ xưa giờ đã được xây dựng lại thành một ngôi chùa lộng lẫy. Toàn bộ ngôi chùa được nâng lên cao hơn 1m so với kết cấu cũ.
Các cột gỗ cũ được nối bởi các cột đá có chạm trổ điêu khắc. Nhiều cột đá mới được dựng lên cùng với các bệ thờ cũng được làm mới bằng đá có hoa văn điêu khắc chạm trổ công phu. Hệ thống tượng trong chùa phần lớn đã được sơn lại. Một bà vãi đang quét dọn chùa cho biết, tượng đất đã được sư thầy đập đi để thay bằng các tượng mới.
Ông Nguyễn Văn Nhặt - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn - cho biết: "Kinh phí để xây dựng lại chùa Đại An lên đến hơn 700 triệu đồng do nhân dân và khách thập phương đóng góp.Vì sợ chùa xuống cấp dẫn đến đổ sụp nên chính quyền đã quyết định cho thi công trước khi được sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền".
Trước thực trạng đáng buồn trên, các nhà sử học, nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống cũng chỉ biết thở dài ngao ngán và đau xót. Song không chỉ tại các địa phương, nhận thức của người dân còn hạn chế mà ngay giữa thủ đô, một ngôi đình cổ nằm cách xa bờ hồ Hoàn Kiếm vài cây số cũng vừa bị người ta làm lại, xây mới. Đó là di tích đình Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Mỗi công trình kiến trúc cổ không chỉ là một nguồn tài sản của quốc gia mà còn là một di sản của thế giới. Việc phá hoại vô lối đã mang lại hình ảnh xấu không chỉ với một cá nhân, một địa phương mà nó còn phản ánh ý thức văn hóa của cả một dân tộc. Từ những bài học trên, có chăng nên tổ chức một quá trình đào tạo triệt để tới các cấp chính quyền và những người có trách nhiệm trong việc bảo vệ, tôn tạo các di tích văn hóa, di tích lịch sử?