PGS Văn Như Cương: “Trường chúng tôi không chấp nhận HS nói tục”

Thiên Di |

(Soha.vn) - PGS cho rằng, 40-50% học sinh dùng facebook mà cha mẹ không kiểm soát được. Trường học là nhà quản lý giáo dục nên có quyền, trách nhiệm ra quy định để giáo dục HS.

Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) vừa đưa ra “Những điều “cấm kỵ” khi lên facebook” cho học sinh được đăng tải trên trang của trường. Đây được coi là trường học đầu tiên ở Việt Nam cấm học sinh nói xấu trên facebook. Thông tin khiến cộng đồng mạng dậy sóng, tranh cãi nhiều ý kiến trái chiều.

Để có cái nhìn khách quan hơn, phóng viên Soha News đã có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng nhà trường về vấn đề này.

Trường THPT Lương Thế Vinh đưa ra những điều cấm kỵ khi lên facebook dành cho học sinh. (ảnh chụp từ web trường).

Trường THPT Lương Thế Vinh đưa ra những điều cấm kỵ khi lên facebook dành cho học sinh. (ảnh chụp từ web trường).

PV: Lý do nào nhà trường đưa ra những quy định như thế, thưa thầy?

PGS Văn Như Cương: Đó là những điều “cấm kỵ” khi các em sử dụng facebook chứ không phải quy định cấm học sinh không được dùng facebook. Chúng tôi chưa ra văn bản quy định, đó chỉ là “phép thử” để học sinh thảo luận, đóng góp ý kiến. Sau đó, tôi sẽ chỉnh sửa thành nội quy.

Nói tục, chửi thề trên facebook là không thể chấp nhận được. Tất cả trường học ở Việt Nam đều có nội quy học sinh không được nói bậy trong trường học và học sinh phải tuân thủ không chỉ trong trường mà ngoài trường, trên mạng để giáo dục văn hóa cho thanh niên. Nếu không xã hội sẽ có một thế hệ toàn chửi thề.

Hiện nay, có khoảng 40 – 50% học sinh dùng facebook mà cha mẹ không kiểm soát được. Học sinh giúp đỡ nhau học tập, kết nối với thầy giáo, tâm sự, chia sẻ sẽ rất tốt, có lợi nếu đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiện nay xã hội lộn xộn, mạng xã hội bùng nổ, học sinh sẽ khó kiểm soát và dẫn đến nhiều hành động thiếu suy nghĩ như xúc phạm thầy cô, bạn bè, gia đình trên facebook…

PV: Nhiều người cho rằng facebook là quyền riêng tư, cá nhân của mỗi người, nhà trường không thể cấm được, thầy nghĩ sao?

PGS Văn Như Cương: Chúng tôi là nhà trường, chúng tôi có quyền. Nhà trường có nhiệm vụ giáo dục và uốn nắn hành vi, cư xử của học trò. Nếu không tuân thủ là phạm nội quy. Trường chúng tôi cương quyết không chấp nhận một học sinh chửi thề, nói tục. 

Người ta quy định đi bên phải đường, anh không đi được thì anh có thể đi bên trái đường. Như một số trường bên Anh họ đã cấm học sinh sử dụng facebook.

Chúng tôi không cấm học sinh sử dụng facebook mà chỉ cấm không dùng ngôn ngữ, hành vi như nói tục, chửi bậy, vu khống, nói xấu thầy cô, bạn bè…trên facbook.

Thầy Văn Như Cương cho rằng, học sinh nói tục, chửi thề là không thể chấp nhận được (ảnh nguồn internet).

Thầy Văn Như Cương cho rằng, học sinh nói tục, chửi thề là không thể chấp nhận được (ảnh nguồn internet).

PV: Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh phản ứng thế nào khi nhà trường đưa ra 4 điều “cấm kỵ” này?

PGS Văn Như Cương: Học sinh phản ứng tốt, vài em hiểu nhầm rằng cấm sử dụng. Chúng tôi sẽ đưa đến các lớp cho cô giáo chủ nhiệm và học sinh thảo luận, bàn bạc, đóng góp ý kiến về những điều ứng xử với facebook như thế nào, bình luận với ngôn ngữ như thế nào, sử dụng facebook bao nhiêu phút/ ngày thì hợp lý hoặc khi viết phải tự chịu trách nhiệm về câu nói đó…Sau đó, chúng tôi xem xét và đưa ra văn bản nội quy trong trường.

PV: Gần đây, một học sinh lớp 8 thóa mạ thầy cô, nhà trường trên facebook, thầy nghĩ sao?

PGS Văn Như Cương: Tôi không chấp nhận được hành vi học sinh này dùng tuyên ngôn độc lập để “chế” thành “Tuyên ngôn” xúc phạm nhà trường, thầy cô. Bản thân trường tôi đã từng đình chỉ 1 năm học đối với 2 học sinh vì những hành vi tương tự.

PV: Thầy đánh giá như thế nào về một bộ phận giới trẻ vô tư nói tục, chửi bậy?

PGS Văn Như Cương: Tôi bất ngờ về lời bình luận của một thanh niên trên mạng: “Tại sao lại cấm? Mồm tôi tôi chửi”, hay là “đánh móng tay móng chân, nhuộm tóc là quyền của tôi, cấm sao được” hoặc những từ “lóng” chửi tục tắt được dùng thường xuyên trên diễn đàn, lời nói hàng ngày. Hiện tượng nói tục chửi bậy ngoài đường phố, quán xá là không hiếm.

PV: Trường Lương Thế Vinh là trường học đầu tiên ở Việt Nam đưa ra quy định học sinh khi sử dụng facebook. Vậy thầy mong muốn điều gì từ các nhà lãnh đạo giáo dục?

PGS Văn Như Cương: Tôi hy vọng các nhà quản lý giáo dục, quản lý văn hóa nên quan tâm đến vấn đề facebook càng sớm càng tốt. Pháp luật không thể cấm được, nhà trường cũng không phải pháp luật mà là giáo dục.

Mặt tốt của facebook ai cũng có thể thấy và mặt trái cũng không ít. Học sinh hiện nay mất rất nhiều thời gian dùng facebook, ảnh hưởng đến việc học hành, thậm chí là nghiện. Trước đây, game online du nhập vào Việt Nam, sau đó dẫn đến bạo lực, không lành mạnh…

Chúng ta không có biện pháp ngăn cản, giáo dục nên nhiều việc đáng tiếc xảy ra. Các nhà quản lý giáo dục cần biết trước vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại