PGS Văn Như Cương nói về "đánh nhau ngày Tết": "Thật kinh hoàng!"

Thiên Di |

Theo PGS.TS Văn Như Cương con số ấy phản ánh đúng thực tế và đang là vấn đề đáng lo ngại của xã hội.

Chúng ta đang sống không thân thiện

Trong 8 ngày nghỉ Tết Ất Mùi, có 6.200 người nhập viện vì đánh nhau, ẩu đả trong đó có 15 người tử vong.

Con số này khiến PGS.TS Văn Như Cương – nguyên Hiệu trưởng Trường THTP DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) sửng sốt, lo lắng.

PGS.TS Văn Như Cương bàn về con số người nhập viện vì đánh nhau trong dịp tết.

PGS.TS Văn Như Cương bàn về con số người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết.

Ông bày tỏ: “Tôi thực sự buồn và thấy kinh hoàng trước thông tin này.

Con số này tôi nghĩ phản ánh chính xác thậm chí là ít hơn số người đánh nhau trong dịp Tết vừa qua. Và điều đó thực sự đáng lo ngại vì hiện nay chúng ta đang sống không thân thiện với nhau”.

Ông nói rằng hiện nay xảy ra quá nhiều “lý do” để đánh nhau từ nhóm người tranh nhau cướp hoa tre, trầu cau lấy may mà đánh nhau tại lễ hội ở Sóc Sơn hay đấm nhau, chửi tục vì va chạm giao thông trên đường…

“Tôi không hiểu nổi tại sao trong những ngày Tết vui vẻ, ngày lễ truyền thống thiêng liêng như vậy người ta có thể ẩu đả gây thương tích cho nhau?

Thật buồn nếu sự việc này phát triển vì sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Tôi nghĩ nếu người ngoại quốc nhìn vào con số, vấn nạn ấy không biết họ sẽ nghĩ như thế nào. Thật xấu hổ!”, PGS.TS Văn Như Cương buồn rầu chia sẻ.

 
Nhà văn hoá - sử học Nguyễn Nhã
Hàng ngàn năm nay, ở một quốc gia với hàng ngàn năm văn hiến, chưa bao giờ xảy ra cuộc hỗn chiến đánh nhau với những người bảo vệ kiệu rước để ăn cướp như lễ hội Thánh Gióng năm Ất Mùi này.

PGS kể rằng: “Thời chúng tôi người dân sống hòa khí, hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, tình làng nghĩa xóm chứ không như bây giờ.

Có lẽ người ta đang coi thường mạng sống của chính mình, của những người xung quanh nên mới cư xử như vậy. Thật phí phạm và đáng buồn!”.

(Ảnh minh họa: Công Lý)

Ông cho rằng nguyên nhân uống rượu bia không kiềm chế được bản thân nên họ đánh nhau để giải tỏa những ức chế, xung đột trước đó chưa phải là tất cả.

Nguyên nhân sâu xa có thể do sức ép của xã hội, kinh tế, đạo đức con người cũng như sự giáo dục nhân cách…

Vậy làm sao để đưa xã hội về trật tự, mọi người trở nên thân thiện, đối xử hòa nhã, yêu thương nhau hơn?

Vấn nạn của xã hội

Theo PGS.TS Văn Như Cương thì đó là điều không hề đơn giản. Có người “vin” vào lý do và đổ lỗi cho “xã hội công nghiệp hóa – hiện đại hóa”. Nhưng điều đó chỉ là một phần chứ không phải tất cả.

Ông dẫn chứng rằng nhiều nước phát triển họ ứng xử lịch sự với nhau là bởi họ có nền giáo dục tốt.

“Vậy trách nhiệm thuộc về nhà quản lý các ngành! Mỗi con người trưởng thành đều phải đi qua nhà trường và có tác động lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách đúng đắn.

Tuy nhiên, giáo dục cần sự kết hợp của 3 nơi là gia đình, nhà trường và xã hội”, PGS nói thêm.

Hỗn chiến ở lễ hội.
Hỗn chiến ở lễ hội.

Nhìn về góc độ giáo dục, theo ông hiện nay “lỗ hổng” lớn nhất việc giáo dục con trẻ ở Việt Nam chính là “rất thiếu giáo dục nhân cách làm người thay vào đó là dạy kiến thức quá nhiều”.

Ông cho rằng, một đứa trẻ cần được dạy cách ứng xử con người với con người, với thiên nhiên, gia đình và xã hội.

“Đây là vấn đề mà ai cũng nhận ra và cần phải thay đổi sớm. Thật buồn khi ngay trong nhà trường xảy ra hiện tượng học trò đánh thầy, thầy đánh trò, học sinh đánh nhau trong nhà trường rồi quay clip.

Giáo dục trẻ quan trọng là ở sự gương mẫu của người lớn từ cha mẹ, thầy cô. Nếu chúng ta tạo ra một môi trường thân thiện thì không lý do gì trẻ lại nói tục, chửi bậy hay đánh nhau khi xảy ra mâu thuẫn.

Tôi cho rằng bộ phận thanh niên manh động là vấn nạn của xã hội và con số 6.200 đã nói lên điều đó.

Tôi mong các nhà quản lý cần thể thiện rõ trách nhiệm và các nhà giáo dục, tâm lý học nghiên cứu sâu hơn để đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng này”, PGS.TS Văn Như Cương đưa ra kiến nghị.

Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, từ ngày 15 đến 22-2 (27 tháng chạp đến mùng 4 Tết) đã có trên 6.200 người phải vào viện do đánh nhau, trong đó có 15 người tử vong.

Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... là những địa phương có số người phải vào viện vì... đánh nhau cao nhất nước.

Theo nhận xét của các bác sĩ, một phần nguyên nhân là đánh nhau sau va chạm giao thông khi đi chúc Tết, chơi xuân và đánh nhau sau khi uống rượu bia. (Theo Tuổi Trẻ)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại