Trung ương đã lựa chọn 5 người và 4 người xin rút để ở lại một mình đồng chí Nguyễn Phú Trọng để bầu Tổng Bí thư. Nhưng nếu ra Đại hội, có một vị không phải là Uỷ viên Trung ương tiếp tục giới thiệu 4 vị kia, nếu Đại hội không cho rút thì 4 người kia vẫn có quyền được ứng cử. Ông có thể nói rõ hơn?
Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Vấn đề nhân sự của Ban chấp hành Trung ương đã chuẩn bị kỹ trong 3 lần hội nghị là hội nghị 12, 13, 14. Đặc biệt là Hội nghị 14 vừa rồi là vấn đề chuẩn bị cho 4 vị trí chủ chốt.
Trong Bộ Chính trị thực sự là các đồng chí đã thảo luận rất kỹ. Theo báo cáo của Bộ Chính trị, đã thảo luận trong từng trường hợp một. Và đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị giới thiệu là 100%.
Còn một số vị khác được giới thiệu thì tự rút để dồn sự tín nhiệm đó cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Hôm trước, tôi có phát biểu tại hội nghị trung ương hoan nghênh đồng chí Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị đã tự xin nguyện thôi làm ứng cử viên để dồn phiếu tín nhiệm cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Đó là rất trách nhiệm. Đặc biệt là có sự chia sẻ trách nhiệm lớn lao với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và toàn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Nội bộ các đồng chí trong Bộ Chính trị tôi thấy rất ổn.
Đó là sự công khai của Bộ Chính trị ra Ban Chấp hành Trung ương.
Mà tôi cũng đã hai lần phát biểu tại báo cáo tổ ở Hội nghị trung ương và các đồng chí tổ trưởng cũng báo cáo cho Bộ Chính trị nghe, tôi cũng nói rất hoan nghênh đồng chí Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí khác.
Phát biểu tại hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ hai, tôi cũng nhắc lại việc này, thấy mọi người không đề cập gì ý kiến của tôi thì có nghĩa là mọi người thấy tôi nói hoàn toàn chính xác. Đúng không?
Vấn đề là như thế, ra trung ương giới thiệu vị trí Tổng bí thư thì ngoài đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn giới thiệu 4 đồng chí khác.
Gồm ba người còn lại trong “tứ trụ” và ông Tô Huy Rứa?
- Đúng vậy!
Riêng việc giới thiệu vị trí Tổng bí thư phải qua ba lần bỏ phiếu. Như thế là dân chủ quá còn gì.
Lần thứ nhất là chọn phương án nào.
Phương án một thì giữ lại một vị trí là Tổng Bí thư, phương án hai là giữ lại 2 vị trí là Tổng bí thư, Chủ tịch nước và phương án ba là giữ lại cả 3 vị trí là cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Đưa ra 3 phương án thì Hội nghị thảo luận và trung ương đã biểu quyết là chọn phương án một.
Lần thứ hai, các đồng chí được giới thiệu vào chức danh đó đưa ra Hội nghị Trung ương cho ý kiến là đồng chí nào nên ở lại, đồng ý là tất cả các đồng chí đó thôi không ở lại. Đó là lần biểu quyết thứ 2.
Lần thứ ba là biểu quyết riêng đồng chí Nguyễn Phú Trọng và ý kiến trung ương đa số là đồng ý giữ lại đồng chí giới thiệu ra cho Đại hội.
Tôi nghĩ là về nhân sự chủ chốt làm như thế quá kỹ, rất kỹ và cũng không còn ý kiến gì khác nữa. Dân chủ tuyệt đối.
Tôi tham gia kiểm phiếu, chỉ để chuẩn bị cho 4 chức danh đó là 14 lần kiểm phiếu. Trước hết phải thống nhất về quy trình, phương án rồi đi vào nhân sự cụ thể.
Đề cử xong rồi bớt ra, đồng ý bớt ra rồi đưa vào bỏ phiếu cho từng đồng chí chủ chốt, các đồng chí chủ chốt đó đều có tín nhiệm cao cả.
Các vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội rất cao. Như thế, tôi nghĩ rằng Ban chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội đã làm hết trách nhiệm của mình đối với đại hội XII, trong đó có vấn đề chuẩn bị nhân sự cho Đại hội.
Tốt quá rồi.
Trong phát biểu bế mạc của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đã có một sự tín nhiệm rất là tập trung. Thứ hai là Hội nghị 14 rất thành công. Đó là một thông điệp rất tốt đến toàn dân, toàn quân, toàn xã hội về vấn đề chuẩn bị nhân sự.
Cho nên tôi nghĩ rằng là đại hội lần này các đại biểu nhất định sẽ ủng hộ theo sự chuẩn bị kỹ đó.
Tôi tin tưởng vào các đại biểu tại đại hội vì đó là những người ưu tú trong các tổ chức đảng, hoặc ở Trung ương là những đơn vị Đảng bộ trực thuộc Trung ương, hoặc ở địa phương là những Đảng bộ của địa phương trực thuộc Trung ương.
Mà nguyên tắc của mình là nguyên tắc sinh hoạt trong Đảng. Nguyên tắc sinh hoạt trong Đảng là phải đề cao nguyên tắc số một bất dịch là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Mà khi đã dân chủ, cởi mở rồi, bằng lá phiếu quyết định rồi thì có thể nói sự thống nhất đoàn kết trong Đảng rất cao.
Còn bên ngoài họ nói thế này thế kia thì đó là luận điệu của kẻ xấu và những kẻ có ý đồ riêng, có thể là lợi ích nhóm, có thể là dùng ô dù để giải quyết vấn đề gì đó.
Ngoài xã hội có thể phức tạp nhưng đã vào tổ chức Đảng thì nói chung tôi rất tin tưởng, đó là những chiến sĩ cộng sản, là những người mà dân tin tưởng.
Vì Đảng không phải chỉ lãnh đạo Đảng mà lãnh đạo nhà nước và cả xã hội nên vai trò lãnh đạo của Đảng rất quan trọng, nhất là khi chúng ta trao gởi chuẩn bị cho nhân sự.
Ông có nghĩ có phương án một đồng chí ngoài Trung ương giới thiệu lại một đồng chí trong bốn đồng chí đã xin rút?
Tôi nghĩ là có thể không mà cũng có thể có, đấy là quyền của đại biểu. Nhưng cá nhân các đồng chí đó thì theo nguyên tắc là phải xin rút, vì Ban chấp hành là một tổ chức chặt chẽ, giới thiệu ra ai thì Ban chấp hành quyết định bằng đa số phiếu.
Còn những ai mà Ban chấp hành không giới thiệu ra thì không nằm trong nghị quyết. Anh phải chấp hành tổ chức này. Tức là anh phải tự rút. Đó là nguyên tắc.
Nhưng mà Đảng bộ địa phương thì khác, ngoài Ban chấp hành Trung ương thì Đảng bộ địa phương, các đồng chí có thể là ngoài Trung ương, tự do đề cử không có vấn đề gì hết. Những cái này đã tự do rồi. Tức là tự do trong khuôn khổ.
Ban chấp hành đã làm rồi chứ không phải mất quyền tự do. Đã có quyền tự do, anh đã thực hiện một bước rồi. Đó là khâu chuẩn bị. Ai nói chỗ này mất tự do, mất quyền là không đúng.
Anh đã có quyền làm trong Ban chấp hành Trung ương rồi. Đảng Cộng hoà, Đảng Dân chủ bên Mỹ cũng thế thôi. Họ cũng phải chuẩn bị nhân vật nào đó ra ứng cử Tổng thống.
Họ cũng phải họp lại và cử một người nào đó ứng cử chứ không phải tất cả đều đi ứng cử.
Đại hội 1510 đại biểu, nhưng chỉ có 200 đồng chí Trung ương thôi. Ông vừa đề cập là sự lãnh đạo của Đảng là phải thống nhất từ trên xuống dưới, nhưng đồng thời bên cạnh đó cũng có sự phát huy dân chủ nữa.
Nếu trong trường hợp trên vẫn xảy ra như thế thì xử lý như thế nào?
Quyền lãnh đạo của toàn bộ Đại hội là của Đoàn chủ tịch. Câu hỏi đó là Đoàn chủ tịch phải xử lý. Đoàn chủ tịch sẽ nhất định hỏi ý kiến toàn bộ Đại hội trong những trường hợp cụ thể, chứ tôi không nói là dưới hay trên 50%.
Trong các trường hợp nhân sự nói chung, từ Ủy viên Trung ương đến chủ chốt, đều hỏi ý kiến Đại hội và Đoàn chủ tịch sẽ giải quyết. Còn tình huống như thế nào thì tôi không thể nói trước.
Theo quy trình thì trong sáng nay (24/1), các đại biểu sẽ được giới thiệu thêm những người mà họ cho là ưu tú để bầu vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới.
Vậy những người được giới thiệu sau như vậy có được đảm bảo một sự công bằng như đối với nhân sự được Trung ương giới thiệu không?
Lúc đó là như nhau. Khi đưa ra danh sách Ban chấp hành Trung ương do Hội nghị trung ương 14 giới thiệu ra và danh sách do các đại biểu giới thiệu ở đây (tại đại hội – PV), cho đủ số dự kiến (quá số chính thức 30% - PV) thì như nhau hết.
Và đại biểu có quyền lựa chọn trong số đó. Và người trúng cử là người có số phiếu cao hơn. Cho nên không có sự phân biệt ở đây, đúng như trong quy chế bầu cử đã thông qua ở đây.
Thưa ông, hôm nay các đại biểu sẽ đề cử và ứng cử, trong trường hợp số đề cử và ứng cử vượt quá con số 30% số dư, lúc đó sẽ xử lý như thế nào?
Sẽ hỏi ý kiến đại hội và cho rút ra, rút dần. Lấy phiếu kín tín nhiệm từ trên xuống dưới. Đảm bảo sự dân chủ tuyệt đối của mọi người.
Được biết, chuẩn bị nhân sự của ban chấp hành trung ương là 229 người. Số còn lại, khoảng 31 người, có thể giới thiệu tại Đại hội không?
Chính xác là sẽ giới thiệu tại đại hội, để có số dư không quá 30%. Đại hội sẽ đưa vào danh sách 31 người đó, theo tuần tự tín nhiệm cao.
Trong danh sách giới thiệu vào trung ương khóa tới, giới thiệu vào trung ương có kèm theo vị trí của ứng viên đó sẽ đảm nhiệm nếu trong trường hợp trúng cử?
Trong cơ cấu đã có nói rõ. Cơ cấu tức là ngành nọ, ngành kia bao nhiêu người. Ví dụ, MTTQ giới thiệu 2 ứng cử viên của Mặt trận, thì đã rõ vị trí. Bên Phụ nữ, quân đội... cũng vậy. Sau khi trúng cử sẽ có điều chuyển công việc.
Ngoài chức danh Tổng Bí thư thì 3 chức danh chủ chốt còn lại có số dư không thưa ông?
Có số dư không thì không biết, do Đại hội quyết định.
Hiện nay Trung ương giới thiệu 4 vị trí chủ chốt, 4 người. Chắc là ai cũng biết rồi. Giờ chúng ta quan tâm vị trí người đứng đầu của Đảng. Các chức danh khác còn phụ thuộc vào quốc hội nữa, chứ không phải Đảng cử vào những vị trí đó.
Cho nên tất cả các vị trí bây giờ ổn định cho tới tháng 5, tới tháng 6, tháng 7 mới có kỳ họp đầu tiên của quốc hội khóa mới, mới có chức danh của nhà nước mới được. Chứ không phải bây giờ có ngay chức vụ của nhà nước.
Dự kiến vị trí các cán bộ tại Quốc hội để bầu, thì có phương án ổn định chưa? Trên mạng, ngoài vị trí chức danh Tổng bí thư, người ta đã đưa những cái tên cho vị trí 3 chức danh còn lại, gồm có chủ tịch nước là đồng chí Trần Đại Quang, thủ tướng là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch quốc hội là đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân?
Tôi xác nhận là Hội nghị Trung ương 14 đã chuẩn bị theo hướng đó rồi.
Xin cảm ơn ông!