Ông Lê Như Tiến "bắt bệnh" hơn 5.000 người nhập viện vì ẩu đả

Hoàng Đan |

Theo ông Lê Như Tiến, con số hơn 5.000 người nhập viện vì ẩu đả đã cho thấy một điều không bình thường trong xã hội và nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân từ rượu bia

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ, trong 8 ngày Tết, từ sáng 6/2 đến sáng 14/2 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 7 Tết Bính Thân) có trên 5.100 người vào viện vì đánh nhau, xô xát.

Trong đó có 13 người chết, tăng khoảng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, con số này cho thấy một điều không bình thường trong xã hội chúng ta.

Theo ông Tiến, dịp nghỉ Tết Nguyên đán đáng lẽ ra phải là thời gian để mọi người sum họp, vui vẻ bên gia đình, người thân.

"Niềm vui này sẽ được nhân lên, thế nhưng với con số hơn 5.000 trường hợp đánh nhau phải nhập viện, dù có đưa ra bất cứ lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được.

Theo tôi, đó là điều không bình thường trong xã hội”, ông Tiến nói.

"Bắt bệnh" hơn 5.000 người nhập viện do ẩu đả, ông Tiến cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ đánh nhau, ẩu đả trong dịp Tết nguyên đán, nhưng trong đó, vấn đề lạm dụng rượu bia rất cần nhắc đến.

"Việc sử dụng rượu, bia dẫn đến nhiều người bị kích thích, không làm chủ được bản thân dẫn đến hành vi bạo lực gia tăng.

Tuy nhiên, rượu bia không phải nguyên nhân chính, mà cái gốc của vấn nạn bạo lực là do cách ứng xử văn hóa, đặc biệt là trong bộ phận không nhỏ ở giới trẻ đang có vấn đề.

Khi xảy ra mâu thuẫn, lẽ ra mọi người phải trao đổi, tranh luận, phân tích cho nhau hiểu thì họ lại sẵn sàng dùng vũ lực lao vào đánh nhau thay cho lời giải thích, đó là việc rất đáng trách, không chấp nhận được", ông Tiến nêu.


Nhiều người nhập viện vì ẩu đả. Nguồn: Vietnamnet.

Nhiều người nhập viện vì ẩu đả. Nguồn: Vietnamnet.

Ông Tiến cũng đề cập đến một nguyên nhân khác của vấn đề này đó chính là do giáo dục, đặc biệt giáo dục đạo đức dường đang bị coi nhẹ trong cả ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.

“Thời gian qua, trong nhà trường còn nhiều thầy cô “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với học sinh, như vậy thì làm sao giáo dục được cho lớp trẻ về ứng xử có văn hóa.

Ngày nay, đời sống vật chất, kinh tế của người dân khá hơn, nhưng giáo dục về đạo đức còn bị coi nhẹ, chữ Nhẫn ngày xưa các cụ dạy chúng ta nay đã không được coi trọng.

Đây là điều đáng buồn và đáng để chúng ta phải suy ngẫm", ông Tiến nhấn mạnh.

Từ sự "vô minh"

Đồng quan điểm đó, bà Bùi Thị An, ĐBQH đoàn Hà Nội cũng cho rằng, điều này đã thể hiện sự đáng báo động về văn hóa của chúng ta.

"Thực tế, truyền thống văn hóa của chúng ta trong những ngày đầu năm đâu có như vậy. Mọi người thường chúc tụng, đến nhà chơi chứ đâu có chuyện gây gổ rồi đánh nhau phải đến nhập viện", bà An nói.

Từ thực trạng đáng buồn này, bà An cho rằng, nguyên nhân đầu tiên được xác định chính là do tình trạng rượu bia tràn lan trong những ngày Tết vừa qua.

Để hạn chế thực trạng này, theo bà An, trước hết, chúng ta phải siết chặt quản lý vấn đề rượu bia, trong đó, cần tăng thuế đối với mặt hàng này.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần vào cuộc quản lý chặt chẽ mặt hàng này không để tình trạng sản xuất, buôn bán tràn lan không kiểm soát được như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo bà An, điều quan trọng hơn vẫn là phải giải quyết cái gốc trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống từ mỗi gia đình.

"Theo tôi, đối với những người đánh nhau thì chúng ta vẫn cứu chữa kịp thời, chu đáo, tận tình cho họ nhưng sau đó, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe họ, không còn dám tái phạm nữa", bà An nhấn mạnh.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến, kênh VOV Giao thông thì lại cho rằng, hơn 5.100 người nhập viện vì đánh nhau trong mấy ngày đầu tiên của năm mới chẳng phải vì rượu đâu.

Rượu chỉ là cái cớ để sự thù ghét đồng loại trong con người chúng ta thoát ra ngoài bằng nắm đấm mà thôi.

Không có gì đáng để ngạc nhiên với con số hơn 5.100 người phải nhập viện vì đánh nhau chỉ trong mấy ngày Tết khi mà sự hung bạo đã phủ kín cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Hung bạo từ thói quen tranh cãi bất kể việc nhỏ việc to trên mạng xã hội cho đến việc dẫm đạp lấn chen nhau ở miếu mạo, đền chùa.

"Không có bất cứ điều gì là bất thường khi người ta đánh nhau và nhập viện, bởi bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành một trong số 5.100 người đó.

Trong sự vô minh của một cộng đồng đã buộc phải làm quen với rất nhiều điều ác, mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành một mục tiêu để bất kỳ ai đó trút bỏ đi nỗi oán thù không tên", nhà báo Phạm Trung Tuyến nêu rõ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại