Trong cuốn sách, bà Rice cho biết rất ngạc nhiên khi ông Gaddafi gọi mình là “công chúa của Châu Phi” trong cuộc gặp gỡ trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ ở Libya năm 2008, cuộc họp mang ý nghĩa lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau nhiều thập kỉ đóng băng.
Ông Gaddafi và cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice trong cuộc gặp ở Tripoli.
Không giống như cựu Tổng thống Anh Tony Blair yêu cầu ông Gaddafi tới gặp mặt, bà chủ động tới gặp Tổng thống Libya tại nơi vị lãnh đạo nổi tiếng xa hoa hay dùng để tiếp đón các quan chức ngoại giao.
Được cảnh báo trước về tính bốc đồng của nhà lãnh đạo Libya, bà Rice tỏ ra hết sức bình tĩnh khi ông đột ngột đuổi hai phiên dịch viên ra khỏi nơi gặp gỡ, đồng thời thẳng thừng gọi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan là “con chó điên” khi nhắc lại việc ông này cho quân đội không kích khu dinh thự của mình năm 1986 làm nhiều người thiệt mạng, trong đó có cô con gái nuôi Hana.
Tuy nhiên, với bản lĩnh ngoại giao vững vàng, mọi việc đều trở nên suôn sẻ. Không chỉ gọi bà Rice là “công chúa của Châu Phi”, ông Gaddafi còn yêu cầu sáng tác một bài hát có tựa đề “Hoa trong Nhà Trắng” để dành tặng bà Rice nhân chuyến công du. Bà Rice nhận định đây là những hành động kì quặc nhưng không tỏ ra khó chịu bởi “ít nhất nó cũng không thô tục”.
Thỏa thuận thành công tốt đẹp khi Gaddafi đồng ý từ bỏ sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời chịu bồi thường cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom chuyến bay số 103 của hãng hàng không Pan Am trên bầu trời Scotland vào năm 1988, do một điệp viên Libya thực hiện.
Sở dĩ bà Rice được chú ý nhiều trong cuộc chiến Libya bởi khi Tripoli thất thủ, người ta đã tìm thấy bức chân dung vị cựu ngoại trưởng Mỹ giấu trong một cuốn sách ngay tại phòng ngủ của nhà lãnh đạo Gaddafi. Điều đó cho thấy ông Gaddafi có một tình cảm đặc biệt với bà Rice, nhưng không ai dám chắc đó là thứ tình cảm gì.
Theo Zing