Không giết người vẫn nhận tội để… chết
Tháng 3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) phạm tội giết người và kết án chung thân. 10 năm sau, hung thủ của vụ án bị phát hiện và ra đầu thú.
Ông Chấn được tạm tha ngày 04/11/2013.
Ông chấn cho rằng trong, thời gian bị giam đã bị các cán bộ dùng nhục hình ép cung, mớm cung.
Thế nhưng, lãnh đạo CA Bắc Giang cho biết 6 điều tra viên trực tiếp điều tra ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước đã hoàn tất giải trình mà theo đó “không thấy có vấn đề gì”, tất cả đều đều khẳng định không ép cung, đánh đập, “hướng dẫn khai” như tố cáo. Thông tin trên tờ Người lao động.
Theo lời vị lãnh đạo CA Bắc Giang thì ông Chấn tự nhận tội.
Và như vậy, dù là người hoàn toàn khoẻ mạnh, bình thường nhưng ông Chấn lại “bỗng dưng” nhận tội để… chết? Bởi, với tội danh của mình, ông Chấn sẽ phải chịu mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, do có cha là liệt sỹ nên ông thụ án chung thân. Và, ông Chấn tự nhận tội rồi để cả gia đình kêu oan ròng rã 10 năm. Con gái phải tha hương kiếm tiền kêu oan cho cha, vợ nhập viện tâm thần, mẹ già mòn mỏi…
Ông Chấn trong ngày trở về.
Đang bị đánh thì “lăn ra ngủ”
Vụ việc người bán hàng rong Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hoá) bị lực lượng giữ gìn trật tự đô thị dùng roi điện đánh rồi bóp cổ đến ngất xảy ra hôm 6/12/2013.
Xác minh lại vụ việc, như đã đưa tin, ngày 8/12, PV đã tìm gặp anh Tình. Người này cho biết: “Hôm đó, khoảng gần 10 người mặc đồ trật tự đô thị, dân phòng UBND phường 25, quận Bình Thạnh đi xe công vụ đến dọn dẹp lòng lề đường. Vì chạy không kịp và sợ bị phạt nặng nên tôi nài nỉ nhưng họ vẫn cương quyết lập biên bản, thu giữ. Xót của nên tôi giằng co thì mấy thanh niên lao vào giật tay ra dùng còng số 8 còng hai tay lại. Sau đó tôi vẫn tiếp tụcn bị đánh và bị dùi cui điện dí vào người”.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM khẳng định: “Lực lượng trật tự đô thị phường không đánh người mà chỉ dùng biện pháp mạnh để trấn áp khi anh Tình chống đối. Anh Tình trong tình trạng say rượu nên sau thời gian giằng co đã nằm xuống đường ngủ”.
Một người dân đen, đang trong tâm trạng lo sợ tột đỉnh vì sắp bị thu giữ hàng, thu giữ chiếc xe là “cần câu cơm” của cả gia đình, cộng thêm việc bị đánh, bị dí roi điện, bị bóp cổ, còng tay mà bỗng nhiên “lăn ra ngủ”?
Anh Tình nằm bất tỉnh ở góc đường nhưng không được ai đưa đi cấp cứu (Ảnh: Infonet)
Tự ý ngủ lại UBND xã với công an viên rồi phải nhập viện
Theo thông tin trên tờ Lao Động, ngày 17/11/2013, ông Đinh Cleng (trú tại làng KSom, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) đã làm đơn tố cáo việc hai công an xã Pờ Tó và một công an huyện Ia Pa đã bắt nhốt, đánh đập đánh con trai ông là Đinh Huenh (SN 1990) phải nhập viện cấp cứu.
Theo đó, sáng 14/11, Công an xã Pờ Tó đến nhà đưa Huenh lên trụ sở vì cho rằng Huenh liên quan đến một vụ đánh nhau tại xã.
Ba công an mặc thường phục là Nay Lum (công an viên xã Pờ Tó), Phạm Anh Tuấn (Phó trưởng Công an xã Pờ Tó) và ông Thắng (công an huyện Ia Pa) thay nhau đánh Huenh cho đến tới 20h tối cùng ngày.
Vì không liên quan đến vụ đánh nhau, nên khi được 3 công an hỏi, Đinh Huenh đều trả lời không biết và bị đánh tới tấp. Khi thấy Huenh gục xuống bàn, 3 công an mới chịu dừng lại.
Đinh Huenh ở bệnh viện. (Ảnh: Lao Động)
Vợ Huenh gọi điện đến nhưng ông Tuấn bắt máy và cho rằng vì Huenh liên quan đến vụ trộm bò nên công an xã phải giữ lại để điều tra.
Khoảng 22h tối 14/11, Huenh được công an viên tên Nay Lum chở về, bỏ cách nhà 50m. Qua kiểm tra, bác sỹ kết luận, bệnh nhân có có viết xây xước bầm tím ở ngực phải, chấn thương ngực, lưng, mặt, đầu và vùng mang tai trái.
Những công an viên xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đều một mực phủ nhận việc ép cung, đánh đập nạn nhân. Ông Nay Lum nói: “Tôi bảo về nhà mà ngủ nhưng nó không chịu mà tự ý ngủ lại trụ sở UBND xã cùng với 3 công an viên”.
Bị can chết trong trại giam, công an tự đem chôn
Do liên quan đến một vụ mâu thuẫn gây thương tích, chị Trần Thị Hải Yến (SN 1982, ngụ xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bị Công an huyện Tuy An bắt tạm giam từ ngày 15/1/2013. Sau đó, TAND huyện Tuy An phạt Yến 30 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”. Thông tin trên tờ Người lao động.
Cho rằng mình bị oan, chị Yến kháng án. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 1/7, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy án sơ thẩm, giao VKSND huyện Tuy An điều tra lại. Trong quá trình tiếp tục bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an huyện Tuy An, ngày 7/10, chị Yến tử vong.
Cũng theo thông tin từ Người lao động, ông Phan Trường Sơn (anh rể của chị Yến), người đại diện cho gia đình chứng kiến khám nghiệm tử thi cho biết, theo thông báo của Công an huyện Tuy An, Yến chết do treo cổ tự tử trong buồng giam. Nhưng theo ông Sơn, trên người Yến như trước trán, 2 bên má, môi và đỉnh đầu phải, ngón chân có nhiều nơi bị xước, sưng bầm
Chiều 8/10, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Liễu (SN 1954, mẹ chị Yến) làm đơn xin nhận thi thể con gửi cho ông Trần Việt Cường, Phó Trưởng Công an huyện Tuy An.
Thế nhưng, trong khi gia đình đang lên nhận thi thể chị Yến thì phía công an lại tự đưa lên nghĩa trang Thọ Vức, TP. Tuy Hòa và mai táng. Gia đình lên đến nơi thì thấy chị Yến đã được chôn.
Ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Phú Yên (bìa phải) an ủi gia đình chị Yến. (Ảnh: Người lao động)
Theo tờ Pháp luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Yên Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Yên nói về vụ việc: “Tôi có hỏi vấn đề này, công an trả lời là họ tổ chức mai táng bị can Yến theo Điều 25 Nghị định 89/1998 của Chính phủ”.
“Đến VKSND tỉnh Phú Yên đăng ký làm việc, chúng tôi gặp ông Hồ Minh Tâm, Viện phó Viện KSND tỉnh - lãnh đạo duy nhất đang có mặt tại cơ quan - nhưng ông này cũng từ chối trả lời với lý do không phụ trách mảng này. Ông Tâm chỉ nói: “Công an tỉnh đã báo cáo vụ này ra tỉnh ủy, anh qua đó tìm hiểu.
Còn lãnh đạo Công an huyện Tuy An trả lời là công an tỉnh đang điều tra nguyên nhân cái chết của chị Yến nên huyện không phát ngôn. Liên lạc với Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Công an tỉnh về việc không giao tử thi cho gia đình, ông Nghĩa nói: “Tôi chưa nắm thông tin về việc này!””, theo Pháp luật TP.HCM.