LTS: Tết đến theo lệ thường là dịp sum họp gia đình, mọi nhà lo sắm sửa trang hoàng nhà cửa đón Tết, cúng tổ tiên, về quê quán, tri ân thành ý những người đã giúp đỡ, thì nay với không ít người, Tết nhất trở thành mối lo, lo biếu xén quà cáp giá trị lớn, phong bì để lo giữ ghế, thăng chức, xin mối làm ăn...
Từ đó, chuyện "đi tết" đã bị biến hóa từ một phong tục đẹp, với ý nghĩa tri ân, đề cao giá trị tinh thần, biến thành "hủ tục" nặng về vật chất, quà cáp biếu xén mang nghĩa tiêu cực.
Nhân dịp này, chúng tôi đăng tải loạt bài về Tết, những suy nghĩ, cảm nhận của người người đã, đang giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, các chuyên gia và cả những người thuộc diện phải đi Tết sếp dịp lễ tết.
TS.Cao Sĩ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói, công việc của ông hiện khá bận rộn, vừa là Chủ tịch Hiệp Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông còn là đảm nhiệm chức vụ Uỷ viên HĐQT của Ngân hàng Đông Á và Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Trò chuyện với PV, TS.Cao Sĩ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói, ngày ông còn đương chức, Tết nhất Thủ trưởng, nhân viên chỉ đi chúc Tết, thăm hỏi nhau, không có cái lệ đi biếu xén tặng quà. Không như bây giờ đề bạt, nâng lương đều có cái giá.
Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành ngân hàng và từng giữ chức vụ cao nhất trong NHNN, thưa ông?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Học hết lớp 7 tôi xin học Nông lâm, đang thi thì thấy Ngân hàng tuyển lớp sơ cấp thế là mình học 6 tháng sơ cấp Ngân hàng ở Hà Nội rồi xung phong đi lên tỉnh miền núi Bắc Cạn năm 1960.
Năm 1965 về Thái Bình làm cán bộ ngân hàng Thái Bình rồi làm Phó giám đốc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thái Bình. Sau đó làm Bí thư Huyện ủy Thái Thụy, Bí thư Tỉnh Thái Bình (1985) và năm 1989 thì làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Từng làm nhân viên có bao giờ ông phải “nhức đầu” chuyện biếu quà Tết cho cấp trên không?
Không. Vì hồi xưa không có cái lệ đấy. Lúc đó chỉ có kiểu Tết thì đi thăm nhau, không có cái lệ đi biếu xén tặng quà nên không hề nặng nề vấn đề này. Lúc bấy giờ kinh tế cũng khó khăn.
Khi giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có quyền quyết định nhân sự, có ai đến tặng quà với mục đích nhờ ông cho "lên chức, mua chức" không?
Không. Chỉ có như thế này, sau khi làm xong rồi thì người ta tình cảm đến chơi hoặc biếu lạng chè, cái chiếu, lít nước mắm thế thôi, không có cái kiểu biếu quà cáp tiền nong, chạy chức. Họ chỉ đến cảm ơn vui vẻ thế. Coi như là có sự biết ơn.
Nói ra nhiều người không tin, vì mình nắm giữ chức cao như thế đề bạt bao nhiêu người nhưng nói thật lúc đấy chưa có cái lệ tặng quà cáp như bây giờ.
Cách dùng người của ông như thế nào?
Bất luận là như thế nào nhưng quan trọng là kết quả công việc chứ không phải là vật chất. Hồi xưa chưa có chế độ thi tuyển nên mình phải xét qua quá trình, lý lịch. Không nặng quá khứ mà quan trọng hiện tại kết quả công việc và tiếp xúc trực tiếp để nắm được khẩu khí, cách ứng xử, giải quyết vấn đề của họ.
Vậy khi cấp dưới được thăng chức, họ cảm ơn ông thế nào?
Hồi mới lên mình đề bạt rất nhiều, chọn lựa, bố trí sắp xếp công việc rất nhanh vì bấy giờ là chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Lúc đấy đề bạt rất nhiều cán bộ nhưng nhiều người mình còn không nhớ mặt, đến khi họp hành mới biết.
Cứ làm được việc là chọn chứ không phải vì mối quan hệ hay vật chất. Nếu họ quý thì họ đến cảm ơn, không thì cũng không sao. Chứ không như bây giờ đề bạt, nâng lương đều có cái giá.
Nếu không có gì "bí mật" , ông có thể chia sẻ món quà tết lớn nhất mà ông từng nhận là gì không?
Lúc đó quà cáp không phải là nhiều nhặn gì. Họ thường cho tôi cân chè, nước mắm, cân gạo…
Thời còn đương chức, món quà nào ông nhận mà còn nhớ đến bây giờ?
Hồi xưa như tôi nói đấy, quà cáp chẳng có gì lớn cả. Chế độ kế toán chặt chẽ, nhất nhất phải do nhà nước quy định chứ không như bây giờ có cái kiểu quảng cáo phí, rồi chi phí độc quyền do giám đốc quyết định nên nó khác.
Tôi nhớ lần tôi bị bệnh gan phải nằm ở bệnh viện Việt Xô, có người đến cho tôi thuốc, đấy là món quà trị giá nhất, cảm động nhất mà tôi vẫn còn nhớ mãi.
Ông đã khi nào từ chối quà biếu không, thưa ông?
Bởi vì họ đến tình cảm là chính nên tôi cũng không nỡ từ chối. Họ cho mình cái này thì mình cũng cho lại những cái mình có, chẳng hạn như tặng họ cuốn lịch.
Bây giờ đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ nhiều chức vụ quan trọng, ông còn được nhận nhiều quà Tết không?
Bây giờ quan hệ của tôi với họ chỉ là quan hệ tình cảm thôi. Tôi giúp họ chỉ trên phương tiện trí tuệ, trí óc, quản lý… Mà phần lớn bây giờ người đến thăm tôi là anh em, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp trước.
Thứ hai nữa là người mà tôi đã từng giúp đỡ. Nhưng giúp đỡ ở đây là giúp về đường lối, quan điểm, chính sách nên họ đến với tôi không phải để mưu cầu kinh tế, xin xỏ tiền nong. Tôi cũng không giúp họ được nhiều nên cái việc quà cáp bây giờ cũng không có, vì có đi thì phải có lại mà. Về hưu rồi mối quan hệ cũng chỉ mức độ thôi.
Ông có suy nghĩ như thế nào khi bây giờ người ta có thể tặng quan chức bằng nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng?
Đấy là 1 biến tướng của kinh tế thị trường. Nó làm thất thoát tài sản, tạo môi trường cho tham nhũng, tạo lợi ích cho nhóm lợi ích cục bộ, làm tha hóa đội ngũ cán bộ vì không có đời thuở nhà ai mang nhà đi làm cái chuyện đấy.
Những người làm thế này chủ yếu là thu nhập bât chính, tranh thủ để mình có quyền lợi tốt hơn, nhiều hơn. Nó không phải là do lợi nhuận làm ra mà là sự chia chác quyền lợi.
Về mặt nguyên tắc nó vi phạm nguyên tắc, thứ hai nữa là tha hóa đạo đức, thứ ba nữa làm tổn hại tài sản nhà nước và niềm tin của dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông.