Ôm nợ vì đâm trâu

Đắc Thành |

Tết đến, xuân về hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc Xê Đăng sống quanh núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức lễ đâm trâu. Mỗi hộ gia đình phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng trong lúc tiền của không có nên phải vay mượn.

Vay ngân hàng để đâm trâu

Đầu năm, chúng tôi có chuyến lên huyện miền núi Nam Trà My công tác.

Đi qua nhiều bản làng dân tộc Xê Đăng đều nghe thấy tiếng cồng chiêng ăn mừng lễ cúng máng nước, lễ cúng lúa mới… vang lên.

Người dân ở đây tổ chức đâm trâu rất hoành tráng, nhà nào cũng mời hơn 300 người ăn uống cả tuần lễ.

Điều khác lạ với nhiều dân tộc khác, mỗi hộ gia đình dân tộc Xê Đăng tự bỏ tiền ra, tổ chức ăn uống chứ mọi người không phải đóng góp cho gia chủ.

Lễ vật gồm một con trâu, vài con lợn, hàng chục ché rượu cần và mấy tạ gạo để đãi người dân trong thôn, trong xã.

Ông Hồ Văn Loan, nóc Măng Noa, thôn 5, xã Trà Nam vừa mới tổ chức đâm trâu. Xung quanh nhà đang còn những cây nêu, sừng trâu treo ở cột nhà.

Hỏi về việc này, ông Loan phấn khởi: “Nhà mình có tiền thì mình đâm thôi, đâm trâu cả làng ăn chứ không riêng gia đình mình”.

Theo ông Loan, đợt đâm trâu này, ông mua một con trâu trị giá 30 triệu đồng, 2 con heo 3 triệu đồng, 10 bao lúa và 50 ché rượu cần (mỗi ché 150.000 đồng). Tính ra, chi phí hết 50 triệu đồng.

Những con trâu bị giết thịt

Nhà ông đã tổ chức đâm trâu 3 lần. Để tổ chức đâm trâu, ông cần rất nhiều tiền, tiền không có thì vay mượn.

Và cứ thế, một lần đâm trâu, sau nhiều năm tích góp mới trả hết nợ.

Ông chia sẻ: “Theo tục lệ của người Xê Đăng, đâm trâu nhiều thì thần linh mới che chở cho. Gia đình sẽ không có người ốm đau, phần nữa cầu mong mùa màng bội thu”.

Cuộc sống gia đình ông Loan dựa vào nương rẫy. Cái ăn, cái mặc rất khó khăn, thế nhưng tích trữ được chút tiền, ông liền tổ chức đâm trâu. 

“Việc tổ chức lễ đâm trâu không dễ gì mà được. Trước hết phải tích góp tiền của trong nhiều năm trời, sau đó được sự đồng ý của già làng và dân bản.

Nhà nào có người ốm đau, tức là con ma bắt, thì đâm trâu, hoặc cúng tế thần linh. Mình bị bệnh nên phải đâm trâu”, ông Loan nói.

Lễ hội kết thúc, gia đình ông Loan nợ 20 triệu đồng, để có tiền, ông phải trồng thêm lúa, ngô để có cái mà trả. 

“Khi nào trả xong, mình lại đâm trâu tiếp. Muốn mạnh khỏe thì phải đâm trâu cảm ơn thần linh giúp đỡ, còn không con ma bắt sẽ ốm đau không làm được việc gì cả.

Hiện mình giữ được 3 cái sừng trâu, phải có 5 cái mới được làm già làng, có tiền sẽ đâm tiếp”, ông Loan tâm sự.

Trâu bị giết thịt đãi cả làng ăn trong nhiều ngày
Cất giữ sừng trâu để chứng minh gia đình giàu có

Đáng buồn hơn, gia đình anh Hồ Văn Định, ở nóc Măng Noa, thôn 5, xã Trà Nam tổ chức lễ đâm trâu cách đây 3 năm.

Và từng ấy thời gian, anh ôm “cục nợ” ngân hàng 15 triệu đồng chưa thể trả nổi. Gia đình anh có 5 người, sống trong nhà sàn thấp bé.

Cuộc sống qua ngày của gia đình trông chờ vào nương lúa, nương ngô. Năm nào ông trời thương thì có lương thực đủ ăn, năm nào nắng hạn thì thiếu ăn.

Thế nhưng anh vẫn bỏ ra 40 triệu đồng để tổ chức lễ đâm trâu. Đồng bào dân tộc Xê Đăng được phân bố tại xã Trà Nam, Trà Cang và Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Tục đâm trâu năm nào cũng diễn ra, hoàn cảnh nghèo khó nhưng gia đình nào cũng gom góp tiền của để tổ chức lễ đâm trâu, mặc dù nợ nần nhưng họ chẳng lo lắng, miễn là có tiền đâm trâu rồi sau đó tính tiếp.

Hôm chúng tôi đến, anh cùng đám thanh niên trong nóc đang chuyển bị tổ chức lễ cúng máng nước.

Anh cùng mọi người chặt tre, cây rừng làm cây nêu trước nhà và trang trí xung quanh nhà.

Anh cũng chuẩn bị 2 con lợn và 50 ché rượu cần để tổ chức. Anh Định tâm sự, cách đây 3 năm, vợ con anh ốm đau, anh phải tổ chức lễ đâm trâu.

Lễ vật gồm một con trâu trị giá 18 triệu đồng, 5 bao lúa, 50 ché rượu cần. Tính tổng cộng hết 30 triệu đồng.

Để có số tiền này, anh Định vay ngân hàng 15 triệu đồng, cộng với số tiền gom góp trong nhiều năm.

Sau 3 năm, số tiền ngân hàng chưa trả được, hằng tháng hai vợ chồng làm chăm chỉ mới chỉ đủ trả tiền lãi.

“Ngân hàng  đòi thì đã có cái nhà của mình, họ dỡ nhà thì mình đi vào rẫy ở”.

Sao anh không để tiền mà sửa lại nhà, mua áo quần cho con mặc? Anh Định cười: “Không được làm rứa! Nợ thì nợ, đâm trâu vẫn phải đâm thôi.

Anh Định làm cây nêu

Mình đâm trâu để cảm ơn thần linh đã giúp đỡ, con ma không bắt mình.

Ở trong làng mà không tổ chức đâm trâu tức là thua kém mọi người, có khó khăn đến mấy cũng phải đâm trâu”.

Khó bỏ được tập tục

Ngồi nhẩm tính số hộ dân trong xã tổ chức đâm trâu, ông Hồ Văn Víu, Phó Chủ tịch xã Trà Nam, buồn bã:

Chính quyền xã ra sức tuyên truyền nhưng số hộ dân đâm trâu trong dịp Tết Ất Mùi tăng lên so với năm trước.

Ông Víu cho biết, xã Trà Nam có 700 hộ với 2.900 nhân khẩu, trong đó 98,5% là đồng bào dân tộc Xê Đăng.

Hiện có đến 65,8% hộ nghèo, đời sống nhờ vào nương rẫy, cuộc sống vô cùng khó khăn. Năm trước toàn xã có 16 hộ tổ chức đâm trâu thì năm nay là 19 hộ.

Mỗi gia đình tổ chức đâm trâu tốn kém từ 40-50 triệu đồng, thậm chí có những hộ hết gần 100 triệu đồng.

Theo cách tính của ông Víu, chúng tôi cộng tất cả các hộ trong xã tổ chức đâm trâu lại thì tốn kém cả tỷ đồng. Đây là một con số quá lớn đối với người dân địa phương.

Trước khi diễn ra lễ đâm trâu 10 ngày, một đám thanh niên vào rừng chọn những cây gỗ thẳng, dài để đem về làm cây nêu.

Cũng không kém phần quan trọng, đám thanh niên trang trí cây nêu, những vật dụng trong lễ. Làm nhanh thì hết khoảng 4 ngày, làm chậm mất cả tuần lễ.

Quãng thời gian này, gia chủ phải lo cơm, rượu cho họ. Ngày vào lễ, trâu được giết thịt, gia chủ mời hết mọi người trong nóc, cùng với những vị đại diện trong xã.

Bình quân, sẽ có khoảng trên 300 người dự lễ. Họ được gia chủ mời ăn, uống trong vòng 2 ngày liên tục.

Từ ngày chuẩn bị đến ngày kết thúc, gia chủ đãi mọi người trong một tuần lễ, với mức độ ăn, uống liên tục, sẽ hết rất nhiều cơm, rượu.

Từ trẻ nhỏ, đến người già đều cơm no và say với men rượu cần. Say thì nằm, hết say lại dậy uống tiếp.

Ông Dương Trinh, Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My, cho biết: “Huyện ghi nhận thực tế này và thường xuyên phân tích mặt hại, mặt được để tuyên truyền, vận động.

Nhưng tập tục đâm trâu của người Xê Đăng là một lễ hội, mang tính tâm linh cổ truyền có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức của họ...

Người dân tộc Xê Đăng rất nặng nề vấn đề này nên không bỏ được. Không riêng gì ở Nam Trà My mà ở Tây Nguyên cũng vậy nên rất khó bỏ tập tục này”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại