Nuôi rắn dài cả mét, nặng tới 5kg, kiếm hàng trăm triệu/vụ

B. Bình |

Sau hơn 20 năm lập nghiệp, ông Phan Kế Đông đã trở thành tỷ phú vùng chiêm trũng do thành công trong nghề nuôi rắn.

Theo ghi nhận trên báo Nhân dân, khoảng chục năm về trước, làng Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) được nhiều người biết đến với nghề nuôi ba ba nổi tiếng.

Nhưng vài năm trở lại đây, cái tên Bạch Xá lại được cánh lái buôn trong nam, ngoài bắc biết đến là làng nuôi rắn hổ mang.  

Hiện Bạch Xá có trên 500 hộ dân thì có tới trên 90% số hộ đang nuôi rắn. Hộ nuôi ít thì vài ba chuồng, nhiều lên đến hàng trăm chuồng.

Nghề nuôi rắn đã giúp người dân có cuộc sống khá giả hơn, nhưng họ cũng đang phải đối mặt với không ít rủi ro từ nghề này.

Một phụ nữ làng Bách Xá cũng có thể tay không bắt rắn hổ mang. Ảnh: Nhân dân

Gia đình anh Nguyễn Khế Tỗn là hộ nuôi rắn quy mô lớn của thôn. Gia đình anh Tỗn nuôi khoảng 600 con rắn hổ mang trâu, hổ mang đen và hổ mang trắng.

Riêng loại rắn hổ mang phì được nuôi trong những chiếc thùng riêng biệt, có con nặng khoảng 5kg. Thường thì mỗi lứa rắn được nuôi trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng.

Mỗi chuồng thường được thả từ 20 đến 30 con rắn, chi phí giống 2,5 triệu đồng/vụ và chi phí cho thức ăn 1,5 triệu đồng/vụ. Trừ chi phí, gia đình anh Tỗn nhẩm tính thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Một trường hợp điển hình khác thành công với mô hình nuôi rắn tại thôn Bạch Xá được ghi nhận trên tờ Dân việt là gia đình ông Phan Kế Đông. Từ một nông dân nghèo rớt mùng tơi giờ ông đã có cơ ngơi bạc tỷ.

Ban đầu, khu nhà kho rộng 5m2 được ông Đông biến thành chuồng nuôi rắn. Ông mua 40 con rắn hổ mang giống, nhờ người ta tư vấn kỹ thuật xây chuồng rồi thả chúng vào đó.

Như người ta đầu tháng 4 mới thả rắn, đằng này trước Tết Nguyên đán ông đã mua giống về thả. Gặp phải mùa đông rét mướt, lũ rắn của ông Đông bị ghẻ cả loạt, vợ chồng ông lại tất bật mua thuốc và điều trị cho chúng.

Mãi sau này, khi đã thành danh, ông mới biết mình bị kẻ tư vấn "chơi khăm".

Sau một năm đi khắp cánh đồng làng mò cua, bắt cóc nhái và cả chuột nữa về làm mồi cho rắn, ông Đông cũng dần rút được kinh nghiệm.

Năm đầu tiên, ông bán được 20kg rắn với giá 300 đồng/kg.

Sau mỗi năm thu được lời, vợ chồng ông Đông tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Chẳng mấy chốc, diện tích hơn 100m2 của nhà biến thành chuồng rắn hết.

Từ việc phải bán “non”, năm sau ông giữ đàn rắn lại đến năm thứ 3 mới bán. Nhờ đó sản lượng rắn thu được cao cấp 5 lần.

Nói về lợi nhuận từ nghề nuôi rắn, ông Đông chia sẻ trên tờ Dân việt: “Nếu tính công sức bỏ ra và đầu tư thì việc nuôi rắn mang lại siêu lợi nhuận.

Năm ngoái giá rắn giảm xuống còn 450.000 đồng/kg vẫn đạt lợi nhuận cao. Giá rắn từ 350.000 đồng/kg là người nuôi có lãi, nếu biết cách tiết kiệm chi phí từ thức ăn và cách chăm sóc khoa học hơn”.

Năm 2012 là năm sốt giá rắn, giá mỗi kg hổ mang lên tới 850.000 đồng. Năm đó, mỗi ổ trứng rắn ông Đông bán được 3-6 triệu đồng. Cứ mỗi đôi rắn cho một ổ trứng, chẳng thế mà năm đó vợ chồng ông Đông đếm tiền mỏi tay.

Hiện tại, gia đình ông Đông có 3 khu nuôi rắn. Một khu nuôi rắn sinh sản, 2 khu nuôi rắn thương phẩm.

Nghề nuôi rắn mang đầy rủi ro, nên người nuôi rắn cũng luôn cảnh giác, đề phòng, nếu không sẽ bị rắn cắn.

Không chỉ nuôi rắn mà hiện tại ở Bạch Xá còn hình thành hàng chục nhóm người chuyên làm nghề bắt rắn.

Với những người dân Bạch Xá làm nghề nuôi và bắt rắn, họ đều biết là nguy hiểm, nhưng vì lợi ích kinh tế nên họ đã gắn bó với nghề.

Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại