Nước mắt tự hào của bố mẹ máy trưởng tàu CSB 2016 vừa bị TQ đâm

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - Để con yên tâm công tác, vợ chồng bà Mừng giấu nhẹm con - máy trưởng trên tàu CSB 2016 - chuyện ông đang bị ốm.

Ở xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) không ai còn xa lạ với hoàn cảnh của gia đình bà Phạm Thị Mừng. Ở cái tuổi 66, bà cùng chồng là ông Nguyễn Xuân Cành (71 tuổi) vẫn cặm cụi chăm đứa cháu vừa học xong lớp 7 của người con trai đang làm nhiệm vụ ngoài biển Đông.

Bà Mừng chia sẻ: "Con trai lớn của tôi đi làm công nhân, đứa thứ hai mất sớm để lại cho ông bà mụn cháu nội, con gái đi lấy chồng nước ngoài, còn cậu con trai út là trung úy Nguyễn Tiến Đạt (SN 1984), hiện đang là máy trưởng tại tàu CSB 2016. 

Tàu cảnh sát biển 2016 đang hoạt động chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam trước sự hung hãn tấn công, chèn ép của tàu Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
Tàu cảnh sát biển 2016 đang hoạt động chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam trước sự hung hãn tấn công, chèn ép của tàu Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)

Chúng tôi vừa giới thiệu là phóng viên, muốn hỏi chuyện ông bà, bà Mừng đã vội vàng nói: “Đấy, chương trình thời sự vừa nói, lúc 4 rưỡi chiều 1/6, tàu CSB 2016 bị tàu Trung Quốc đâm va nhiều lần làm thủng 4 lỗ, trong đó có 2 lỗ cách mặt nước khoảng 40cm và bị hỏng mối hàn nữa. Thằng Đạt lại đang làm máy trưởng trên tàu đó”. Bà Mừng kể chi tiết như đã thuộc lòng từ lâu.

Rồi bà quay sang tôi nói tiếp: “Ngày nào hai vợ chồng tôi cũng theo dõi thời sự để xem con thế nào. Hôm nay nghe tin xong mà thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên. Tạm thời chưa có thiệt hại chi tiết nhưng cũng may các chiến sĩ và phóng viên trên tàu CSB 2016 vẫn an toàn. Tôi luôn tin rằng, con và các đồng đội của con sẽ chiến thắng vì bao đời nay dân tộc ta có chịu lùi bước trước kẻ thù nào đâu. Đã làm nhiệm vụ là phải luôn sẵn sàng tinh thần ứng biến với mọi tình huống có thể xảy tới”.

Bà Phạm Thị Mừng cầm trên tay bệnh án và đơn thuốc của chồng
Bà Phạm Thị Mừng cầm trên tay bệnh án và đơn thuốc của chồng

Mỗi lần nhắc tới con trai là trung úy Nguyễn Tiến Đạt, vợ chồng bà Mừng đều ánh lên niềm tự hào trong đôi mắt. Bà bảo, bà rất thích con cháu mình làm bộ đội mặc dù hiện tại, cảnh sống của bà rất neo người. Bởi lẽ, gia đình bà có truyền thống quân ngũ và đó là môi trường rèn luyện tốt nhất để giúp các con bà nên người. Chính vì thế, học xong cấp 3, Đạt đã khoác ba lô lên vai, ghi tên mình vào hàng ngũ những người lính.

Bản thân ông Cành cũng nhiều năm là lính đặc công chiến đấu ở Cam Ranh, Phú Quốc…. Ông đã truyền cho con “tinh thần thép” của người lính Cụ Hồ. “Trước đây, thằng Đạt cũng ham chơi lắm. Nhưng từ khi vào bộ đội, nó thay đổi trông thấy, chững chạc từ tác phong cho tới lời nói”, ông Cành tự hào khi nhắc tới con.

Ông Nguyễn Xuân Cành sút hơn 10kg từ sau lần bị tai biến
Ông Nguyễn Xuân Cành sút hơn 10kg từ sau lần bị tai biến

Rồi ông nhìn sang đứa cháu nội là Nguyễn Tiến Dũng ngồi cạnh. Bố của Dũng mất sớm, mẹ đi bước nữa, hai ông bà chăm cháu từ khi Dũng mới lên 3. Cũng chỉ khoảng 10 ngày nữa, Dũng sẽ vào Đà Nẵng để sinh sống và học tập dưới sự chỉ bảo của vợ trung úy Đạt là chị Dư Thị Dung. Đây cũng là ước nguyện của trung úy Đạt từ nhiều năm nay, muốn phần nào gánh vác công việc gia đình thay bố mẹ.

“Giờ Dung vẫn đang đi thuê nhà, con cũng phải thuê người giữ. Lương của hai vợ chồng thì eo hẹp, lại có cháu vào đó nữa tôi cũng lo cho cuộc sống của các con lắm. Nhưng ông bà già rồi. Hơn nữa, thằng Đạt muốn cháu vào trong đó”, vuốt nhẹ mái tóc đứa cháu nội, bà Mừng chia sẻ.

Trở lại với câu chuyện của trung úy Đạt, bà Mừng lại thoáng nhìn xuống bệnh án và những đơn thuốc của chồng mà bà đang cầm trên tay. Ông Cành vừa bị tai biến nhưng để con yên tâm làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, ông bà không nói cho anh biết tình hình sức khỏe của ông Cành.

“Hôm trước, khi tàu của Đạt vào đất liền lấy nhiên liệu, lương thực…, nó có gọi điện về hỏi thăm sức khỏe mọi người. Lúc đó, vợ chồng tôi cũng chỉ nói với con là bố khỏe và cũng đi xe máy được rồi. Tôi không dám nói là bố bệnh nặng không con lại lo. Nó cũng nói: “Bố có khỏe thì con mới yên tâm công tác”. Nghe con nói xong, lòng tôi như thắt lại, không nói được lời nào. Thực tế, sức khỏe của ông cũng còn yếu. Ông lại bị tiểu đường nữa. Mai tôi còn phải đưa ông đi khám chất độc da cam”, bà Mừng nói.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà quay sang ông hồ hởi: “Hôm nay có người ở xóm bên nói với tôi là nhìn thấy vợ chồng thằng Đạt trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Thằng Đạt thì nói nhỏ, còn cái Dung trả lời to lắm. Chắc là họ phỏng vấn vợ chồng nó hôm mà tàu thằng Đạt vào đất liền lấy nhiên liệu và giờ phát lại. Nhưng hôm Đạt vào đất liền, hai vợ chồng có được gặp nhau đâu. Chắc họ gặp và phỏng vấn cái Dung sau. Nhưng tôi cũng không được xem”. Cứ thế, bà để suy nghĩ, tiếng cười và niềm tự hào của mình trải theo câu chuyện về người con trai út.

“Vợ chồng Đạt đặt tên con là Nguyễn Hải Quân. Quân mới được hơn một tuổi, giờ ai hỏi bố đi đâu nó đều nói, bố đi làm ở ngoài kia”, rồi bà Mừng lại cười vui hơn. Ông Cành cũng cười nhưng phía sau nụ cười ấy, tôi thoáng thấy giọt nước mắt còn đọng lại trên khuôn mặt của người cha đã rạn vết chân chim.

Trước khi chia tay tôi, bà Mừng không quên dặn dò: “Tôi muốn qua báo chí nhắn tới con là hãy yên tâm công tác, bố mẹ vẫn khỏe…”, nói tới đây giọng bà Mừng nghẹn lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại