Sinh năm 1950, cô Nguyễn Thị Thanh là thợ cắt tóc chuyên nghiệp có thâm niên tới 45 năm hành nghề.
Hiện cô đang mở "tiệm" cắt tóc cho nam giới trong một ngách nhỏ ở phường Kim Liên (Hà Nội).
Năm 1967, khi mới 17 tuổi, cô quyết định theo học nghề cắt tóc ở Hợp tác xã Đồng Tiến trên phố Hàng Đào. 10 năm sau, cô làm nhân viên cắt tóc của một doanh nghiệp mậu dịch quốc doanh và hiện cửa hàng này vẫn còn hoạt động, còn cô đã nghỉ hưu.
Cô quyết định gắn bó cả cuộc đời với việc "làm đẹp" cho giới mày râu, một phần vì vẫn phải kiếm sống. Sau nghỉ hưu, cô thuê một góc trong ngách nhỏ trên phố Lương Định Của để tiếp tục công việc.
Nữ thợ cạo này kể, thời mới bước vào nghề, giá cắt một đầu chỉ khoảng 2 đến 5 hào, nhưng hiện là 25.000 đồng. 'So với nhiều tiệm cắt tóc có cửa hàng mặt tiền đẹp khác thì giá này vẫn rẻ hơn một nửa', người phụ nữ 62 tuổi tính toán.
Cô đùa rằng nhiều khách đến tiệm cắt tóc nhận xét cô có khuôn mặt hao hao giống diễn viên hài Minh Vượng. "Ngày xưa tôi suýt theo ngành nghệ thuật hát chèo hoặc cải lương đấy. Từng nghe bạn bè đi thử giọng hát nhưng hồi đó nhút nhát, đến chỗ đông người lại thấy ngượng ngượng rồi bỏ về", cô Thanh tiết lộ.
Cô còn được doanh nghiệp dược phẩm mời tới làm nhưng sợ mùi thuốc nên không theo. Sau đó, có người nhà làm nghề cắt tóc nên cô đã quyết định đi theo để có một cái nghề. "Ngày đó ít nữ làm nghề này lắm, người ta lại cứ khuyên tôi rằng làm nghề chuyên cắt cho nam giới này là độc nhất", cô nói.
Hiện, khách hàng của cô rải rác ở nhiều độ tuổi, nhưng nhiều nhất là các bác trai ngoài 50 đến các cụ ngoài 80 tuổi.
Theo lời cô Thanh, cắt tóc là nghệ thuật và cắt đẹp hay không là do hoa tay của mình. Gặp người nào có đầu khó cắt thì phải xử lý cẩn thận, ngoài con mắt còn phải dùng cả kinh nghiệm. "Nhiều khách đang cắt tóc ở hàng tôi bỗng đi hàng khác một lần rồi lại quay lại tôi nhận ra ngay tóc này trước đó không phải do tôi cắt".
Cuộc sống và công việc của nữ thợ cạo cứ đều đều trôi. Sáng 9h dắt xe từ nhà ở khu phố Khâm Thiên đến địa điểm làm việc cách đó 2 km, buổi trưa tự nấu nướng ăn tại chỗ, 17h chiều lại trở về nhà với con cái và 3 đứa cháu.
"Nghề này với tôi thì chưa ráo mồ hôi đã hết tiền, chẳng kiếm được bao nhiêu đâu. Chồng tôi thời kỳ đầu cũng hành nghề này nhưng rồi sau đó bỏ. 3 đứa con tôi giờ cũng mỗi người một nghề, chẳng ai dám theo mặc dù trong số đó cũng có đứa là công nhân lương ba cọc ba đồng", một trong những nữ thợ cạo cao tuổi nhất Hà Thành tâm sự.