Ngày 31/8, tàu Hòa Bình (Nhật Bản) cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đưa 900 du khách thăm các danh lam thắng cảnh ở miền Trung. Riêng ông Kenneth Young (quốc tịch Canada), bà Heather Bowser và cô Jena Mack (quốc tịch Mỹ) đại diện cho ba thế hệ nạn nhân chất độc da cam lại chọn điểm đến khác. Họ cùng các nạn nhân nhiễm da cam/dioxin của Nhật Bản lặn lội gần 40 km đến thăm các nạn nhân da cam Việt Nam.
Từ trái qua, Heather, Jenna và Young cùng chụp ảnh với một em nhỏ nạn nhân da cam tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam/dioxin Đà Nẵng.g.
Sau những cái bắt tay, những trò vui đùa với các em nhỏ nhiễm chất độc da cam dioxin tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân da cam/dioxin và trẻ em nghèo cơ sở 3 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cả ba lặng người kể về tác hại da cam chính họ phải đối mặt, những chuyến đi thăm nạn nhân và cả hành động đòi công lý. "Điều đã làm cho thảm họa này trở thành nỗi ám ảnh, đáng tiếc đó không phải là kết quả của hiện tượng thiên nhiên mà do chính con người", Heather nói.
Heather (40 tuổi) là con một cựu quân nhân tham chiến tại Việt Nam những năm 1965 – 1969. Trước khi cô chào đời, bố mẹ cô đã nén nỗi đau vào tim khi hai lần chôn cất những đứa con dị tật qua đời khi vừa lọt lòng. Heather lớn lên không được khỏe mạnh, lành lặn như bạn bè. Cô sinh non 2 tháng, bị thiếu một chân, đôi bàn tay cũng không được lành lặn. Lần thứ hai cô trở lại Việt Nam, và những giọt nước mắt đồng cảm lại lăn dài trên gò má vì cô hiểu được chất độc đang chảy trong người mình cũng như những em nhỏ nhiễm da cam.
Heather đã rảo quanh một căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa (Nhật Bản) với chiếc chân giả. Cô ngồi trước máy vi tính để xem đi xem lại nhiều lần các trang web ở Okinawa liên quan đến trận chiến đẫm máu tại đây trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Và hình ảnh về nơi người chết vì ăn tôm, cua, sò, hến nhiễm chất độc da cam đã ám ảnh cô. Heather tự hứa với lòng mình phải làm việc gì đó ý nghĩa cho bản thân mình và những nạn nhân khác trên thế giới.
Cô xuất hiện trong bộ phim "Mùa xuân trong im lặng" được trình chiếu tại một trường đại học ở Okinawa trong vai trò nhân vật chính làm nhân chứng cho tác hại của chất độc da cam và lập tức gây xúc động. Heather bày tỏ mối quan ngại cho người dân ở Okinawa về việc sống chung với chất độc này, bởi một nghiên cứu của nhà báo Jon Mitchell suốt 2 năm đã tiết lộ, Mỹ từng rải 25.000 thùng (tổng số 5,2 triệu lít) chất độc da cam vào những năm 1970. Hiện, đất nhiễm dioxin ở đây vẫn chưa được tẩy rửa.
Bé Tấn Tú (5 tuổi) sống ở cạnh sân bay Đà Nẵng bỗng dưng bị nhiễm dioxin.
Và còn một sự thật là hơn 30 cựu binh Mỹ, những nhân chứng của việc phun, chôn vùi hoặc khai quật chất độc da cam trong khi đóng căn cứ tại Okinawa, nhiều người nay bị thương tật nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ. Lý do đơn giản là vì Mỹ đã phủ nhận việc rải chất độc ở Okinawa.
"Mỗi lần lắp chiếc chân giả vào, nỗi đau về những người cùng cạnh ngộ và bất hạnh hơn tôi lại trỗi dậy. Ai sẽ là người chịu trách nhiễm cho những gì đã diễn ra?". Heather đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời kèm hành động: "Phải đánh thức lương tâm của con người để không còn những nội đau đè lên những người vô tội".
Cô cũng cho biết, Chính phủ Mỹ chỉ hỗ trợ cho những người nhiễm chất độc da ca là nữ quân nhân. Trong khi đa số quân nhân đều là nam giới. "Cái khó là chính những công ty sản xuất ra những hóa chất độc hại này vẫn chưa chịu thừa nhận việc họ đã làm và họ sẵn sàng thuê luật sư giỏi để phủ nhận tội ác. Những nạn nhân như tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi lại công lý", Heather tâm sự.
Từng tiếp xúc với chất độc da cam khi còn là lính tại các cơ sở quân sự Gagetown ở Canada, nỗi ám ảnh về thứ chất độc được phun thử nghiệm tại nơi Young đóng quân trước khi bị đưa sang phun tại Việt Nam vẫn luôn thường trực, và chính những người lính như ông đều bị nhiễm chất độc da cam.
"Tham gia tàu Hòa Bình là cơ hội tôi được thảo luận vấn đề đòi công lý cho nạn nhân da cam không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới", Young nói và cho biết những người đến từ Australia, Guam, Hàn Quốc và các khu vực khác trên thế giới cũng đã bị ảnh hưởng từ chất độc da cam. Các cựu binh như ông ở Canada vẫn đang đấu tranh để nhận được sự công nhận và hỗ trợ từ các Chính phủ, cũng như các công ty hóa chất ở Canada.
Cô gái xinh đẹp Jenna tìm được sự đồng cảm và tiếng nói đòi công lý của những nạn nhân da cam ở Việt Nam.
"Tôi là thế hệ thứ 3 nhiễm dioxin. Thật đau đớn khi chính mẹ tôi đang ngày ngày đối mặt với những cơn đau", Jenna tiếp tục câu chuyện. Cô gái 18 tuổi từng chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp tuổi teen tại California. Ông ngoại cô, Jim Schicoti là cựu binh Mỹ nhiễm chất độc da cam và qua đời đúng một ngày trước khi cô lên tàu Hòa Bình sang Việt Nam. Người cựu binh già qua đời trong sự đau đớn về thể xác cũng như tâm hồn vì nỗi ám ảnh da cam.
Mẹ cô, bà Lupus, chịu di chứng nặng nề, nhiều lần phải đi phẫu thuật và đến giờ là cô. Tuy nhiên, ở Mỹ, những người là con cháu của nam quân nhân như cô không được hưởng bất cứ chế độ nào. Cô cho biết, chính những nạn nhân da cam đang quyết tâm đòi lại công lý ở Việt Nam đã thôi thúc cô lên đường. Cô tự xem mình là một nhân chứng, trong vai trò người đẹp, để mọi người hiểu rõ hơn về tác hại của chất độc da cam, một thảm hỏa không chừa một ai, dù được rải cách nay hơn nửa thế kỷ.
"Là công dân của các nước khác nhau cùng chia sẻ một hành tinh, ưu tiên của chúng tôi không phải là chiến tranh, cũng không phải tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, mà là tính bền vững và hòa bình toàn cầu cho chính mình, và cho tất cả các thế hệ đến sau chúng tôi", Jenna chia sẻ và cho biết cuộc đấu tranh đòi công lý đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của thế giới.