Nỗi lòng nữ tiến sĩ sinh con từ tinh trùng chồng quá cố

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Thời gian mang thai rồi tự mình vượt cạn, nhiều lúc chị Dung, người mẹ sinh con từ tinh trùng chồng quá cố cũng cảm thấy tủi thân bởi không có người đàn ông bên cạnh.

Là con cả trong gia đình có 4 cô con gái ở TP. Vinh (Nghệ An), từ nhỏ, chị Hoàng Thị Kim Dung đã là niềm tự hào không chỉ của riêng gia đình mà còn là của cả dòng họ. Niềm tự hào ấy xuất phát từ chính thành tích học tập đáng nể mà chị giành được. Hiện tại, chị Dung là Tiến sĩ, giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nghe câu chuyện tình cảm của chị Dung, ai cũng cảm phục một người vợ đã hi sinh tất cả để thực hiện “lời thề ước” năm xưa với chồng. Họ đã từng nguyện sẽ sinh thêm đứa con thứ hai dù đó là trai hay gái. Nhưng ước nguyện chưa được thực hiện thì anh Hồ Sỹ Ngọc là chồng chị qua đời do tai nạn giao thông vào năm 2010. Lấy lại tinh trùng của người đã mất, đó là cách duy nhất chị có thể níu giữ anh ở lại bên mình. Và hai đứa con song sinh của anh chị đã chào đời vào ngày 9/12/2013 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, là kết quả của tình yêu vĩnh cửu ấy.

Hai bé Hồ Sỹ Hoàng Đức (bên trái) và Hồ Sỹ Hoàng Hải (bên phải) khi được 21 ngày tuổi
Hai bé Hồ Sỹ Hoàng Đức (bên trái) và Hồ Sỹ Hoàng Hải (bên phải) khi được 21 ngày tuổi

“Từ nhỏ Dung đã là một đứa thùy mị và rất kín tiếng. Mỗi lần nó đi thi học sinh giỏi dù ở cấp trường, cấp huyện hay cấp tỉnh… vợ chồng chúng tôi cũng đều không hay biết gì. Bây giờ cũng thế, từ sau khi chồng mất, nó chôn chặt nỗi buồn trong lòng để nước mắt không rơi trước bất kì ai. Nhiều lần tôi thấy nó nhìn xuống sân từ hành lang của nhà chung cư, thấy các cặp đôi dắt tay nhau đi dạo phố, nó đã chạy vào nhà vệ sinh và khóc…”, bà Trần Thị Hảo, mẹ đẻ chị Dung mím chặt môi khi tâm sự về cô con gái cả của mình.

Trong căn phòng nhỏ của mình, chị Dung đang lặng lẽ nhìn hai con ngủ. Phía trên tường là bức ảnh cưới của anh chị. Vẫn nụ cười hạnh phúc, nhưng nụ cười hôm nay của chị đã mang thêm nhiều nét ưu tư. Chị kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian anh chị như “Ngưu Lang – Chức Nữ”, cứ xa nhau biền biệt để lo việc học tập.

“Sau khi con gái là bé Hồ Hoàng Hải Bình chào đời, anh Ngọc một mình làm hết mọi việc trong gia đình, từ nấu cơm, giặt giũ, rửa bát, lau nhà đến cả việc pha sữa cho con. Hồi đấy anh Ngọc cũng có lời mời đi học tiếp ở Áo, nhưng thấy con còn nhỏ, sợ em vất vả nên anh ấy hoãn lại...”, chị Dung nói.

Ảnh cưới của vợ chồng chị Dung
Ảnh cưới của vợ chồng chị Dung

Dấu chấm lặng đã đặt lên mối tình đẹp của anh chị. Ngày anh Ngọc qua đời vì tai nạn giao thông, con gái lớn của anh chị bé Hải Bình mới tròn 6 tháng tuổi. Đứng trước thi thể chồng, chị Dung như ngất lịm, điều làm chị day dứt nhất là mình chưa kịp làm tròn bổn phận của người vợ, chưa kịp bù đắp cho chồng những năm tháng đằng đẵng xa nhau.

Cũng chính trong sự day dứt ấy chị đã nghĩ tới những cái duyên mình đã gặp trong đời. Chị kể, khi còn du học bên Pháp chị có đọc một cuốn tiểu thuyết nói về trường hợp một vận động viên trượt tuyết bị vùi trong băng giá một thời gian rất dài. Sau đó cũng được thực hiện thành công việc lưu giữ tinh trùng. Và ngay lập tức, chị Dung gọi điện sang Pháp để hỏi cách làm sao có thể lấy tinh trùng của người đã khuất để sau này làm thụ tinh nhân tạo. Sau đó, chị đã liên hệ với TS. BS Lê Vương Văn Vệ (GĐ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn) để nhờ sự giúp đỡ. Và sau 6 tiếng từ khi anh Ngọc mất, tinh trùng của anh đã được bác sĩ Vệ mang về lưu trữ tại ngân hàng tinh trùng của bệnh viện.

Ý định ấy của chị ban đầu vấp phải sự phản đối của nhiều người từ bạn bè, anh em, đồng nghiệp… vì chị còn trẻ, tương lai, hạnh phúc phía trước còn rất nhiều cơ hội. Thêm vào đó, việc thụ tinh bằng ống nghiệm, đặc biệt là thụ tinh từ tinh trùng người đã chết thì xác suất thành công rất thấp.

Thời gian mang thai rồi phải tự mình vượt cạn, nhiều lúc chị Dung cũng cảm thấy tủi thân bởi không có người đàn ông bên cạnh. Với người mẹ ấy, khó khăn nhất là lúc sắp lâm bồn. “Thời gian thụ tinh, phải tiêm nhiều thuốc để kích trứng, đau đớn nhưng chỉ biết cắn răng chịu đựng một mình”, chị Dung tâm sự.

Ánh mắt người mẹ trẻ lúc nào cũng hướng về hai đứa con yêu
Ánh mắt người mẹ trẻ lúc nào cũng hướng về hai đứa con yêu

Nhưng mọi nỗi đau của chị đã được đền đáp bằng tiếng khóc chào đời của hai bé Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải. Hai bé chính là sợi dây để chị hàng ngày nhớ tới người chồng quá cố của mình.

Hai em bé sinh mổ nên chị Dung khá vất vả. Không có sữa cho con bú, hàng ngày chị phải dùng sữa ngoài để cho con ăn. Biết hoàn cảnh khó khăn của chị Dung nên bạn bè mỗi người góp một chút, người cho cái áo, người góp hộp sữa để các cháu bớt thiệt thòi.

Nói về con dâu của mình, ông Hồ Bính thốt lên từ “chịu ơn”: “Dung gọi điện về cho tôi, trình bày nguyện vọng của mình.

Tôi không biết nói gì vì xúc động, tôi không khuyến khích con vì hiểu con dâu mình đã quá thiệt thòi nhưng cũng không phản đối. Tôi chỉ bảo Dung: Nếu con sinh con thì bố mẹ chịu ơn con”. Đến bây giờ, ông Bính vẫn rất xúc động, ông vẫn ngỡ con trai mình vẫn như đang bên cạnh gia đình.

Vợ TS Lê Vương Văn Vệ, là người vợ, người mẹ nhưng lúc “vượt cạn” đều có chồng bên cạnh, chị không giấu nổi xúc động khi nói về chị Dung: “Tôi không biết dùng từ nào để nói lên tấm lòng chung thủy của người phụ nữ ấy dành cho người chồng đã mất của mình. Có lẽ Dung có nhiều lý do để đi tới quyết định đó nhưng tôi chỉ biết dành cho Dung hai chữ “khâm phục”. Dung cũng nói với tôi, thành công về y học trong việc thụ tinh từ tinh trùng người mất đã khiến cô ấy rất mãn nguyện và Dung cũng chỉ cần như thế. Dung sinh với chồng thêm hai đứa con, cô ấy cũng cảm thấy đó chính là hơi thở của ngươi chồng quá cố luôn bên cạnh mình trong mọi vui buồn của cuộc sống!”.

Hiện tại, TS Lê Vương Văn Vệ đã nhận đỡ đầu cho hai bé. Mỗi người khi biết tới câu chuyện cảm động này đều cầu chúc những gì tốt đẹp nhất sẽ tới với mỗi số phận ấy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại