Rác “tấn công” di tích, trường học
Đặt chân tới Minh Khai (Như Quỳnh – Văn Lâm – Hưng Yêu), đập vào mắt chúng tôi là những núi rác thải khổng lồ chất đống cao ngất ngưởng được giăng dọc hai bên đường, rãnh thoát nước, kênh mương…
Chạy suốt con đường vào thôn, đâu đâu cũng chỉ thấy rác và… rác. Rác đóng thành bao, rác xếp chồng từng đống dọc các con ngõ nhỏ… Thậm chí , khu di tích, đình làng, cũng được tận dụng làm nơi chứa rác .
Mùi hôi thối, xú uế, mùi nhựa… bốc lên nồng nặc. Ước tính mỗi ngày có đến hàng trăm tấn rác từ khắp nơi được thu gom về làng. Rác được các hộ sản xuất, tái chế lại thành nhựa thành phẩm rồi bán về các công ty sản xuất nhựa.
Ông Nguyễn Như Cánh, Trưởng thôn Minh Khai cho biết: “Hiện toàn thôn có tới 200 hộ dân sản xuất, tái chế nhựa phế thải thành hạt nhựa và làm từ hạt nhựa ra túi nilông. Quá trình tái chế rác, phải trải qua khâu giặt nilông sử dụng rất nhiều nước, tuy nhiên, hầu hết các hộ sản xuất đều không có hệ thống xử lý. Nước bẩn, nước có hóa chất, axit rất độc hại này ngày đêm đổ trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị lên trên, nhưng chưa được giải quyết”.
Ngoài ra, việc tái chế rác diễn ra suốt ngày đêm khiến khói thải ra môi trường đen kịt, những đống phế liệu thường xuyên bốc cháy nghi ngút, làm xám xịt cả vùng trời. Ngày nắng thì mùi khét đặc mùi hóa chất còn khi trời mưa, dòng nước thải đen ngòm bị tắc nghẽn, tràn lênh láng trên đường, ruồi nhặng khắp nơi.
Có mặt tại Trường Tiểu học Như Quỳnh A (Văn Lâm – Hưng Yên), chúng tôi không khỏi rùng mình vì mùi xú uế nồng nặc đến ngộp thở. Chị Nguyễn Thị Doan có con học tại trường, cho hay: “Hôm nào đi đón cháu tôi đều thấy mùi hôi, mùi hóa chất từ những đống phế liệu và cống thoát ngay tại cổng trường. Lại thêm tiếng máy rầm rập tại các cơ sở sản xuất quanh trường người lớn còn đau đầu không chịu được nữa là các cháu nhỏ. Nhiều hôm đi học về, cháu đều than mệt và khó thở, khiến gia đình rất lo lắng!”
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hương (Trường tiểu học Như Quỳnh A) cho biết: “Những ngày nắng có gió, khói bụi bao trùm, khiến cả trường như một rừng sương mù mịt, cả giáo viên và học sinh đều phải đeo khẩu trang để lên lớp. Những ngày nắng oi các em học sinh tự nhiên đổ máu cam rất nhiều. Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này nhưng vẫn chưa có câu trả lời nào từ các cấp chính quyền”.
“Ngay cả Vườn quả bác Hồ - là khu di tích lịch sử cấp tỉnh được tỉnh Hưng Yên công nhận năm 2008, cũng đang chịu chung số phận. Nếu chỉ để rác bên ngoài khu di tích thì cũng không có gì đáng nói, đằng này rất nhiều cơ sở sản xuất ngang nhiên chiếm dụng khuôn viên khu di tích thành bãi chứa phế liệu và các loại rác thải.
Tình trạng này diễn ra khá lâu, chúng tôi cũng nhắc nhở nhiều lần, tuy nhiên chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đấy. Dù rất đau lòng và bức xúc khi di tích bị xâm hại, nhưng chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào, vì không đủ thẩm quyền để giải quyết”, Trưởng thôn Nguyễn Như Cánh, cho biết.
Cận kề bệnh tật!
Ông Nguyễn Như Cánh cho biết: “Hiện nay, hầu hết các nơi trong làng đều được tận dụng để tập kết rác. Có hôm lượng rác đổ về quá tải, người dân còn mang cả vào nhà để chứa, kéo theo đó là mùi hôi thối, ruồi nhặng... sản xuất ngay trong gia đình nên việc bị các bệnh liên quan là không tránh khỏi”.
Chị Mật bán hàng nước trong làng Minh Khai cho biết: “Trong làng có rất nhiều người đã mắc phải những bệnh về hô hấp, da liễu, bị giảm về thị lực, cũng như thính lực… mấy năm gần đây xuất hiện rất nhiều người bị bênh ung thư”.
Xác nhận điều này, ông Nguyễn Hùng Chiến – Trưởng trạm y tế xã Như Quỳnh –cho biết: “Trong mấy năm trở lại đây Minh Khai có rất nhiều người chết vì bệnh ung thư, không những vậy bệnh này bắt đầu xuất hiện nhiều tại các thôn xung quanh.
Năm nay đã có 9 người chết vì ung thư trong đó có tới 6 người chết bởi ung thư phổi, vòm họng, dạ dày, dạng bênh này là do môi trường và nguồn nước. Ngoài ra, còn hàng trăm trường hợp khác cũng bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, da liễu, các bệnh về mắt… mà nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm từ làng nghề.”
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp từ xã lên huyện, xin được cấp đất để rời các khu tái chế rác thành một khu cách biệt với khu dân cư. Tuy nhiên, khu đất mới quá hẹp chỉ đủ cho 30% số hộ sản xuất, số còn lại vẫn sản xuất tại gia đình. Chúng tôi có nghe nói, sở tài nguyên môi trường tỉnh Hưng Yên đã có kế hoạch mở một lò đốt rác nhằm xử lý rác thải của làng nghề, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay vẫn chưa được triển khai” - ông Nguyễn Như Cánh cho biết.