Xã Trà Phong có 1005 hộ/4044 nhân khẩu với 62% hộ nghèo. Việc học hành ở đây vì thế rất vất vả từ kinh tế người dân, cơ sở hạ tầng...Ảnh: Lê Đình Dũng.
Sâu trong núi, điểm trường trường tiểu học Trà Na, trường TH&THCS số 2 Trà Phong là nơi khó khăn nhất của xã này. Từ trung tâm xã muốn vào đây phải đi khoảng 7 cây số đường xấu, qua suối Trà Na, lội đường rừng mới tới điểm dạy- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Bạn sẽ không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh tượng này. Một lớp học tạm bợ, nhếch nhác. Bên ngoài là chi chít phân trâu, phân lợn. Đám trẻ vẫn vui đùa mà không có khái niệm 'dơ' hay bệnh tật- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Trường TH&THCS Trà Phong có khoảng 1.300 học sinh. Trong đó, điểm trường Trà Na có 60 em học sinh với 4 giáo viên đứng lớp. Thầy giáo Hồ Thu Thảo đang là chủ nhiệm lớp 4A với 19 em học sinh- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Từ huyện miền biển Bình Sơn (Quảng Ngãi), cô giáo trẻ Huỳnh Thị Thanh lên vùng sâu này công tác đã được 2 năm. Thanh bảo nhớ nhà lắm nhưng rồi vì nghiệp dạy chữ, cô vẫn luôn cố gắng từng ngày để học sinh được tiếp thu kiến thức- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Đây là nhà công vụ của giáo viên điểm trường Trà Na. Có 2 giáo viên nữ và hai giáo viên nam cùng ở trong căn chòi này. Nó được chính quyền vận động dân làng đóng góp công sức làm nên. 'Nhà công vụ' mới chỉ có điện, còn nước thì dùng ở suối. Khổ đến nỗi nhà vệ sinh cũng không có. Thầy cô bảo với tôi, cách tốt nhất là 'tùy nghi di tản' ở góc suối hay bìa rừng, có đào hố làm nhà vệ sinh thì lợn thả rông của đồng bào nó cũng ủi lên càng bẩn kinh hơn- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Thầy hiệu trưởng trường TH&THCS số 2 Trà Phong Vũ Tiến Lâm và cô giáo cắm bản Nguyễn Thị Thu Đông. Cô Đông công tác ở vùng sâu này đã 18 năm. Cuộc sống khắc khổ dường như đã quen với cô- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ở vùng Tây Trà, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Cor, Ca Dong, Hre...Đây là huyện nghèo nhất của một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Con chữ vì thế nhiều khi cũng là ước mơ nào đó xa vời đối với con trẻ- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Tan học, không có cảnh bố mẹ đưa đón, không có chuyện nũng nịu đòi đi chơi, ăn quà; những đứa trẻ lại lùi lũi men núi cao, đường dốc mà về nhà trong buổi chiều mưa miền núi. Không biết chiều nay, ở nhà bố mẹ chúng có còn gạo mà thổi cơm không nữa- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ông Trương Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Trà Phong cho biết, hiện tại tuyến đường vào Trà Phong vẫn chưa được triển khai. Mùa mưa vừa rồi, những đoạn đường cũ bị cuốn trôi. Cây cầu làm tạm bằng ống tre này là do xã vận động bà con làm tạm để bắc qua suối Trà Na cho người dân và học sinh đi lại- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Dẫu biết là nguy hiểm, nhưng để có đường đi, người dân đành chấp nhận. Mùa khô có thể lội suối nhưng mùa mưa lũ thì đi xe hay đi bộ đều phải qua cây cầu này. Chuyện bị sầy chân, sỉa bánh xe là chuyện thường tình- Ảnh: Lê Đình Dũng.