Một cơn bão mạnh tạo ra lốc xoáy khiến ít nhất 295 người chết và nhiều tòa nhà bị san phẳng, đường điện bị đánh sập trên toàn miền trung và nam Mỹ ngày vào ngày 27.4.
Đây được coi là cơn lốc xoáy tồi tệ nhất tại Mỹ trong vòng 40 năm qua. Các cơn lốc xoáy mạnh lên và nhanh chóng lan rộng từ hôm 15/4, quét qua các bang Oklahoma, Arkansas, Mississippi, Alabama và Bắc Carolina trước khi giảm dần cường độ tại bang Virginia. Phía bắc Carolina cũng là địa phương chịu thiệt hại về người lớn nhất với 23 người thiệt mạng.
Cảnh hoang tàn sau khi lốc xoáy đi qua thành phố Fayetteville ở bang North Carolina
Nước Mỹ có lẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về lốc xoáy. Một tháng sau trận lốc xoáy tàn phá miền trung và nam Mỹ thì vào ngày 22/5/2011, một trận lốc xoáy khác lại diễn ra tại Joplin, bang Missouri.
Đây được cho là trận lốc kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ trong 60 năm qua tính từ trận bão lốc ở Woodward, Oklahoma tháng 4/1947 đã khiến ít nhất 125 người thiệt mạng. Một vùng rộng lớn khoảng 10km ở thành phố Joplin của bang Missouri đã bị san phẳng. Nhà cửa, trường học, bệnh viện bị phá hủy.
Hai mẹ con này đang tìm kiếm đồ còn sót lại trong ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn vì lốc xoáy tại Joplin, Missouri
Vào hôm 31/7, một trận lốc xoáy dữ dội cũng đã càn quét qua Blagoveshensk, thủ phủ tỉnh Amua, thuộc vùng Viễn Đông của Nga làm 1 người đã thiệt mạng và 28 người khác bị thương.
Đây được xem là một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp không chỉ ở Viễn Đông mà còn trên khắp nước Nga. Trận lốc xoáy kinh hoàng này đã khiến hàng nghìn người không có điện để dùng sau khi quật đổ các đường dây điện ở đây. Ước tính thiệt hại do lốc xoáy gây ra là 2,9 triệu USD.
Cơn lốc xoáy hiếm gặp càn quét thành phố Blagoveshensk
Trong khi đó, tại Madagascar, cơn lốc xoáy nhiệt đới mạnh đổ bộ vào khu vực phía Bắc quốc đảo ở Nam Ấn Độ Dương hôm 3/3 đã làm ít nhất 34 người chết và mất tích, hàng trăm người khác bị thương.
Cơ quan kiểm soát rủi ro và thiên tai Madagascar đã cho biết, lốc xoáy đã khiến 77.000 người phải sơ tán khẩn cấp và 200.000 người bị mất nhà cửa, nhiều diện tích trồng lúa sắp thu hoạch bị phá hủy hoàn toàn hoặc ngập trong nước.
Hình ảnh lốc xoáy thật đáng sợ
Không chỉ có lốc trên cạn mà lốc xoáy nước cao hàng trăm mét cũng đã xuất hiện trong một cơn dông tại tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc ngày 16/6. Nước sông Tùng Hoa bị hút lên những đám mây, tạo thành cột lốc xoáy nước cao hàng trăm mét. Hiện tượng này kéo dài khoảng 10 phút.
Lốc xoáy nước là hiện tượng phổ biến ở các nước nhiệt đới, nhưng thỉnh thoảng cũng xảy ra ở các nước ôn đới.
Cột lốc xoáy nước cao hàng trăm mét
Ở Việt Nam, lốc xoáy cũng là hiện tượng thiên nhiên thường gặp nhưng mức độ tàn phá thì nhỏ hơn so với Mỹ. Chiều 23/6, do ảnh hưởng của bão Haima, một trận lốc xoáy mạnh quét qua hai xã An Lư và Trung Hà (Thủy Nguyên – Hải Phòng) lúc chập tối.
Kéo dài trong khoảng 30 phút, trận lốc xoáy đã để lại cảnh tượng tan hoang khi hơn 20 căn nhà ở bị giật đổ hoàn toàn, hơn 1.000 căn khác cùng nhiều phòng học bị tốc mái. Toàn bộ hai xã bị mất điện. Chị Nguyễn Thị Tươi (xã An Lư), một thai phụ sắp sinh đã bị cây đổ đè chết. Trận lốc xoáy dữ dội cũng đã làm 80 người khác bị thương, trong đó 40 người bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu.
Xã An Lư khi cơn lốc đi qua
Không chỉ khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng của lốc xoáy mà hiện tượng thiên nhiên đáng sợ này còn xuất hiện ở cả miền Nam. Đang trong giai đoạn đối phó với lũ lụt, nhưng trong ngày 28/10, trên địa bàn 2 huyện Giang Thành và Hòn Đất (Kiên Giang) đã bất ngờ xuất hiện vài cơn lốc xoáy, làm bị thương nặng 1 trẻ em và làm sập đổ 68 căn nhà, tốc mái 277 căn nhà khác. Vùng biển Kiên Giang năm nay liên tiếp xuất hiện nhiều trận lốc xoáy gây khó khăn lớn cho việc đánh bắt hải sản của ngư dân.
Cơn lốc xoáy kèm theo mưa to đã gây thiệt hại cho tỉnh Kiên Giang
Hiện tại, tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng chưa thể dự đoán chính xác được thời gian và khu vực xảy ra lốc xoáy, do vậy, hậu quả của nó để lại thì thật là khủng khiếp.
Kim Oanh
(Tổng Hợp)