Những tình huống khó quên của bác sĩ đối mặt "thần chết"

Theo Infonet |

Bệnh nhân chuyển vào viện trong trạng thái suy kiệt cùng cực do nhiễm trùng cơ hội nặng, người nhiễm nấm toàn da, cơ thể phủ màu trắng toát như được bó bột. Chỉ nhập viện một hôm thì hôm sau mất luôn - bác sĩ ở Bệnh viện 09 kể lại.

Đó là chia sẻ về công việc của những y bác sĩ trong Bệnh viện 09, bệnh viện chuyên chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. Ở bất cứ phòng khoa nào của bệnh viện này các y bác sĩ đều phải đối mặt với những khó khăn riêng và những hình ảnh về bệnh nhân đọng lại trong tâm trí người thầy thuốc nơi đây cũng không ai giống ai!

Nỗi sợ hãi và những tình huống khó quên

“Bệnh nhân chuyển vào viện trong trạng thái suy kiệt cùng cực do nhiễm trùng cơ hội nặng, người nhiễm nấm toàn da, cơ thể phủ màu trắng toát như được bó bột. Chỉ nhập viện một hôm thì hôm sau mất luôn” - Dù tiếp xúc nhiều với cái chết của các bệnh nhân nhiễm HIV nhưng đây là hình ảnh mà bác sĩ Nguyễn Thị Kim Xuân, Phó khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viên 09 không thể quên khi kể lại với PV. 

Dường như nỗi sợ hãi vẫn còn thoảng đâu đó và không khỏi rùng mình. Hình ảnh này ám ảnh bác sĩ hàng tháng trời sau đó!

Trường hợp day dứt mà bác sĩ Xuân kể lại đó là bệnh nhân 18 tuổi, là con trai và bị nhiễm HIV từ năm 14 tuổi do nghiện ngập, quan hệ tình dục bừa bãi, sống buông thả. Đây là trường hợp trẻ nhất nhiễm HIV giai đoạn cuối ở bệnh viện. Từ lúc nhập viện đến lúc mất, không một người thân chăm sóc cho cậu.

Những tình huống khó quên của bác sĩ đối mặt "thần chết"
Dù đã được phòng bị rất kỹ nhưng nguy cơ phơi nhiễm của các bác sĩ làm việc tại bệnh viện là rất cao, đã có không ít y bác sĩ của bệnh viện phải điều trị phơi nhiễm. Đây là nỗi trăn trở của y bác sĩ trong nghề. Ảnh minh họa.

Còn trong một lần lấy máu cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Thị T đã bị máu bắn vào niêm mạc mắt nên phải giấu gia đình để điều trị phơi nhiễm 1 tháng. Năm 2007 có bác sĩ của viện bị nhiễm lao của bệnh nhân mắc lao kháng thuốc. 

Những ngày tháng ban đầu đó rất khó khăn và căng thẳng. Có những trường hợp y bác sĩ bị kim tiêm chích của bệnh nhân chọc vào tay. Đến cả nhân viên dọn vệ sinh cũng bị kim tiêm chọc vào tay khi dọn thùng rác. Bệnh viện có không ít người phải điều trị phơi nhiễm.

“Thôi thì chẳng biết thế nào, trời thương, trời phú cho lúc nào biết lúc đó”, bác sĩ Hường kể lại những ngày tháng sợ hãi khi đồng nghiệp bị tai nạn nghề nghiệp.

Không chỉ vậy, các y bác sĩ ở đây cho biết: nhiều khi gặp cản trở từ phía gia đình, người thân của mình. Chẳng ai muốn họ làm việc trong môi trường này. 

Vì thế, các y bác sĩ còn phải làm thêm việc tư vấn, trò chuyện với người thân, bạn bè về căn bệnh này, có sự am hiểu về bệnh sẽ thấy căn bệnh này không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ!

Một số khác chọn giải pháp im lặng, không nói về công việc của mình cho người thân, tránh sự hoang mang và không khí nặng nề cho gia đình. Đó chính là những kĩ thuật viên, bác sĩ chuyên khâm liệm xác chết của bệnh viện.

Khó khăn chồng chất khó khăn!

Một trong những tuyến đầu của bệnh viện 09 chính là khâu tư vấn, tiếp xúc, trò chuyện với bệnh nhân. Tại đây, họ đối diện với một "tấm bình phong" khó xuyên thủng, thậm chí là những lời nói dối. Nhưng Trung tâm hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng đã làm tốt công việc của mình.

"Khi các bệnh nhân đến khám và điều trị, việc tiếp xúc, tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV cũng gặp vô vàn khó khăn do họ khép mình và không muốn chia sẻ bởi “đây là nhóm người dễ bị tổn thương và bị gạt ra khỏi lề xã hội. 

Đặc biệt những người lớn lên trong môi trường không thuận lợi thì sự tự tin của họ bị tổn thương trầm trọng. Rất khó để họ cởi lòng với ai đó” - Chuyên gia tư vấn HIV Mai Thị Việt Thắng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng chia sẻ, công tác tại tổ tư vấn của bệnh viện 09 chia sẻ.

Những tình huống khó quên của bác sĩ đối mặt "thần chết"
Bệnh nhân nhiễm HIV rất mặc cảm, họ chịu 2 tầng kỳ thị bởi vậy để tiếp xúc và trò chuyện với họ không phải là điều dễ dàng đối với  nhân viên tư vấn. Ảnh minh họa

Chị Thắng nói: Chính vì những người nhiễm HIV tự ti, mặc cảm về thân phận bởi họ chịu 2 tầng sự kỳ thị, khó mở lòng với bác sĩ nên trong khi tư vấn không bao giờ được phép hỏi: Tại sao lại nhiễm HIV? Tại sao lại đến đây xét nghiệm?

Một nguyên tắc trong tư vấn là không bao giờ phán xét mà để tự họ nhận xét về cuộc sống. Người tư vấn cần đưa ra những câu hỏi mở để họ tự cởi lòng mình như Em mong muốn gì cho cuộc sống? Em muốn gì trong tương lai?...

Để họ trải lòng ra với mình cần có thời gian tiếp xúc và tìm hiểu, ít nhất là vài buổi gặp mặt. Tuy nhiên, có những trường hợp do quá mặc cảm và khó tiếp xúc nên phải mất cả tháng hoặc cả năm trời mới có thể tiếp xúc và nói chuyện cởi mở được với bệnh nhân. 

Và khi đã gần gũi được với họ thì họ sẵn sàng chia sẻ và tâm sự mọi chuyện! Kể cả 2, 3 năm sau, những vướng mắc trong gia đình, mâu thuẫn bạn bè... họ đều tâm sự với người tư vấn.

Còn đối với bác sĩ nơi đây, hiểm họa phơi nhiễm từ bệnh nhân có HIV là thường trực. Chia sẻ với PV về những khó khăn chung của đội ngũ y bác sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện 09 cho biết: 

“Bệnh viện có tính đặc thù là chuyên chữa trị và chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối có hoàn cảnh khó khăn từ các trung tâm sau cai, các trại tam giam, trung tâm giáo dục xã hội… chuyển về và những đối tượng nhiễm HIV từ cộng đồng. 

Hầu hết tất cả các bệnh nhân nhiễm HIV vào đây đều có biểu hiện nhiễm trùng. Vì vậy, đội ngũ y bác sĩ ở đây là phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao và bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ bệnh nhân như  lao, nấm”.

Nói về những khó khăn trong của mình, Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Xuân, Phó khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viên 09 tâm sự: Bệnh nhân ở đây, bên cạnh việc thành phần đa dạng thì phần lớn họ đều bị người nhà bỏ rơi. Nhiều trường hợp từ chối điều trị, không hợp tác, từ chối không uống  thuốc, hỏi không trả lời…

Bên cạnh đó, cuộc sống của nhân viên y bác sĩ, điều dưỡng ở đấy rất vất vả. Do không có người nhà chăm sóc nên các y tá, điều dưỡng, thậm chí cả bác sĩ đều phải xắn tay vào chăm sóc toàn bộ cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân mất, họ cùng nhau khâm liệm cho bệnh nhân khi xung quanh không một bóng người thân.

“Có trường hợp bệnh nhân bắt tay với nhau trốn ra ngoài, lấy ma túy vào cho nhau dùng. Có những bệnh nhân đang điều trị lao nhưng bỏ hoặc không dùng thuốc điều trị mà lấy ra ngoài đem thuốc đi bán để sử dụng ma túy. 

Họ có những phản ứng chống lại bác sĩ như đe dọa, văng tục hành hung, chửi mắng bác sĩ… Nói chung là đủ những khó khăn và nguy hiểm thường trực” - bác sĩ Bác sĩ Mai Thị Hường, Phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện 09 chia sẻ.

Có lẽ, ngoài sự yêu nghề, các bác sĩ nơi đây còn có trong mình sự dũng cảm ít ai có được.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại